Bạn đang ở đây

xuất nhập khẩu

Tiếng Việt

Quý I/2023: Xuất nhập khẩu ước đạt 154,27 tỷ USD

Tính chung quý I năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD; cán cân thương mại xuất siêu 4,07 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu hàng hóa suy giảm

Quý I/2023, bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Theo thông tin Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng Ba ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%.

Vận chuyển khó khăn dẫn đến hàng hóa xuất nhập khẩu có thể ứ đọng ở các cảng
Nhu cầu tiêu dùng suy giảm khiến xuất nhập khẩu khó khăn

 

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bộ ngành và địa phương cùng với với sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2023 ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD.

Cụ thể, ở chiều xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,33 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,24 tỷ USD, tăng 13,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 giảm 14,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 16%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 14,4%.

Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10%, chiếm 75,7%.

Trong quý I năm 2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).

Thuỷ sản- mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao của Việt Nam sang Canada
Nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 6,07 tỷ USD

 

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 70,24 tỷ USD, chiếm 88,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 6,07 tỷ USD, chiếm 7,7%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 1,79 tỷ USD, chiếm 2,3%.

Nhập khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 35,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,2 tỷ USD, tăng 18,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Ba giảm 11,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 7,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 13%.

Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%.

Trong quý I năm 2023 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,6%).

Hàng hóa nhập khẩu về vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước khi nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 70,22 tỷ USD, chiếm 93,5%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng quý I chỉ đạt 4,88 tỷ USD, chiếm 6,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Tiếp sau là Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong quý I năm 2023, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) vẫn mang lại hiệu quả tích cực khi xuất siêu sang EU ước đạt 6,9 tỷ USD. Con số này cho thấy EU vẫn là thị trường lớn và đầy tiềm năng của hàng hóa Việt Nam.

Với kim ngạch xuất nhập khẩu như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).

Bộ Công Thương tích cực tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu

Trước những diễn biến khó lường của hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…

Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030. Theo đó, Quyết định đặt ra mục tiêu duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm.

Để hoàn thành mục tiêu đó, Bộ Công Thương xác định tiếp tục đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài và đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao và tỷ lệ nội địa hóa lớn; phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới, tạo sự đột phá như các sản phẩm Halal sang các thị trường Hồi giáo, sản phẩm Kosher sang thị trường Do thái, hàng hóa môi trường và các bon thấp...

Bên cạnh đó, phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng; phát triển các trung tâm tiêu dùng mới. Số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại.

Đặc biệt, chú trọng nâng cấp và phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành dựa trên các lợi thế so sánh ở cấp độ quốc gia, vùng và địa phương để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường năng lực tự chủ của ngành Công Thương. Cụ thể, trong hoạt động xuất nhập khẩu, tiếp tục nâng cấp và phát triển hoàn chỉnh hệ sinh thái xuất nhập khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển đồng bộ và hiệu quả hệ thống hạ tầng logictics phục vụ xuất nhập khẩu nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và logistics của khu vực.

Tiếp tục nâng cao khả năng đáp ứng quy định, tiêu chuẩn cao về chất lượng của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các bon thấp, lao động và công đoàn. Tăng cường năng lực xuất khẩu cho các địa phương. Phát triển các vùng, địa bàn xuất khẩu mới gắn với quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng tập trung chuyên môn hóa.

Nguồn: Báo Công Thương

Xuất khẩu thủy sản bật tăng trở lại trong nửa đầu tháng 2/2023

Sau khi “tụt dốc” trong tháng 1/2023, bước sang nửa đầu tháng 2, xuất khẩu thủy sản bật tăng trở lại, đạt 286,94 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2/2023, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt 286,94 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.

4218-xk-thyy-syn
Xuất khẩu thủy sản bật tăng trở lại trong nửa đầu tháng 2/2023

 

Tuy nhiên, tính lũy kế từ đầu năm 2023 đến hết ngày 15/2, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 742 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Đà giảm diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm sút trong quý 4/2022 và tiếp tục giảm trong tháng 1/2023 khi Tết, kỳ nghỉ lễ lớn nhất năm tại Việt Nam diễn ra.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, bức tranh xuất khẩu thủy sản khó có thể bừng sáng trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng vào Trung Quốc khi thị trường này mở cửa trở lại, tuy nhiên, sự phục hồi này được đánh giá là phải từ quý II/2023. Đồng thời, ngành thủy sản của Việt Nam vẫn có sự lạc quan tại các thị trường có nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023 như khu vực châu Á, Trung Đông…

Nguồn: Báo Công Thương

Những loại trái cây nào đang đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc?

Cùng với các trái cây đã được mở cửa sang thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán mở cửa thêm nhiều loại trái cây sang thị trường này.

Tại Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt – Trung trong bối cảnh mới diễn ra mới đây, các hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp hai bên diễn ra khá sôi nổi. Phía doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã liên tục gửi thông tin liên lạc cũng như nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng giới thiệu thông tin và chào hàng sản phẩm. Những sản phẩm được quan tâm trao đổi nhiều như: gạo, thanh long, sầu riêng, mít, cà phê, hạt điều…

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả,…
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả,…

 

Ông Ngô Tuấn Dật - Tổng giám đốc mảng trái cây Đông Nam Á, Công ty quản lý chuỗi cung ứng thương mại quốc tế Sunwah (Quảng Đông) - cho biết: "Năm ngoái, chúng tôi đã ký kết hợp đồng với đối tác Việt Nam, thu mua hơn 2.000 container hàng hóa các loại như: sầu riêng, mít, chanh leo, xoài, khoai lang tím… Kế hoạch trong năm 2023 sẽ tăng con số 2.500 container. Do đó, doanh nghiệp này mong muốn kết nối được thêm nhiều đối tác lớn có uy tín và tiềm năng ở Việt Nam để hợp tác, làm ăn.

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,5 tỉ USD, chiếm 24% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam.

Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%.

Cơ hội xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường là rất lớn. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, ông Lỗ Siêu - Đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc - nhấn mạnh: Vấn đề an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định, thị trường Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường 1,4 tỉ dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có Nghị định thư như thanh long, xoài, mít... khó phát huy hết tiềm năng.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, Trung Quốc có nhiều thay đổi trong quản lý chất lượng nông sản, hàng hóa nhập khẩu và đã là một thị trường khó tính. Tổng cục Hải quan Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, trong đó bao gồm cả hình thức biên mậu (tiểu ngạch). Trung Quốc yêu cầu đàm phán, mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; thực hiện quản lý sản phẩm nhập khẩu thông qua ký kết Nghị định thư; sản phẩm nhập khẩu phải có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Việt Nam đã có các sản phẩm được ký Nghị định thư, gồm: cám gạo, gạo, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài, mít. Ớt và chanh leo đang được cho phép xuất khẩu tạm thời. Nhóm trái cây có múi (cam, bưởi…) và dừa đang trong giai đoạn đàm phán kỹ thuật. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã nộp hồ sơ đề nghị mở cửa thị trường cho quả na, thảo quả.

Về việc này, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho rằng, hiện Việt Nam có 16 mặt hàng thực vật đang được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: Chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo.

Trong đó, 7 sản phẩm đã có Nghị định thư và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang hoàn thiện chuẩn hóa các Nghị định thư cho khoai lang, ớt. Các địa phương có diện tích lớn về ớt, khoai lang và chanh leo cần rà soát cơ sở đóng gói, vùng nguyên liệu để đăng ký cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả,… Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phối hợp về cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng.

Trước những yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng nâng cao từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm theo các yêu cầu kỹ thuật, kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, các doanh nghiệp cần phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của phía bạn.

Các chuyên gia cũng nhận định, Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng khi tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa nông sản của Việt Nam. Đây cũng là thị trường truyền thống có lịch sử lâu đời với Việt Nam.
Để khai thác hiệu quả thị trường này, điều quan trọng là phải xác lập tầm nhìn đúng đắn. Trong đó, việc bỏ tư duy buôn chuyến mà cần xem thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng, khó tính từ đó xác định các doanh nghiệp làm ăn với chúng ta là những đối tác để hợp tác lâu dài là hết sức quan trọng.

Nguồn: Báo Công Thương

Thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 10 tỷ USD trong tháng đầu năm

Tháng 1/2023, Trung Quốc là đối tác thương mại duy nhất của Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc 10 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 3,87 tỷ USD.

Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD.

Việc thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II sẽ dần được mở lại theo 4 giai đoạn
Việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trở lại bình thường giúp gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều

 

Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ quốc gia láng giềng đạt 7,23 tỷ USD trong tháng 1.

Hàng hóa nhập khẩu đa dạng từ sản phẩm, linh kiện điện tử; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nguyên phụ liệu; hàng tiêu dùng; hàng nông sản…

Với tổng kim ngạch hơn 11 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại song phương duy nhất của Việt Nam có quy mô kim ngạch hơn 10 tỷ USD trong tháng đầu năm.

Trước đó, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 175,57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 117,87 tỷ USD

Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...

Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam (thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản).

Với vị trí địa lý gần gũi, nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có sức cạnh tranh mạnh mẽ, góp phần tích cực vào tăng trưởng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Ngày 08/01 vừa qua, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản, đây là tin mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các quy định theo Lệnh 248 và 249 của Hải quan Trung Quốc về yêu cầu Trung Quốc đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ, doanh nghiệp muốn xuất khẩu chính ngạch nông sản sang thị trường này phải tuân thủ: Mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phải đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu. Các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ do phía Trung Quốc phê duyệt, cấp mã số.

Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cấp hơn 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản. Để đảm bảo việc xuất khẩu nông sản, thủy sản, lâm sản phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai rất mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Để gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, dần tiến tới cân bằng cán cân thương mại, Bộ Công Thương khuyến cáo đối với công tác tổ chức sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương của Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường. Trong quản lý chất lượng, tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP,...

Để có thể tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường.

Nguồn: Báo Công Thương

Hơn 700 xe hàng thông quan qua các cửa khẩu Lạng Sơn trong 1 ngày

Các cửa khẩu tại Lạng Sơn đã tăng cường năng lực thông quan hàng hóa, với tổng số phương tiện xuất nhập khẩu thông quan trên 700 xe/ngày.

Thông tin mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, tổng số phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu thông quan trong ngày 6/2/2023 là 727 xe, trong đó, tổng số phương tiện có hàng xuất khẩu: 349 xe (223 xe hoa quả, 126 xe hàng khác); tổng số phương tiện nhập khẩu: 378 xe (377 xe hàng, 01 xe mới).

Hơn 700 xe hàng thông quan qua các cửa khẩu Lạng Sơn trong 1 ngày
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn)

 

Tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh tính đến 20 giờ 00 ngày 6/2/2023 là 340 xe, trong đó gồm: 222 xe hoa quả, 118 xe hàng khác, tăng 18 xe so với tối 5/2/2023.

Cụ thể, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tổng số phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu thông quan là 334 xe, trong đó, số phương tiện xuất khẩu: 72 xe (39 xe hoa quả, 33 xe mặt hàng khác); số phương tiện nhập khẩu: 262 xe (261 xe hàng, 01 xe mới). Tổng số phương tiện quay đầu (chuyển cửa khẩu khác): 0 xe.

Tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên (từ 20h00 ngày 5/2/2023 đến 20h00 ngày 6/2/2023): 83 xe (hoa quả, hàng hoá khác). Tổng số phương tiện tồn đến 20h00 ngày 6/2/2023 là 19 xe mặt hàng khác, trong đó có 12 xe (container lạnh) hoa quả và 7 xe mặt hàng khác.

Tại Cửa khẩu phụ Tân Thanh, tổng số phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu thông quan là 237 xe, trong đó: Số phương tiện có hàng xuất khẩu: 177 xe (152 xe mặt hàng hoa quả, 25 xe mặt hàng khác); số phương tiện có hàng nhập khẩu: 60 xe hàng. Tổng số phương tiện quay đầu (chuyển cửa khẩu khác): 0 xe. Tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên (từ 20h00 ngày 5/2/2023 đến 20h00 ngày 6/2/2023): 171 xe (mít, thanh long, xoài, tinh bột sắn...).

Tổng số phương tiện tồn đến 20h00 ngày 6/2/2023 là: 206 xe gồm: 190 xe hàng hoa quả (182 container lạnh, 08 container nóng) và 16 xe mặt hàng khác.

Còn tại Cửa khẩu chính Chi Ma, tổng số phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu thông quan là 91 xe, trong đó: Số phương tiện có hàng xuất khẩu: 35 xe mặt hàng khác; số phương tiện có hàng nhập khẩu: 56 xe. Tổng số phương tiện quay đầu (chuyển cửa khẩu khác): 0 xe.

Tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên (từ 20h00 ngày 5/2/2023 đến 20h00 ngày 6/2/2023): 44 xe mặt hàng khác. Tổng số phương tiện tồn đến 20h00 ngày 6/2/2023 là: 68 xe mặt hàng khác.

Với cửa khẩu Cốc Nam, tổng số phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu thông quan là 65 xe, trong đó: Số phương tiện có hàng xuất khẩu: 65 xe (32 xe hoa quả, 33 xe mặt hàng khác); số phương tiện có hàng nhập khẩu: 0 xe. Tổng số phương tiện quay đầu (chuyển cửa khẩu khác): 0 xe.

Tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên (từ 20h00 ngày 5/2/2023 đến 20h00 ngày 6/2/2023): 69 xe (hoa quả, hàng hoá khác). Tổng số phương tiện tồn đến 20h00 ngày 6/2/2023 là: 47 xe gồm: 20 xe (container lạnh) hoa quả và 27 xe mặt hàng khác.

Ngoài ra, tại Cửa khẩu quốc tế Ga Đồng Đăng, số toa xuất khẩu: 22 toa; số toa nhập khẩu: 32 toa.

Tỉnh Lạng Sơn là địa phương biên giới có trên 231 km đường biên giới tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng tây, Trung Quốc, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là một trong những con đường kết nối giao thương giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

Vị trí địa lý thuận lợi đã góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, việc Trung Quốc mở cửa biên giới đã tạo cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu gia tăng sang thị trường này.

Trong tháng 1/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn của tỉnh đạt hơn 250 triệu USD, tăng 108% so cùng kỳ. Hiện hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu trên địa bàn đang được thực hiện tại 5 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Ga Đồng Đăng, Chi Ma, Cốc Nam.

Nguồn: Báo Công Thương

Khai mở thị trường xuất khẩu mới cho hàng hoá Việt

Xác định thị trường Nam Mỹ được xác định là mục tiêu mới cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu vì thế năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp.

Nhiều thách thức

Là một trong số các quốc gia có dân số đông nhất Nam Mỹ, Brazil cũng là đối tác thương mại lớn của Việt Nam ở khu vực này. Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Brazil, năm 2022 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 6,78 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,24 tỷ USD, giảm 1%, nhập khẩu đạt 4,55 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Thị trường Nam Mỹ nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác

 

Ông Ngô Xuân Tỵ - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Brazil (kiêm nhiệm Bolivia, Guyana, Suriname) cho hay: Brazil là thị trường lớn và rất tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Thị trường này không quá khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, thị hiếu của người dân rất đa dạng.

Tuy vậy, doanh nghiệp cần xác định sẽ gặp thách thức lớn khi tiếp cận thị trường Brazil. Bên cạnh khoảng cách địa lý xa, chi phí logictics cao, rào cản ngôn ngữ, Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do hay thoả thuận thương mại với quốc gia này, do vậy thuế nhập khẩu rất cao, có những mặt hàng lên đến 35% như dệt may, da giày. Mặt khác, sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các nhà cung ứng Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore cũng là vấn đề lớn.

Tương tự tại thị trường Argentina, ông Ngô Mạnh Khôi - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Argentina (kiêm nhiệm Uruguay, Paraguay) cho biết thêm: Cản trở lớn nhất tại Argentina hiện vẫn là lạm phát cao gây ảnh hưởng đến sức mua và tiêu dùng của người dân. Cùng đó, việc thiếu ngoại tệ cũng gây ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp nhập khẩu và dè dặt hơn trong ký hợp đồng mới. “Năm 2023, Chính phủ Argentina quyết tâm phục hồi sản xuất trong nước và thúc đẩy xuất khẩu nhằm cải thiện nguồn thu ngoại hối”, ông Ngô Mạnh Khôi nói.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Argentina cũng thông tin: Argentina là một trong những quốc gia có nền bảo hộ mạnh nhất thế giới, áp dụng nhiều rào cản thương mại, bao gồm cả thuế quan và phi thuế quan gây khó khăn cho mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tạo thêm xung lực

Xuất khẩu được đánh giá rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên xuất khẩu của Việt Nam hiện tập trung phần lớn tỷ trọng ở một số thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong khi đó, theo dự báo của nhiều tổ chức kinh tế, những thị trường này sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong ngắn hạn, lạm phát và sức tiêu dùng chưa được cải thiện.

Với bối cảnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có Cục Xúc tiến thương mại tập trung các hoạt động khơi mở thêm thị trường mới cho hàng hoá Việt và thị trường Nam Mỹ là một đích đến.

Khai mở thị trường xuất khẩu mới cho hàng hoá Việt
Điện thoại và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Nam Mỹ

 

Trao đổi thêm về thị trường này, bên lề Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Kim ngạch thương mại nói chung, xuất khẩu của Việt Nam nói riêng sang thị trường Nam Mỹ đạt được kết quả đáng ghi nhận tuy nhiên giá trị tuyệt đối còn khiêm tốn. Đây là thị trường chúng ta cần tập trung và quan tâm trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhận định: Có 2 việc cần làm tốt để tăng xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ. Thứ nhất, khắc phục rào cản về ngôn ngữ, khoảng cách. Việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước này cũng là xu hướng rõ nét, do vậy Việt Nam cần hết sức quan tâm để có giải pháp ứng phó phù hợp giúp hàng hoá Việt Nam xuất khẩu tốt vào thị trường này.

Thứ hai, trong thời gian tới, Bộ Công Thương phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do, thỏa thuận thương mại với các nước khu vực Nam Mỹ để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Từ nhiệm vụ thực tế tại thị trường sở tại, trong năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại khối thị trường này cũng xây dựng kế hoạch để triển khai nhiều hoạt động.

Trong đó, Thương vụ Việt Nam tại Mexico sẽ phối hợp với các thương vụ bờ tây Bắc Mỹ tổ chức một đoàn xúc tiến thương mại về phụ tùng ô tô đi các nước Mỹ, Canada và Mexico. Hỗ trợ đối tác Mexico sang Việt Nam để phía bạn không tiếp tục đưa ra rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm của Việt Nam.

Thương vụ Việt Nam tại Brazil tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để kết nối giao thương, thực hiện nhiều hơn các hoạt động thương mại; xúc tiến đàm phán hiệp định thương mại với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) mà Brazil là đối tác lớn nhất. Tăng cường làm việc với các cơ quan chức năng sở tại tìm nhiều hướng, nhiều kênh để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào Brazil và các nước kiêm nhiệm.

Nguồn: Báo Công Thương

Xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1 năm 2023 đạt 46,56 tỷ USD

Việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách "Zero COVID" từ ngày 8/1/2023 đã giúp xuất nhập khẩu hàng hóa có cơ hội tăng trưởng.

Nông sản hưởng lợi

Ngay trong những ngày đầu năm mới, việc Trung Quốc mở cửa biên giới đã tạo cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu gia tăng sang thị trường này, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống có giá trị cao, như cua, tôm hùm, tôm sú và tôm thẻ… Đây là những mặt hàng gần như chỉ xuất khẩu bằng đường bộ, mà trong giai đoạn Trung Quốc kiểm soát dịch 'Zero COVID' thì cửa khẩu ách tắc, hàng không xuất được. Do vậy khi họ mở cửa giao thương, thông quan các mặt hàng này thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ của thị trường 1,4 tỷ dân bị kìm nén gần 3 năm qua, nay họ mở lại nhà hàng thì nhu cầu thủy sản tươi sống sẽ tăng mạnh.

Xuất khẩu tôm sang thị trường Hàn Quốc tăng 33%
Xuất khẩu nông sản hưởng lợi từ việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero Covid

Cùng với các mặt hàng thủy sản tươi sống, rau quả và trái cây cũng là mặt hàng xuất khẩu tương đối khả quan khi nhu cầu gia tăng vào dịp đầu năm mới. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi trong tháng 1 ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm truyền thống duy trì đơn hàng ổn định. Đáng chú ý, trái bưởi xuất sang Mỹ và sầu riêng vào Trung Quốc đóng góp vào phần tăng trưởng này.

Sức bật của các nhóm hàng nông sản đã đóng góp tích cực cho thành tích chung của hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên do tháng 01/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và tháng 01/2022 nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu giảm 21,3%; nhập khẩu giảm 28,9%). Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD.

Về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạchxuất khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 6,44 tỷ USD, giảm 18%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,64 tỷ USD, giảm 12%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Một giảm 21,3%, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước giảm 27,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 19%. Trong tháng 1 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 01/2023, hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 258 triệu USD, chiếm 1%; hàng công nghiệp chế biến ước đạt 22,32 tỷ USD, chiếm 89%; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 7,6%; hàng thủy sản ước đạt 0,6 tỷ USD, chiếm 2,4%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước. Trong tháng 01/2023, có 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm tỷ trọng 37,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Hàng hóa nhập khẩu vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm hàng tư liệu sản xuất, đạt 19,97 tỷ USD, chiếm 93%. Trong đó hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 41,1%; hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 51,9%. Hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 1,51 tỷ USD, chiếm 7%.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD. Tháng 01/2023 xuất siêu sang EU ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 100 triệu USD giảm 65,3%; nhập siêu từ Trung Quốc 3,4 tỷ USD, giảm 52,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 2,5 tỷ USD, giảm 20,9%; nhập siêu từ ASEAN 1,3 tỷ USD, tăng 74,3%.

Với kết quả xuất nhập khẩu như vậy, tháng 01/2023, cả nước ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.

Năm 2023, phấn đấu kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 6%

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo lập nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2023 ở mức 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.

Đáng chú ý, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Giai đoạn tới, mục tiêu hoạt động xuất nhập khẩu hướng tới là phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa theo chiều sâu. Chính vì vậy, tại Dự thảo đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 do Bộ Công Thương soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ, đối với tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xác định tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao (điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ..) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.

Trong đó, đối với nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, sẽ giảm dần xuất khẩu đối với khoáng sản quan trọng kể cả dưới dạng tinh quặng. Với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, mở rộng thị trường và thương hiệu hàng hóa của Việt Nam. Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, chất lượng cao và các sản phẩm công nghệ cao. Nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường phát thải các bon thấp và lao động.

Nguồn: Báo Công Thương

Thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ đạt mức kỷ lục 15 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Trong năm 2022, tổng giá trị thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt 15,05 tỷ USD tăng 13,6% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 7,96 tỷ USD, tăng 26,8% so với 6,28 tỷ USD năm 2021. Điện thoại các loại và linh kiện có giá trị cao nhất với 1,522 tỷ USD, tăng 18,4% so với 1,285 tỷ USD trong năm 2021; tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,522 tỷ USD, tăng 18,4% so với 1,285 tỷ USD.

Thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ đạt mức kỷ lục 15 tỷ USD
Cà phê là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Ấn Độ trong năm 2021

Trong các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ, cà phê là mặt hàng có giá trị tăng cao nhất so với năm 2021, tăng 164,7% từ 21,69 triệu USD năm 2021 lên 57,40 triệu USD năm 2022, tiếp theo là sắt thép các loại, tăng 96,8% từ 113,46 triệu USD năm 2021 lên 171,10 triệu USD năm 2022; mặt hàng giày dép các loại, tăng 96,8% từ 113,46 triệu USD lên 223,35 triệu USD năm 2022.

Mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm nhiều nhất là thức ăn gia súc và nguyên liệu, giảm 76,5% từ 98,18 triệu USD xuống còn 23,04 triệu USD, tiếp theo là than đá giảm 46,4% từ 14,31 triệu USD trong năm 2021 xuống còn 7,68 triệu USD trong năm 2022.

Xét về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, điện thoại các loại và linh kiện chiếm tỉ trọng lớn nhất trong năm 2022 đạt gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ tương đương 1,522 triệu USD; tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,034 triệu USD chiếm 13% tỷ trọng; và máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 804 triệu USD chiếm 10,10% tổng giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ.

Tổng giá trị nhập khẩu từ Ấn Độ trong năm 2022 đạt giá trị 7,09 tỷ USD tăng 1,8% so với 6,96 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu sắt thép các loại đạt giá trị cao nhất đạt 774,68 triệu USD, tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu đã giảm mạnh so với năm 2021, giảm 44,6% so với 1,4 tỷ USD cùng kỳ năm trước; nhập khẩu máy móc thiết bị, công cụ, phụ tùng khác đứng thứ hai đạt 549,31 triệu USD, tăng 28,3% so với 428 triệu USD năm 2021; nhập khẩu kim loại thường khác đạt 515 triệu USD tăng 26,3% so với 428 triệu USD trong năm 2021.

Nhập khẩu lúa mì tăng trưởng mạnh hơn 1700% đạt 27,21 triệu USD so với 1,46 triệu USD năm 2021, lên trong năm 2022; nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại tăng 181,1% đạt 35 triệu USD năm 2022 so với 12,46 triệu USD trong năm 2021; nhập khẩu hàng rau quả tăng 80% đạt 53,45 triệu USD so với 29,72 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Xét về cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu, mặt hàng chiếm tỷ lệ cao nhất trong năm 2022 là sắt thép các loại, chiếm 11% tổng kim ngạch nhập khẩu; tiếp theo ngành hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 7,75% tỷ trọng; tiếp đến mặt hàng kim loại thường chiếm 7,3%.

Nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện từ và linh kiện giảm mạnh, tổng giá trị nhập khẩu trong năm 2022 chỉ đạt 37,3 triệu USD, giảm 53,3% so với 79,9 triệu USD năm 2021; nhập khẩu giấy các loại giảm 50,4%; nhập khẩu sắt thép các loại giảm 44,6%.

Nguồn: Báo Công Thương 

Bộ Công Thương: Cụ thể hoá chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01

Ngay sau khi có Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 6/1/2023) của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-BCT phê duyệt Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về việc triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ - Ảnh: VGP/PT

Chương trình hành động của ngành công thương đã cụ thể hoá thành 9 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp cụ thể theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành.

Động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu

Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Đỗ Thu Hương cho biết: Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 có một số điểm mới.

Theo đó thay vì tốc độ phát triển xuất khẩu nhanh, quan điểm Chiến lược nhấn mạnh yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, đồng thời đã chỉ rõ các yếu tố để đạt thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; về bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu. Chiến lược xác định các động lực mới cho phát triển xuất nhập khẩu là: Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo.

Cùng đó Chiến lược bổ sung định hướng phát triển thị trường nhập khẩu hàng hoá, đặt ngang tầm với nhiệm vụ phát triển thị trường xuất khẩu hàng hoá. Đặc biệt Chiến lược bổ sung mục tiêu về cơ cấu hàng xuất khẩu, cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý, gần đây Trung Quốc đã mở cửa biên giới, thời gian tới Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan thuộc Bộ cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương triển khai đề án xuất khẩu theo đường chính ngạch, để quy hoạch lại các vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường, đặc biệt thị trường đông dân Trung Quốc.

Huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp vật liệu

Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài đã đề cập đến các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị. Theo đó, triển khai các nội dung về phát triển công nghiệp tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài thuộc một số dự án.

Cục Công nghiệp cũng sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ để triển khai có hiệu quả quy hoạch khoáng sản nhằm huy động nguồn lực mới cho tăng trưởng, gia tăng năng lực sản xuất, phát triển công nghiệp vật liệu, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phù hợp phục vụ cho sản xuất.

Cùng đó tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19; phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ nghiên cứu, xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với các nhóm hàng hóa số 2; triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch.

Khắc phục triệt để nội dung không phù hợp trong kinh doanh xăng dầu

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông nêu rõ: Vụ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu, phát triển quản lý chợ về dầu khí, nghị định về hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và tích hợp một số kiến nghị của các bộ, ngành vào trong Luật Đầu tư.

Tổ chức tổng kết, đánh giá, đẩy nhanh việc thực hiện hàng loạt các chương trình phát triển thị trường trong nước. Đẩy mạnh thực hiện đề án đổi mới hàng hóa nông sản. 

Bảo đảm hàng hoá, nguồn cung xăng dầu nhằm góp phần kiểm soát tốc độ CPI. Phát triển hạ tầng thương mại đặc biệt là thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần phải khắc phục một cách triệt để những nội dung không phù hợp với hoạt động kinh doanh xăng dầu. 

Cần làm rõ hơn trách nhiệm các bên, các tiêu chí tiêu chuẩn, điều kiện các tổ chức trong hệ thống kinh doanh xăng dầu từ đầu mối đến việc phân phối, tổng đại lý, đại lý phải rõ ràng. Xây dựng được cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ tránh "đầu voi đuôi chuột".

Bộ trưởng cũng yêu cầu đơn giản các thành tố trong hệ thống kinh doanh xăng dầu 5 cấp thành 2-3 cấp. Cơ chế rà soát cập nhật định mức cần thể hiện rõ, cập nhật các chi phí đầu vào để tránh lỗ, sát hơn với đầu vào, thời hạn điều hành tránh dày quá.

Gian lận thương mại trong môi trường điện tử

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết: Liên quan đến quản lý thị trường, đáng quan tâm có 3 chỉ tiêu đó là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nội địa và tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử với mức cao. 

Theo ông Linh, trong bối cảnh gian lận thương mại trong môi trường thương mại điện tử còn cao có trách nhiệm đấu tranh rất lớn của lực lượng quản lý thị trường. Bối cảnh mới theo ông Trần Hữu Linh đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường cần phản ứng nhanh hơn, giảm kiểm tra định kỳ, tăng kiểm tra đột xuất.

Chỉ đạo nhiệm vụ với lực lượng quản lý thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý cần tiếp tục siết kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi chức trách nhiệm vụ.

Thời gian trước, trong và sau Tết vấn đề liên quan đến lực lượng quản lý thị trường là rất quan trọng, liên quan cả hình thức thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Cần tăng cường kiểm tra các mặt hàng chiến lược nhất là mặt hàng xăng dầu. Lực lượng cần mở chiến dịch cao điểm kiểm tra kinh doanh xăng dầu từ sản xuất đến phân phối. Bộ trưởng sẽ có Công điện về vấn đề này.

Các vấn đề cần tập trung thực hiện Nghị quyết 01

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, các đồng chí thứ trưởng, lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ, người đứng đầu ngành Công Thương các địa phương căn cứ vào trách nhiệm của mình khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của ngành công thương; đặc biệt đề cao trách nhiệm.

"Thứ trưởng phục trách lĩnh vực phân công phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng. Kết quả thực hiện thể hiện mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đồng chí, tổ chức, đơn vị là căn cứ để xét loại thi đua", Bộ trưởng giao nhiệm vụ.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu thực hiện chủ trương của Đảng, đối chiếu với thực tiễn cuộc sống để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hoặc hoàn thiện cơ chế chính sách mới, tạo ra những đột phá cho từng lĩnh vực, từng ngành.

"Đồng thời, cần sự phối hợp nhịp nhàng của các tổ chức, đơn vị, cá nhân hơn nữa. Khai thác, phát huy vai trò năng lực của các cá nhân, tổ chức để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời làm tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát… nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu các cấp", Bộ trưởng yêu cầu.

Nguồn: Báo Chính phủ

Năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản cao gấp 133 lần so với năm 1986

Dù gặp nhiều khó khăn, biến động, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986.

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra tại Hà Nội sáng 13/1.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã ký thỏa thuận để cụ thể hóa các hoạt động hợp tác đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho ngành nông nghiệp, trong đó có các hợp tác về công nghiệp hóa nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, đàm phán xúc tiến thị trường phi thuế quan, phát triển làng nghề nông nghiệp, quản lý vật tư nông nghiệp và điện khí hóa trong ngành nông nghiệp và nông thôn.

Trong bối cảnh kinh tế năm 2022 còn nhiều khó khăn, biến động, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng ngoạn mục, đóng vai trò quan trọng trong thành tích chung là kim ngạch xuất nhập khẩu của nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản đóng góp 11 ngành hàng trong tổng 39 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản... Một số mặt hành chủ lực có vị thế tại thị trường lớn, đáp ứng yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu.

Những thành quả trên đạt được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực và quyết tâm vượt khó của cả ngành nông nghiệp và sự tham gia hiệu quả quả, kịp thời của các Bộ, ban ngành từ Trung ương trong hỗ trợ sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, khai thác hiệu quả thị trường, góp phần tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản cho nông dân.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, tham gia hỗ trợ để thực hiện đàm phán, mở cửa thị trường, thực hiện thương mại tự do, phòng vệ thương mại để bảo vệ nhà sản xuất trong nước, tổ chức kết nối cung cầu tạo điều kiện cho tiêu thụ nông sản.

Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023 ở mức 2%, giảm đáng kể so với 2022 và còn nhiều khó khăn. Mặc dù thị trường Trung Quốc đã khôi phục xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng vẫn còn nhiều thách thức đối với nhóm hàng nông lâm thủy sản khi tiếp cận thị trường nước bạn.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề xuất một số nội dung hợp tác giữa hai Bộ gồm: Tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc; nâng cao chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Nguồn: Báo Công Thương