Bạn đang ở đây

thị trường Trung Quốc

Tiếng Việt

Bộ Công Thương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Bộ Công Thương sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tranh thủ các cơ hội khi trường Trung Quốc đã mở cửa biên giới trở lại.

Doanh nghiệp hào hứng

Là một trong 8 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý xây dựng mã định danh và truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc. Bên lề Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc (Vân Nam) diễn ra mới đây, ông Nguyễn Anh Hùng- Chủ tịch Hội đồng thành viên- Công ty Yến sào Khánh Hòa cho hay: Doanh nghiệp đâng tích cực phối hợp với cơ quan hữu quan địa phương, theo sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ pháp lý để xuất khẩu yến sào sang thị trường Trung Quốc.

Được biết, sản phẩm của Công ty Yến sào Khánh Hòa đang phân phối, tiêu thụ tại 63 tỉnh thành trên cả nước, đồng thời xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Canada… Doanh nghiệp hiện có 2 nhà máy đạt tiêu chuẩn FDA của Mỹ và sản phẩm đạt các tiêu chuẩn toàn cầu để xuất khẩu sang nhiều nước.

Tương tự, ông Nguyễn Hồng Trí- Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hồng chia sẻ: Sản phẩm phô mai của doanh nghiệp được sản xuất theo công nghệ của Nga, đang được tiêu thụ chính tại Việt Nam và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Malaysia. Tuy nhiên, sản phẩm xuất khẩu vẫn hạn chế, chỉ chiếm từ 1-2% sản lượng, doanh nghiệp mong muốn trong thời gian tới sẽ xuất khẩu được khoảng 20% sản lượng.

Bộ Công Thương hỗ trợ doanhngieepj xuất kaharu chính
Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc

 

Với sản lượng 2 triệu kg phomai/năm, sản xuất 100% từ sữa tươi, không sử dụng chất bảo quản, đáp ứng tiêu chuẩn ISO, Halal và đã được thị trường Việt Nam chấp nhận 10 năm qua, Nguyễn Hồng tự tin có thể thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Doanh nghiệp mới tìm hiểu qua các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, mong muốn tìm đối tác để đồng hành gia nhập thị trường Trung Quốc. Việc có sản phẩm chất lượng tốt và đủ giấy tờ để xuất khẩu rất khác nhau nên cần có đối tác ở nước sở tại để hỗ trợ”, ông Nguyễn Hồng Trí bày tỏ.

Lần đầu tiên tham dự sự kiện giao thương trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, bà Nguyễn Cẩm Uyên – Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế IRIS cho hay: Doanh nghiệp mong muốn tìm được bạn hàng và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử của Trung Quốc.

Đánh giá về tiềm năng thị trường Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế IRIS nhận định: Thị trường Trung Quốc gần gũi, giao thương thuận lợi, văn hóa tiêu dùng tương tự, cùng sự hỗ trợ của Chính phủ 2 nước nên rất tiềm năng cho doanh nghiệp tích cực tìm hiểu và xuất khẩu. “Để thâm nhập thành công thị trường này, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có chính sách cởi mở hơn, hướng dẫn thủ tục giấy tờ để doanh nghiệp trong nước mang hàng sang nước bạn dễ dàng”, bà Nguyễn Cẩm Uyên nói.

Tăng cường kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Trung Quốc vốn là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam, theo ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Trong thời gian tới, nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch để xuất khẩu hiệu quả sang thị trường này.

Bộ Công Thương cũng đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành Việt Nam và các cơ quan liên quan Trung Quốc tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Thượng Hải lần thứ nhất về xuất khẩu chính ngạch nông, hải sản Việt Nam vào Trung Quốc qua cảng Thượng Hải, dự kiến vào tháng 4 tại Hà Nội và sẽ là diễn đàn thường niên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại hai bên.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, kể từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc đã mở cửa trở lại với nhiều chính sách nới lỏng về xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu hàng hóa. Hàng hóa sẽ không phải chịu kiểm tra vi-rút Sars-CoV-2 trên bao bì và trên mẫu sản phẩm. Các đối tượng được nhập cảnh sẽ không phải cách ly tập trung và chỉ phải test Covid-19 tại các bệnh viện chỉ định trong vòng 48 tiếng trước khi xuất cảnh. Do đó, hoạt động thương mại nói chung và hoạt động xúc tiến thương mại nói riêng cơ bản sẽ được nối lại như thời điểm trước dịch Covid-19.

Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cũng khuyến nghị: Các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới có thể nghiên cứu các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường Trung Quốc, chủ động có kế hoạch cụ thể để các hoạt động này diễn ra đạt hiệu quả cao.

Nguồn: Báo Công Thương

Những loại trái cây nào đang đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc?

Cùng với các trái cây đã được mở cửa sang thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán mở cửa thêm nhiều loại trái cây sang thị trường này.

Tại Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt – Trung trong bối cảnh mới diễn ra mới đây, các hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp hai bên diễn ra khá sôi nổi. Phía doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã liên tục gửi thông tin liên lạc cũng như nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng giới thiệu thông tin và chào hàng sản phẩm. Những sản phẩm được quan tâm trao đổi nhiều như: gạo, thanh long, sầu riêng, mít, cà phê, hạt điều…

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả,…
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả,…

 

Ông Ngô Tuấn Dật - Tổng giám đốc mảng trái cây Đông Nam Á, Công ty quản lý chuỗi cung ứng thương mại quốc tế Sunwah (Quảng Đông) - cho biết: "Năm ngoái, chúng tôi đã ký kết hợp đồng với đối tác Việt Nam, thu mua hơn 2.000 container hàng hóa các loại như: sầu riêng, mít, chanh leo, xoài, khoai lang tím… Kế hoạch trong năm 2023 sẽ tăng con số 2.500 container. Do đó, doanh nghiệp này mong muốn kết nối được thêm nhiều đối tác lớn có uy tín và tiềm năng ở Việt Nam để hợp tác, làm ăn.

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,5 tỉ USD, chiếm 24% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam.

Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%.

Cơ hội xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường là rất lớn. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, ông Lỗ Siêu - Đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc - nhấn mạnh: Vấn đề an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định, thị trường Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường 1,4 tỉ dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có Nghị định thư như thanh long, xoài, mít... khó phát huy hết tiềm năng.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, Trung Quốc có nhiều thay đổi trong quản lý chất lượng nông sản, hàng hóa nhập khẩu và đã là một thị trường khó tính. Tổng cục Hải quan Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, trong đó bao gồm cả hình thức biên mậu (tiểu ngạch). Trung Quốc yêu cầu đàm phán, mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; thực hiện quản lý sản phẩm nhập khẩu thông qua ký kết Nghị định thư; sản phẩm nhập khẩu phải có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Việt Nam đã có các sản phẩm được ký Nghị định thư, gồm: cám gạo, gạo, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài, mít. Ớt và chanh leo đang được cho phép xuất khẩu tạm thời. Nhóm trái cây có múi (cam, bưởi…) và dừa đang trong giai đoạn đàm phán kỹ thuật. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã nộp hồ sơ đề nghị mở cửa thị trường cho quả na, thảo quả.

Về việc này, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho rằng, hiện Việt Nam có 16 mặt hàng thực vật đang được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: Chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo.

Trong đó, 7 sản phẩm đã có Nghị định thư và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang hoàn thiện chuẩn hóa các Nghị định thư cho khoai lang, ớt. Các địa phương có diện tích lớn về ớt, khoai lang và chanh leo cần rà soát cơ sở đóng gói, vùng nguyên liệu để đăng ký cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả,… Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phối hợp về cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng.

Trước những yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng nâng cao từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm theo các yêu cầu kỹ thuật, kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, các doanh nghiệp cần phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của phía bạn.

Các chuyên gia cũng nhận định, Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng khi tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa nông sản của Việt Nam. Đây cũng là thị trường truyền thống có lịch sử lâu đời với Việt Nam.
Để khai thác hiệu quả thị trường này, điều quan trọng là phải xác lập tầm nhìn đúng đắn. Trong đó, việc bỏ tư duy buôn chuyến mà cần xem thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng, khó tính từ đó xác định các doanh nghiệp làm ăn với chúng ta là những đối tác để hợp tác lâu dài là hết sức quan trọng.

Nguồn: Báo Công Thương

Thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 10 tỷ USD trong tháng đầu năm

Tháng 1/2023, Trung Quốc là đối tác thương mại duy nhất của Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc 10 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 3,87 tỷ USD.

Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD.

Việc thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II sẽ dần được mở lại theo 4 giai đoạn
Việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trở lại bình thường giúp gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều

 

Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ quốc gia láng giềng đạt 7,23 tỷ USD trong tháng 1.

Hàng hóa nhập khẩu đa dạng từ sản phẩm, linh kiện điện tử; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nguyên phụ liệu; hàng tiêu dùng; hàng nông sản…

Với tổng kim ngạch hơn 11 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại song phương duy nhất của Việt Nam có quy mô kim ngạch hơn 10 tỷ USD trong tháng đầu năm.

Trước đó, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 175,57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 117,87 tỷ USD

Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...

Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam (thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản).

Với vị trí địa lý gần gũi, nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có sức cạnh tranh mạnh mẽ, góp phần tích cực vào tăng trưởng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Ngày 08/01 vừa qua, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản, đây là tin mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các quy định theo Lệnh 248 và 249 của Hải quan Trung Quốc về yêu cầu Trung Quốc đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ, doanh nghiệp muốn xuất khẩu chính ngạch nông sản sang thị trường này phải tuân thủ: Mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phải đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu. Các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ do phía Trung Quốc phê duyệt, cấp mã số.

Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cấp hơn 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản. Để đảm bảo việc xuất khẩu nông sản, thủy sản, lâm sản phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai rất mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Để gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, dần tiến tới cân bằng cán cân thương mại, Bộ Công Thương khuyến cáo đối với công tác tổ chức sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương của Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường. Trong quản lý chất lượng, tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP,...

Để có thể tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường.

Nguồn: Báo Công Thương

Thị trường Trung Quốc lại gom cau tươi, cơ quan quản lý khuyến cáo gì?

Việc thị trường Trung Quốc tích cực thu mua cau tươi, điều này rất có thể khiến người dân trồng cau một cách ồ ạt, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa.

Thời gian gần đây, thị trường Trung Quốc tăng thu mua quả cau tươi của Việt Nam khiến loại quả này có giá lên đến 26.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nếu khan hiếm.

Cẩn trọng lại khủng hoảng thừa trái cau
Cẩn trọng lại khủng hoảng thừa trái cau

Theo các nhà vườn, cau non sau khi mua về, người ta thường lựa những trái đạt chất lượng (hạt nhỏ hoặc không có hạt) luộc ở nước sôi, rồi sấy khô đóng vào bao chuyển sang thị trường Trung Quốc làm kẹo.

Loại kẹo cau này ăn có vị ngọt ngọt, the the như kẹo gừng, có công dụng chống viêm họng, giữ ấm cơ thể nên rất được ưa chuộng ở Trung Quốc.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên cau non được thương lái thu mua ồ ạt. Hiện tượng thương lái Trung Quốc thu mua cau non với giá cao đã diễn ra từ nhiều năm trước ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và cả Tây Nguyên.

Cụ thể, thời điểm tháng 9, tháng 8/2021, giá cau tươi tại nhiều địa phương tại Bình Định, Quảng Ngãi,... tăng chóng mặt, nhiều nơi đạt 50.000 - 60.000 đồng/kg. Thậm chí, 1 tạ cau có thể mua được 1 chỉ vàng.

Thời điểm giữa tháng 9/2022, giá cau tươi lên hơn 40.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, tháng 11/2022, giá thu mua quả cau tươi ngoài thị trường tụt giảm thê thảm, dao động từ 5.000 – 9.000 đồng/kg, thậm chí nhiều chủ lò còn ngường thu mua.

Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), những ngày đầu năm 2023, thị trường Trung Quốc bắt đầu tăng mua cau non trở loại có thể do nhu cầu tiêu thụ quả này tăng đột biến nhưng rất có thể hiện tượng này thỉ mang tính đột biến và nhất thời chứ không theo quy luật thị trường như các nông sản xuất khẩu khác.

Về sản lượng và diện tích trồng trái cau, ông Nguyễn Như Cường cho hay, cây cau không phải là cây trồng, nông sản chính như lúa gạo, trái cây, rau tươi… nên nhu cầu tiêu thụ ở trong nước rất ít. Đây không phải là loại cây chủ lực nên Cục Trồng trọt, thậm chí kể cả chính quyền các địa phương cũng không nắm chính xác được có bao nhiêu diện tích.

Trước tình trạng giá cau non tăng cao, ông Nguyễn Như Cường cho rằng, điều này rất có thể khiến người dân trồng cau một cách ồ ạt, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa. ‘Nếu muốn phát triển cây cau thì chính quyền địa phương phải có định hướng, phải trồng ở những vùng có lợi thế và phải đầu tư bài bản chứ đừng thấy giá cau đắt là chỗ nào cũng trồng. Như thế sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa. Bên cạnh đó, phải có ký kết thu mua của các doanh nghiệp của Trung Quốc chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái, tiểu thương theo đường tiểu ngạch’, ông Nguyễn Như Cường khuyến nghị.

Hiện trái cau tươi được trồng ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại miền Bắc, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng là vựa cau nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cau được trồng nhiều tại Quảng Ngãi. Tại miền Tây, cây cau được nông dân trồng xen trong vườn trái cây nhằm tận dụng đất thừa.

Nguồn: Báo Công Thương