Bạn đang ở đây

xúc tiến thương mại

Tiếng Việt

Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa

Bộ Công Thương xác định sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa trong thời gian tới nhằm kích cầu tiêu dùng.

Đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại

Liên tục từ đầu năm đến nay, các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng đã được các doanh nghiệp tích cực triển khai. Đơn cử, tình hình giá nguyên liệu thức ăn tăng cao dẫn đến chi phí chăn nuôi cao, lợi nhuận của bà con nông dân rất thấp, thậm chí lỗ vốn. Nhằm tạo động lực tiêu thụ cũng như đẩy mạnh sức mua từ người tiêu dùng, từ ngày 24/2, MM Mega Market đã áp dụng chương trình giá “sốc” cho các sản phẩm thịt heo ‘We are Fresh” của MM Mega Market.

We are fresh: Thúc đMM Mega Market triển khai chương trình thịt heo _We are Fresh_ với giá “sốc” nhằm chia sẻ và đồng hành cùng các hộ chăn nuôi để có nguồn thu nhập ổn định  ẩy sản xuất và tiêu thụ thịt sạch, chất lượng với giá bình ổn
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa

 

Đây được xem là cam kết của công ty trong việc chia sẻ và đảm bảo toàn bộ đầu ra cho các nông hộ, tạo niềm tin để người chăn nuôi chuyên tâm vào việc sản xuất, áp dụng quy trình chăn nuôi theo chuẩn VietGap để từ đó tăng đàn, tăng hiệu suất chăn nuôi và đem lại nguồn thu nhập ổn định. Đồng thời kích cầu tiêu dùng, đưa ra thị trường các sản phẩm thịt lợn có chất lượng.

Hoặc, trước tình trạng giá cam sành xuống sâu, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã thu mua gần một trăm tấn cam sành của tỉnh Vĩnh Long để bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ với giá 10.500 đồng/kg, kéo dài từ ngày 18/2 đến 24/2/2023. Lazada Việt Nam cũng phối hợp cùng Foodmap đưa cam sành từ các nhà vườn lên sàn thương mại điện tử với giá chỉ 10.000 đồng/kg cam. Hệ thống siêu thị GO!, Big C của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cũng triển khai thu mua khoảng 25 tấn cam sành cho bà con Vĩnh Long. Việc cam sành được thu mua với giá thấp để bán trong các kênh phân phối đã giúp kích cầu tiêu dùng, người tiêu dùng được mua sản phẩm chất lượng với giá phải chăng và người nông dân cũng tiêu thụ được hàng hoá.

Những hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai từ đầu năm, dù không rầm rộ như thời điểm giữa và cuối năm song cũng góp phần giúp thị trường nội địa duy trì được tăng trưởng. Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, tháng 2, thị trường hàng hóa kém sôi động hơn, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm so với tháng trước do nhiều mặt hàng đã được mua sắm nhiều trong giai đoạn trước Tết, đồng thời, do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, thu nhập không ổn định. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 2 đạt 481.832 tỷ đồng, giảm 6% so với tháng trước.

Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa
Tính chung 02 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13%

 

Tính chung 02 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, ước đạt 994.153 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong năm 2022 và đầu năm 2023 cho thấy mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu trong nước đã được thiết lập ổn định, chặt chẽ và khá vững chắc. Nhờ đó, dung lượng thị trường tiêu thụ trong nước tiếp tục được đẩy mạnh và mở rộng.

Thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước

Ông Trần Duy Đông cũng chia sẻ, mục tiêu chủ yếu đặt ra với lĩnh vực thị trường trong nước thời gian tới là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Đồng thời, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Đồng thời, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước;

Tiếp tục đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.

Đặc biệt, chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống. Xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa.

Nguồn: Báo Công Thương

Bộ Công Thương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Bộ Công Thương sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tranh thủ các cơ hội khi trường Trung Quốc đã mở cửa biên giới trở lại.

Doanh nghiệp hào hứng

Là một trong 8 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý xây dựng mã định danh và truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc. Bên lề Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc (Vân Nam) diễn ra mới đây, ông Nguyễn Anh Hùng- Chủ tịch Hội đồng thành viên- Công ty Yến sào Khánh Hòa cho hay: Doanh nghiệp đâng tích cực phối hợp với cơ quan hữu quan địa phương, theo sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ pháp lý để xuất khẩu yến sào sang thị trường Trung Quốc.

Được biết, sản phẩm của Công ty Yến sào Khánh Hòa đang phân phối, tiêu thụ tại 63 tỉnh thành trên cả nước, đồng thời xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Canada… Doanh nghiệp hiện có 2 nhà máy đạt tiêu chuẩn FDA của Mỹ và sản phẩm đạt các tiêu chuẩn toàn cầu để xuất khẩu sang nhiều nước.

Tương tự, ông Nguyễn Hồng Trí- Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hồng chia sẻ: Sản phẩm phô mai của doanh nghiệp được sản xuất theo công nghệ của Nga, đang được tiêu thụ chính tại Việt Nam và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Malaysia. Tuy nhiên, sản phẩm xuất khẩu vẫn hạn chế, chỉ chiếm từ 1-2% sản lượng, doanh nghiệp mong muốn trong thời gian tới sẽ xuất khẩu được khoảng 20% sản lượng.

Bộ Công Thương hỗ trợ doanhngieepj xuất kaharu chính
Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc

 

Với sản lượng 2 triệu kg phomai/năm, sản xuất 100% từ sữa tươi, không sử dụng chất bảo quản, đáp ứng tiêu chuẩn ISO, Halal và đã được thị trường Việt Nam chấp nhận 10 năm qua, Nguyễn Hồng tự tin có thể thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Doanh nghiệp mới tìm hiểu qua các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, mong muốn tìm đối tác để đồng hành gia nhập thị trường Trung Quốc. Việc có sản phẩm chất lượng tốt và đủ giấy tờ để xuất khẩu rất khác nhau nên cần có đối tác ở nước sở tại để hỗ trợ”, ông Nguyễn Hồng Trí bày tỏ.

Lần đầu tiên tham dự sự kiện giao thương trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, bà Nguyễn Cẩm Uyên – Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế IRIS cho hay: Doanh nghiệp mong muốn tìm được bạn hàng và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử của Trung Quốc.

Đánh giá về tiềm năng thị trường Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế IRIS nhận định: Thị trường Trung Quốc gần gũi, giao thương thuận lợi, văn hóa tiêu dùng tương tự, cùng sự hỗ trợ của Chính phủ 2 nước nên rất tiềm năng cho doanh nghiệp tích cực tìm hiểu và xuất khẩu. “Để thâm nhập thành công thị trường này, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có chính sách cởi mở hơn, hướng dẫn thủ tục giấy tờ để doanh nghiệp trong nước mang hàng sang nước bạn dễ dàng”, bà Nguyễn Cẩm Uyên nói.

Tăng cường kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Trung Quốc vốn là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam, theo ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Trong thời gian tới, nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch để xuất khẩu hiệu quả sang thị trường này.

Bộ Công Thương cũng đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành Việt Nam và các cơ quan liên quan Trung Quốc tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Thượng Hải lần thứ nhất về xuất khẩu chính ngạch nông, hải sản Việt Nam vào Trung Quốc qua cảng Thượng Hải, dự kiến vào tháng 4 tại Hà Nội và sẽ là diễn đàn thường niên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại hai bên.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, kể từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc đã mở cửa trở lại với nhiều chính sách nới lỏng về xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu hàng hóa. Hàng hóa sẽ không phải chịu kiểm tra vi-rút Sars-CoV-2 trên bao bì và trên mẫu sản phẩm. Các đối tượng được nhập cảnh sẽ không phải cách ly tập trung và chỉ phải test Covid-19 tại các bệnh viện chỉ định trong vòng 48 tiếng trước khi xuất cảnh. Do đó, hoạt động thương mại nói chung và hoạt động xúc tiến thương mại nói riêng cơ bản sẽ được nối lại như thời điểm trước dịch Covid-19.

Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cũng khuyến nghị: Các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới có thể nghiên cứu các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường Trung Quốc, chủ động có kế hoạch cụ thể để các hoạt động này diễn ra đạt hiệu quả cao.

Nguồn: Báo Công Thương

Hiệp hội ngành hàng bắt tay xúc tiến thương mại, nâng tầm vị thế gỗ Việt

5 hiệp hội vừa bắt tay hợp tác tạo sức mạnh chung nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, tiến tới nâng cao vị thế xuất khẩu gỗ Việt trên bản đồ thế giới.

Theo Hiệp hội gỗ Việt Nam (VIFOREST), nhiều năm liền ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam đã đạt được tăng trưởng cao ở mức 2 con số, nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của quy mô thị trường thế giới và sức hút từ năng lực sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao.

Tuy nhiên trong năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam chỉ đạt 16,928 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Mức tăng trưởng chậm này là một bước lùi.

Hiệp hội ngành hàng bắt tay xúc tiến thương mại, nâng tầm vị thế gỗ Việt

 

Phân tích cụ thể, Hiệp hội gỗ Việt Nam cho biết, nhiều năm qua hầu hết doanh nghiệp trong ngành chỉ tập trung vào khâu sản xuất, xây dựng nhiều nhà máy lớn mà thiếu quan tâm cho việc xúc tiến thương mại, kết nối chặt chẽ với các thị trường. Chính điểm yếu này khiến các doanh nghiệp gỗ bị động khi nhu cầu thị trường suy giảm, minh chứng là từ nửa cuối năm 2022 đến nay, khi lạm phát lan rộng và đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt giảm mạnh, trong khi các doanh nghiệp FDI khác trong ngành vẫn sản xuất đều. Từ đó dẫn đến giá trị gỗ xuất khẩu trong năm 2022 tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước đó.

Trên thực tế, ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam có lợi thế về sản xuất nhưng chưa làm chủ được thị trường và đã đến lúc các doanh nghiệp, hiệp hội hợp tác thực hiện các chuỗi chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh ngành gỗ có quy mô tầm cỡ, tương xứng với năng lực sản xuất của ngành.

“Muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp, hiệp hội phải liên kết và đầu tư đúng mức cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, cập nhật thông tin, năng lực cung ứng đến khách hàng quốc tế”- ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định.

Hiệp hội ngành hàng bắt tay xúc tiến thương mại, nâng tầm vị thế gỗ Việt
Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh ký kết hợp tác nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách mua hàng quốc tế đến với Việt Nam trong dịp tổ chức hội chợ

Xuất phát từ đó, ngày 9/2/2023, 5 hiệp hội gồm VIFOREST, HAWA (Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh), BIFA (Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương), DOWA (Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai), FPA Bình Định (Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định) đã ký kết hợp tác, tạo sức mạnh chung với tên gọi Viforest Fair.

Với sự bắt tay này, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, các hoạt động xúc tiến thương mại của 5 hiệp hội sẽ không còn riêng lẻ, mà quy về một mối, nhằm mang lại sức mạnh chung, tạo thêm nhiều điều kiện để doanh nghiệp trong ngành có môi trường kinh doanh rộng mở.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch của HAWA, để mở đầu cho chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại ngành gỗ và nội thất năm 2023, 5 hiệp hội nói trên đã liên kết để tổ chức HawaExpo 2023, diễn ra từ 22-25/2 tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện đầu tiên và cũng là điểm nhấn quan trọng nhất trong hợp tác này.

HawaExpo 2023 là hội chợ thể hiện sự đa dạng hóa và sức mạnh của các nhà sản xuất địa phương. Sự kiện cũng là tiếng nói khẳng định quyết tâm và khả năng bứt phá khỏi mô hình gia công, tham gia các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị mà ngành chế biến gỗ Việt Nam theo đuổi.

Đáng chú ý, cùng với ký kết giữa 5 hiệp hội gỗ, HAWA cũng thực hiện ký kết hợp tác cùng Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh để ngành du lịch vào cuộc, tạo điều kiện tối đa cho khách mua hàng quốc tế đến với Việt Nam.

Có thể thấy, với sự hợp tác chặt chẽ theo một thể thống nhất, bài bản này, ngành gỗ kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm như hiện nay. Xa hơn chính từ đó tiến tới nâng cao vị thế ngành chế biến gỗ Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu nội thất thế giới.

Nguồn : Báo Công Thương

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023

Ngày 31/1/2023, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023”.

Đây là hội nghị đầu tiên trong năm 2023 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài ở một số thị trường, đại diện các Hiệp hội ngành hàng trong nước. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, phát biểu chỉ đạo Hội nghị

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết: Hội nghị do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ trong lĩnh vực xúc tiến thương mại. Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cho hơn 500 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, đông đảo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

 

Chương trình Hội nghị kỳ tháng 1/2023 bao gồm 2 phiên chính: Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Canada, Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize); Thương vụ Việt Nam tại Brazil (kiêm nhiệm Bolivia, Guyana, Suriname); Thương vụ Việt Nam tại Argentina (kiêm nhiệm Uruguay, Paraguay); Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (kiêm nhiệm Macao); Thương vụ Việt Nam tại UAE (kiêm nhiệm Qatar) thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây. Phiên 2 dành cho đại diện Hiệp hội (Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam); các cơ quan địa phương (gồm Sở Công Thương tỉnh Đắc Lắk, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6%, so với tháng trước. Nhập khẩu ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21.3% so với tháng trước. Cán cân thương mại đạt thặng dư 3,6 tỷ USD. Việc giảm về con số do tháng 1 này trong nước nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài, mặt khác kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm.

Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đã nêu dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn, xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài, hậu quả đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm, lạm phát tiếp tục ở mức cao, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023
Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023 thu hút sự tham gia của khoảng 500 đại biểu

 

Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước phát huy tốt hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, góp phần vào các hoạt động của Bộ Công Thương đồng hành cùng các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cùng thực hiện theo chủ đề điều hành của Chính phủ đã xác định cho năm 2023: "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả".

Nguồn: Báo Công Thương

Xúc tiến thương mại: Chìa khóa phát triển cho thị trường nông sản Yên Bái

Các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) đã góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Yên Bái với các thị trường trong và ngoài nước để hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc khai thác tìm kiếm thị trường, tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tiến tới xuất khẩu.

 

Với tổng kinh phí 3,375 tỷ đồng, chương trình XTTM năm 2022 đã triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các sản phẩm, tiềm năng thế mạnh của tỉnh; XTTM định hướng xuất khẩu; XTTM thị trường trong nước và xây dựng thương hiệu. Trong năm, Trung tâm Khuyến công và XTTM đã tổ chức 1 hội nghị kết nối giao thương trực tuyến với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; tổ chức điểm cầu trực tuyến tham gia 3 Hội nghị trực tuyến giao ban XTTM với các thị trường nước ngoài. Ngoài ra còn hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia 5 hội nghị kết nối giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc...

Xuyên suốt trong năm 2022, hàng loạt các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh Yên Bái được thực hiện với hình thức trực tiếp, trong đó đã tổ chức 1 đoàn khảo sát thị trường và xúc tiến thương mại tại Ninh Bình và Hà Tĩnh; tổ chức 4 hội chợ trên địa bàn tỉnh Yên Bái giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản của tỉnh; tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia 5 hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại 15 hội chợ triển lãm được tổ chức tại các tỉnh thành phố trong nước; tổ chức thành công tuần hàng giới thiệu sản phẩm nông, thuỷ sản, đặc sản, sản phẩm OCOP tại Siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội…

Sở Công Thương đã hoàn thành kế hoạch tư vấn, hỗ trợ cho 27 doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử (TMĐT); duy trì hoạt động của Sàn TMĐT Yên Bái tại địa chỉ sctyenbai.com. Đến thời điểm hiện tại có gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm chào bán trên sàn; phối hợp với các doanh nghiệp đăng tải gần 200 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử www.voso.vnwww.postmart.vn.

Ông Đoàn Lê Khoa - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương tỉnh cho biết: "Từ đầu năm 2022 khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động giao thương trở lại sôi động, hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai cả trực tiếp và trực tuyến nhằm đa dạng hóa các kênh kết nối, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin cập nhật về thị trường, về nhu cầu khách hàng; từ đó hỗ trợ được hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, xúc tiến, thu mua và phân phối hàng hóa, phát triển thị trường góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu".

Một số doanh nghiệp thông qua việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Sàn TMĐT Yên Bái, trên các sàn TMĐT khác như Lazada, Amazon, Alibaba..., các hội nghị trực tuyến kết nối các điểm cầu nước ngoài đã kết nối với khách hàng và bán được sản phẩm trên các thị trường nước ngoài như: chè, quế, khoáng sản sang Ấn Độ; măng, đũa gỗ sang Nhật Bản; gỗ, bột đá sang thị trường Hàn Quốc; sản phẩm chè, quế, tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc. Đối với thị trường trong nước, công tác xúc tiến thương mại đã góp phần đưa các sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh Yên Bái vươn xa như: Miến đao Giới Phiên, măng nứa rừng khô, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy; cá sấy, cá hồ Thác Bà, chả cá, mật ong các loại, gạo nếp Tú Lệ, măng khô, miến, bún khô, mộc nhĩ, các loại tinh dầu, quế vỏ, trà quế, khoai Lục Yên, lạc đỏ, dầu lạc Lục Yên...

Đặc biệt, trong năm 2022, ngành Công Thương đã đưa một số sản phẩm nông, thủy sản đặc trưng có thế mạnh của tỉnh Yên Bái vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị BigC khu vực phía Bắc, mở đại lý tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong nước. Qua đó đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, giúp các doanh nghiệp có cơ hội kết nối được với khách hàng trong và ngoài nước, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường, qua đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng giá trị xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước của tỉnh Yên Bái.

Đánh giá về công tác xúc tiến thương mại của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cho rằng điểm sáng trong hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh Yên Bái đó là đã triển khai đa dạng, kết hợp linh hoạt các hình thức xúc tiến trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tổ chức thành công các chương trình gới thiệu sản phẩm nông sản, thủy sản, đặc sản, các sản phẩm OCOP tại các hệ thống siêu thị ở Hà Nội và thực tế mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho nông sản Yên Bái.

Trong bối cảnh tình hình thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; trong thời gian tới, xúc tiến thương mại của tỉnh cần tăng cường đổi mới sáng tạo, thực hiện trực tiếp và trực tuyến phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, tăng cường liên kết trong hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài kết hợp thực hiện riêng theo từng lĩnh vực; thúc đẩy nâng cao khả năng tiếp cận các công cụ, kênh giao dịch trên nền tảng số và khả năng ứng dụng các công cụ số.

 Nguồn: Cổng TTĐT Yên Bái