Bạn đang ở đây

giá cả thị trường

Tiếng Việt

Giá gas hôm nay 22/2: "Đỏ rực" ngày thứ tư liên tiếp, vì sao?

Giá gas hôm nay 22/2, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) giảm 0,72% xuống mức 2,05 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 4/2023.

Giá khí đốt tại châu Âu giảm mạnh thời gian qua do thời tiết ấm áp bất thường trong mùa đông năm nay, cùng với nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung và kho dự trữ khí đốt dồi dào.

Giá gas hôm nay 22/2: "Đỏ sàn" ngày thứ tư liên tiếp
Đường ống Yamal-Europe vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu

 

Nhà phân tích Henning Gloystein tại công ty tư vấn Eurasia Group đánh giá: “Châu Âu có vẻ như đã cai nghiện thành công khí đốt của Nga. Giá khí đốt TTF châu Âu vẫn còn đắt, nhưng không còn cần phải định giá trước nguy cơ thiếu hụt hoàn toàn”.

Mùa đông ở châu Âu chỉ còn kéo dài 6 tuần, nhưng mức lấp đầy kho khí đốt dự trữ ở châu Âu - một trong những thước đo quan trọng đánh giá rủi ro thiếu hụt trong ngắn hạn hiện đang ở mức khoảng 65%, cao hơn nhiều so với mức trung bình vào thời điểm này hàng năm.

Châu Âu đã được cung cấp đầy đủ khí đốt nhờ tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống từ Na Uy và khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng tàu chở dầu trên biển chủ yếu từ Hoa Kỳ và Qatar.

Bên cạnh đó, dự báo nguồn cung khí đốt cho châu Âu sẽ được cải thiện khi kho cảng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Freeport LNG ở bang Texas ở Mỹ sắp hoạt động lại. Cơ sở này đóng góp đến 20% sản lượng LNG xuất khẩu của Mỹ trước khi tạm dừng hoạt động vào mùa hè năm ngoái do sự cố hỏa hoạn.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu có thể tăng do khả năng có một đợt lạnh giá vào cuối mùa Đông, sau khi giảm vào tuần trước xuống mức thấp nhất trong gần 18 tháng qua.

Công ty Maxar Technologies Inc. cũng dự báo thời tiết sẽ lạnh hơn so với trước đó, với các hiện tượng bất thường dưới mức bình thường phổ biến hơn hiện đang xuất hiện ở phương Tây.

Mặc dù châu Âu đã vượt qua được mùa Đông mà không bị cắt giảm năng lượng hoặc mất điện, nhưng đợt lạnh giá đang rình rập là một lời nhắc nhở rằng mùa Đông vẫn còn một tháng nữa mới kết thúc.

Đồng thời, sự cạnh tranh với châu Á về khí đốt tự nhiên hóa lỏng có thể gia tăng. Ông Tom Marzec-Manser, Giám đốc bộ phận khí đốt tại Công ty tư vấn ICIS cảnh báo, giá khí đốt giảm có thể bắt đầu kích thích nhu cầu ở châu Á, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.

Tại thị trường trong nước từ ngày 1/2, giá gas bán lẻ tăng 5.250 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tăng trung bình 63.000 - 64.000 đồng, loại 45 kg tăng 235.000 - 236.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.

Cụ thể, với thương hiệu City Petro, từ ngày 1/2, các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp này tăng 5.250 đồng/kg. Bình gas loại 12kg của City Petro tăng 63.000 đồng/bình và loại bình gas 45kg tăng đến 236.000 đồng/bình.

Công ty Saigon Petro thông báo từ ngày 1/2, giá gas của hãng tăng 62.000đồng bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 477.000 đồng/bình 12kg.

Tương tự, Petrolimex Gas Sài Gòn cũng thông báo tăng 63.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ đến người tiêu dùng khu vực TP. Hồ Chí Minh là 486.000 đồng/bình 12 kg.

Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới và tỷ giá. Trong khi đó, giá gas thế giới tháng 2/2023 chốt ở mức 790 USD/tấn, tăng 192,5 USD/tấn so với tháng 1, từ đó đẩy giá gas bán lẻ tháng 2/2023 tăng mạnh.

Như vậy, sau lần giảm vào đầu tháng 1/2023, giá gas đã quay đầu bật tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 1 lần tăng và 1 lần giảm. Hiện, giá loại nhiên liệu này đã lên mức tương đương thời điểm hồi tháng 3 - 4/2022.

Nguồn: Báo Công Thương

Thị trường hàng hóa hôm nay 10/2: Giá dầu giảm trở lại, giá thép nội địa tăng 4 lần liên tiếp

Thị trường hàng hóa hôm nay 10/2, giá dầu quay đầu giảm, kết thúc chuỗi tăng mạnh 3 phiên liên tiếp trước đó, giá thép nội địa tăng 4 lần liên tiếp.

Giá dầu đồng loạt giảm

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu thô hôm nay như sau: dầu WTI giảm 0,52% xuống 78,06 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,69% xuống 84,5 USD/thùng.

Thị trường hàng hóa hôm nay 10/2

Giá dầu mở cửa với lực mua và lực bán liên tục giằng co khi các nhà đầu tư không chắc chắn về kịch bản tích cực trong bức tranh nhu cầu, sau loạt cáo tháng và tuần của Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy mức tồn kho tăng đáng kể. Đà giảm được thúc đẩy mạnh mẽ trong phiên tối, khi các thông tin cho thấy sức tiêu thụ trên thế giới vẫn chưa có tín hiệu bùng nổ như kỳ vọng.

Thị trường hàng hóa hôm nay 10/2

Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại Ấn Độ trong tháng 01/2023 đã giảm sau khi chạm mức đỉnh trong tháng 12/2022 do ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh giá và hoạt động công nghiệp có xu hướng chậm lại. Theo dữ liệu từ Trung tâm Phân tích và Lập kế hoạch Dầu khí (PPAC) của Bộ Dầu khí Ấn Độ, mức tiêu thụ nhiên liệu của Ấn Độ trong tháng Giêng đạt 18,7 triệu tấn, giảm 4,6% so với tháng trước đó. Trong khi đó, nguồn cung dầu từ Nga vẫn đang được đảm bảo, bất chấp các lệnh cấm vận từ các nước phương Tây, cùng đã gây sức ép lên giá dầu.

Thị trường hàng hóa hôm nay 10/2

Theo nhật báo Kommersant đưa tin trong hôm thứ Năm, các nhà sản xuất dầu thô của Nga đã tăng sản lượng khoảng 1% trong tuần đầu tiên của tháng Hai, với sản lượng dầu và khí ngưng tụ tăng 0,7% lên 0,93 triệu thùng/ngày. Các số liệu phù hợp với những con số được đưa ra bởi Phó Thủ tướng Nga trong hôm thứ Tư rằng sản lượng dầu thô của Nga, không bao gồm khí ngưng tụ trong tháng này rơi vào khoảng 9,8 triệu đến 9,9 triệu thùng/ngày của tháng 1.

Điều này cũng sẽ mở ra kỳ vọng nguồn cung dầu Nga đảm bảo cho sự gia tăng nhu cầu trên thị trường Trung Quốc. Trước đó, việc tăng giá bất ngờ của Saudi Arabia đối với các chuyến hàng giao tháng 3 sang châu Á đang được thị trường coi là tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ khiến dầu của quốc gia này kém cạnh tranh so với nguồn dầu giá rẻ từ Nga.

PetroChina Co. và CNOOC Ltd. Của Trung Quốc gần đây đã nối lại nhập khẩu dầu trong nước với Nga, khi ít nhất ba siêu tàu chở dầu thô cấp Urals báo hiệu Trung Quốc là điểm đến. Nhập khẩu dầu hàng ngày của Trung Quốc từ Nga có thể tăng tới 500.000 thùng trong năm nay lên khoảng 2,2 triệu thùng. Con số này có thể tăng lên 2,5 triệu thùng nếu Bắc Kinh quyết định nhập thêm dầu Urals để nạp đầy trữ lượng dầu mỏ thương mại hoặc chiến lược của mình.

Mặc dù vậy, lực mua có xu hướng dần quay trở lại thị trường dầu vào cuối phiên, khi xuất khẩu dầu của Azerbaijan từ Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể được nối lại trong tuần này vì một phòng kiểm soát tại cảng Ceyhan bị ảnh hưởng thiệt hại do động đất, gây gián đoạn tới nguồn cung ngắn hạn. Ceyhan thường xử lý khoảng 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, gần 60% trong số đó từ Azerbaijan và phần còn lại từ Iraq.

Kim loại cơ bản phục hồi nhờ lo ngại nguồn cung

Sắc đỏ áp đảo trên bảng giá của nhóm kim loại quý, giá bạc giảm 1,24% về 22,14 USD/ounce. Bạch kim suy yếu mạnh 2,33% về 964,2 USD/ounce.

Thông thường, giá của các mặt hàng kim loại quý thường vận động trái chiều so với diễn biến của đồng USD, tuy nhiên, ngay cả khi chỉ số Dollar Index đã giảm phiên thứ 3 liên tiếp về 103,18 điểm, giá của bạc và bạch kim vẫn không được hưởng lợi.

Mặc dù suy yếu, nhưng chỉ số Dollar Index vẫn đang neo ở mức cao nhất trong vòng một tháng, cộng thêm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm nhiều đợt nữa, khiến cho triển vọng của nhóm kim loại quý đang tiêu cực hơn. Công cụ theo dõi lãi suất của CME đang cho thấy xác suất Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong hai cuộc họp tháng 2 và 3 sắp tới lần lượt là 90,8% và 71%.

Trong phiên hôm qua, số đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu được công bố là 196.000 người, cao hơn so với dự báo, và làm bớt sức ép lên Fed về việc thị trường lao động quá nóng và có thể gia tăng áp lực lạm phát. Tuy nhiên, thông tin này không có tác động quá đáng kể trên thị trường. Tâm lý tiêu cực và lo ngại suy thoái khiến cho dòng tiền rời khỏi các thị trường tài chính nói chung, không chỉ riêng đối với các loại tài sản rủi ro. Khảo sát của Bank of America cho biết, các quỹ đầu tư đang có xu hướng nắm giữ tiền mặt nhiều hơn.

Thị trường hàng hóa hôm nay 10/2: Giá dầu giảm trở lại sau 3 phiên tăng mạnh liên tiếp

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng 1,52% lên 4,09 USD/pound. Đã có lúc giá quay lại 4,11 USD/pound trong phiên, khi chỉ số Dollar Index rớt khỏi mức 103 điểm. Tuy nhiên, sự hồi phục của đồng USD vào cuối phiên đã gây sức ép lên toàn bộ nhóm kim loại, trong đó có đồng.

Một mặt, việc nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc chưa hồi phục mạnh mẽ như kỳ vọng đã phần nào khiến cho giá đồng suy yếu, mặt khác, giá vẫn đang neo ở mức cao do những lo ngại về nguồn cung.

Chất lượng quặng giảm sút tại Chile và Peru trong các năm gần đây đã thức đẩy các hoạt động tìm kiếm nguồn cung thay thế. Theo báo cáo của S&P Global Market Intelligence , tổng ngân sách dành cho hoạt động thăm dò đồng đã tăng 21% lên gần 2.8 tỷ USD vào năm 2022, mức cao nhất kể từ năm 2014. Bên cạnh đó, giá đồng cung được hỗ trợ khi mức dự trữ tại các Sở Giao dịch lớn đều giảm mạnh. Cụ thể, Tồn kho trên Sở LME đã giảm về 64.475 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2006, còn tồn kho trên Sở COMEX chỉ đạt 25.480 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2014.

Giá quặng sắt cung tăng 2,14% lên 123,97 USD/tấn. Thị trường quặng sắt đã hồi phục trở lại sau đợt điều chỉnh vừa qua, bởi những kỳ vọng tiêu thụ đối với kim loại này vẫn được duy trì, nhất là trong bối cảnh nguồn cung ở Trung Quốc vẫn chưa gia tăng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc tổng sản lượng khoáng sản của Brazil, quốc gia có sản lượng quặng sắt lớn thứ hai thế giới, đã giảm 12% vào năm 2022 cũng làm gia tăng thêm lo ngại về nguồn cung và hỗ trợ cho giá sắt.

Giá thép nội địa tăng 4 lần liên tiếp trong vòng 1 tháng

Theo MXV, thị trường kim loại trong giai đoạn tới nhiều khả năng sẽ có những diễn biến tương đối phân hoá. Yếu tố vĩ mô xoay quanh bài toán thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang là mối lo ngại của thị trường, có thể khiến đồng USD phục hồi trở lại và gây sức ép tới giá kim loại quý. Trong khi đó, các mặt hàng kim loại cơ bản như đồng, sắt thép sẽ chịu tác động nhiều hơn bởi yếu tố cung cầu. Đà phục hồi của thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, Trung Quốc, vẫn sẽ là động lực giữ cho giá ở mức cao hơn đáng kể so với giai đoạn nửa cuối năm ngoái.

Trên thị trường nội địa, từ ngày 7/2 vừa qua, các nhà sản xuất thép lớn trong nước đồng loạt thông báo tăng giá bán thép các loại. Đây là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp trong vòng chưa đầy 1 tháng, với mức tăng thêm từ 300.000 - 380.000 đồng/tấn tùy doanh nghiệp. Như vậy, giá thép xây dựng trong nước đã tăng lên khoảng 15,5 – 16,5 triệu đồng/tấn.

Nguồn: Báo Công Thương

Giá xăng dầu hôm nay 8/2: Tiếp tục tăng nhờ sự lạc quan về phục hồi nhu cầu

Giá xăng dầu hôm nay 8/2, thị trường thế giới tiếp tục ghi nhận mức tăng khoảng 1 USD nhờ sự lạc quan về nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc.

Giá dầu thế giới

Giá dầu sáng ngày 8/2 (theo giờ Việt Nam) cụ thể là: giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,04 USD, lên mức75,3 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 0,81 USD, lên mức 81,95 USD/thùng.

Giá dầu tăng phiên thứ hai liên tiếp, được thúc đẩy bởi sự lạc quan về nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc và lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung sau khi đóng cửa một cảng xuất khẩu lớn sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Giá xăng dầu hôm nay 8/2: Tiếp tục tăng nhờ sự lạc quan về phục hồi nhu cầu
Diễn biến giá dầu WTI trên thị trường thế giới rạng sáng8/2 (theo giờ Việt Nam)

 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến sự tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong nửa đầu năm nay đến từ Trung Quốc, người đứng đầu cơ quan này cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng nhu cầu nhiên liệu máy bay đang tăng.

Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, lần đầu tiên tăng giá dầu thô chủ lực đối với người mua châu Á trong 6 tháng trong bối cảnh kỳ vọng nhu cầu phục hồi, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Hoạt động tại kho cảng xuất khẩu dầu 1 triệu thùng mỗi ngày (bpd) của Thổ Nhĩ Kỳ ở Ceyhan đã bị tạm dừng sau một trận động đất lớn xảy ra trong khu vực. Nhà ga BTC, nơi xuất khẩu dầu thô Azeri ra thị trường quốc tế, sẽ đóng cửa từ ngày 6 đến ngày 8/2.

Giá xăng dầu hôm nay 8/2: Tiếp tục tăng nhờ sự lạc quan về phục hồi nhu cầu
Diễn biến giá dầu Brent trên thị trường thế giới sáng8/2 (theo giờ Việt Nam)

 

Việc đóng cửa Giai đoạn 1 với công suất 535.000 thùng/ngày của mỏ dầu Johan Sverdrup ở khu vực Biển Bắc của Na Uy cũng làm tăng giá.

Các nhà phân tích cho biết các thị trường dầu mỏ sẽ theo dõi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell vào thứ tư. Việc tăng lãi suất thường củng cố đồng đô la, điều này có thể khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua không phải là người Mỹ.

Ngày 8/2, BP đã báo cáo mức lợi nhuận kỷ lục 28 tỷ USD cho năm 2022 đồng thời tăng cổ tức khi họ tăng mạnh các kế hoạch chi tiêu tổng thể nhưng giảm tham vọng giảm sản lượng dầu và khí đốt vào năm 2030.

Giá xăng dầu hôm nay 8/2: Tiếp tục tăng nhờ sự lạc quan về phục hồi nhu cầu
Các lá cờ của Liên minh châu Âu tại Nghị viện châu Âu, ở Strasbourg, Pháp(ảnh: Reuters)

 

Ủy ban châu Âu đã nói với các nước thành viên rằng việc EU chung rút khỏi một hiệp ước năng lượng quốc tế gây tranh cãi là không thể tránh khỏi, theo một tài liệu của Reuters, với một số trong số thành viên đã rời khỏi hiệp ước vì những lo ngại về khí hậu.

Hiệp ước Hiến chương Năng lượng năm 1998, có khoảng 50 bên ký kết bao gồm các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu, được tạo ra để bảo vệ các công ty trong ngành năng lượng bằng cách cho phép họ kiện chính phủ về các chính sách ảnh hưởng đến đầu tư của họ.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 8/2 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 30/1 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương:

Cụ thể, giá xăng RON 95-III tăng thêm 993 đồng/lít, lên 23,147 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng thêm 977 đồng, có giá mới 22,329 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu cũng tăng giá. Mỗi lít dầu diesel tăng thêm 890 đồng/lít, lên 22,524 đồng; dầu hoả là 22,576 đồng (tăng 767 đồng/lít) và dầu mazut là 13,934 đồng/kg, tăng thêm 568 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.

Ở kỳ điều hành này, Liên bộ thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với dầu diesel ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 605 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 650 đồng/lít); dầu mazut ở mức 200 đồng/kg (kỳ trước 300 đồng/lít).

Đồng thời chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 850 đồng/lít (kỳ trước chi 121 đồng/lít); xăng RON95 ở mức 950 đồng/lít (kỳ trước chi 103 đồng/lít).

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng Ngãi: Giá muối tăng cao, diêm dân không còn muối để bán

Giá muối tăng kỷ lục lên mức 4.000 đồng/kg giúp hàng nghìn diêm dân ở Quảng Ngãi thu lãi cao. Hiện nhiều diêm dân không còn muối để bán.

Với diện tích khoảng 105 ha, cánh đồng muối Sa Huỳnh ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) là vựa muối lớn nhất miền Trung. Trong những ngày qua, diêm dân ở vùng này vui mừng vì giá muối tăng cao kỷ lục.

Quảng Ngãi: Giá muối tăng cao, diêm dân không còn muối để bán
Giá muối tăng cao kỷ lục lên mức 4.000 đồng/kg

Ông Nguyễn Thành Út (tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh) cho biết, vụ sản xuất vừa qua, gia đình ông canh tác gần 7 sào muối và thu được khoảng 20 tấn muối. Dù sản lượng thấp hơn những năm trước, nhưng do giá muối ở mức cao nên khoản thu từ muối tăng lên đáng kể. “Giá cao từ niên vụ năm ngoái tới tận bây giờ, hồi đầu là 1.800 đồng/kg, sau đó cứ tăng dần lên. Giá muối hiện nay là 4.000 đồng/kg, nhưng cũng hết muối để bán”, ông Út cho biết.

Theo các diêm dân, cao điểm vào vụ làm muối Sa Huỳnh kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8, năng suất cao nhất là vào tháng 5 và tháng 6. Nghề làm muối phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khi thời tiết nắng ráo, sản lượng muối sẽ tăng cao.

Ông Giã Tấn Tàu - Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) cho biết, niên vụ muối năm 2022, diêm dân trong phường thu hoạch khoảng 5.000 tấn, sản lượng giảm hơn so với những năm trước. Nguyên nhân là do thời tiết thất thường, mưa dông nhiều. Tuy sản lượng muối giảm nhưng giá muối Sa Huỳnh hiện ở mức 4.000 đồng/kg. diêm dân không còn muối để bán, lượng muối còn tồn đọng trên địa bàn rất ít.

Ông Võ Minh Vương - Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ thông tin, từ nay đến năm 2025, thị xã Đức Phổ đặt mục tiêu sản lượng muối đạt 12.000 tấn/năm, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến muối và xây dựng mạng lưới thị trường tiêu thụ muối ổn định và đảm bảo có lãi. Bước đầu là thí điểm mô hình phát triển nghề muối gắn với du lịch cộng đồng ở làng Gò Cỏ. Đến năm 2030, sản lượng muối đạt trên 20.000 tấn/năm.

Quảng Ngãi: Giá muối tăng cao, diêm dân không còn muối để bán
Hiện nhiều diêm dân không còn muối để bán

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, những năm gần đây, một số diện tích làm muối không đưa vào sản xuất vì thuộc vùng trũng thấp, chi phí để cải tạo lớn trong khi giá muối các tháng đầu năm còn thấp. Ngoài ra, một phần diện tích bị bỏ hoang vì giá muối các năm trước thường ở mức thấp và lượng tồn kho hàng năm lớn.

Cuối năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, tham mưu điều chỉnh nguồn vốn để triển khai các dự án cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối Sa Huỳnh (60 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030).

Nguồn: Báo Công Thương

Những vấn đề cần quan tâm trong điều hành thị trường giá cả năm 2023

Chúng ta vừa đi qua 1 cái Tết bình yên về mọi mặt cả về dịch bệnh và cả giá cả tiêu dùng ở thị trường nội địa.

Thành công này không phải tự dưng mà có, đó là có 1 sự chuẩn bị chu đáo công phu khoa học mang tính dự báo cho công tác phục vụ Tết Quý Mão 2023. Hàng hoá đa dạng, phong phú, giá cả tương đối hợp lý, những đột biến về giá cả ở một số thời điểm, một số mặt hàng chỉ là cá biệt hoặc theo quy luật mua sắm của người dân trong dịp Tết.

Những tín hiệu đáng mừng của dịp phục vụ Tết sẽ góp phần làm cho CPI quý I năm 2023 sẽ diễn biến hợp lý và êm dịu hơn. Theo chỉ đạo của Chính phủ về điều hành giá của năm 2023 đã nêu rõ các địa phương phải đảm bảo việc cân đối cung cầu, không để xảy ra những thiếu hụt cục bộ nhất là các mặt hàng thiết yếu như vật tư, xăng dầu, lương thực thực phẩm. Tăng cường kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại chống tăng giá đột biến một cách vô lí. Kết nối các chuỗi cung ứng nhất là hàng nông sản thực phẩm, đảm bảo có cơ số dự trữ hợp lí từng thời điểm, địa bàn, …

Phản ứng nhanh nhạy, điều hành giá hiệu quả trong năm 2023 | Thị trường |  Vietnam+ (VietnamPlus)
Ảnh minh họa

Việc điều hành giá cả thị trường năm 2023 cũng gặp một số khó khăn bên ngoài như: Tính hình địa chính trị thế giới phức tạp, biến động khó lường. Lạm phát ở nhiều nước còn cao, sự khan hiếm của các mặt hàng lương thực thực phẩm xăng dầu chất đốt còn kéo dài, các chuỗi cung ứng hàng hoá chưa được nối lại hoàn toàn. Ở trong nước sức mua nội địa tuy có được cải thiện song doanh số bán lẻ đạt được trong năm 2022 chỉ bằng 81% của năm 2021. Thu nhập việc làm của một bộ phận không nhỏ người lao động còn gặp khó khăn ngay từ cuối năm 2022. Hệ thống phân phối cần phải có nhiều khắc phục hơn nữa để đảm bảo đầu ra cho hàng hoá Việt Nam nhất là hàng nông sản thực phẩm, như giảm đồi mối trung gian, độc quyền trong mua bán hàng hoá, …

Vẫn còn các áp lực tăng giá trong nước đó là: Giá một số hàng hoá do nhà nước định giá vài năm nay chưa được điều chính tăng. Mặt bằng lãi suất vay của doanh nghiệp thực tế còn cao nhất là của các doanh nghiệp trong nước, chi phí sản xuất vận chuyển vẫn đang ở mức cao cần phải tiết giảm hơn. Các chi phí cho sản xuất kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp do các thủ tục hành chính chưa được cải tiến đúng mức còn gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Từ những khó khăn bên ngoài và ở trong nước đòi hỏi cần có sự chỉ đạo sát sao quyết liệt hơn của Chính phủ, các bộ, ngành và sự nỗ lực chủ quan, sáng tạo của các doanh nghiệp. Cần lấy hiệu quả của doanh nghiệp để làm mục tiêu hỗ trợ và phục vụ. Tăng cường việc chủ động mở rộng hạch toán kinh tế, tự chủ kinh doanh, giảm bao biện làm thay, quản lý theo kiểu hành chính đối với doanh nghiệp, từng bước sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Làm được những vấn đề trên thì mục tiêu CPI 4,5% đề ra trong năm nay có nhiều khả năng đạt được góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội trong năm 2023. Làm tiền đề cho sự phát triển nhanh và vững chắc hơn trong những năm tiếp theo.

Nguồn: Báo Công Thương

Thép cuộn cán nguội của Việt Nam “đương đầu” với 2 vụ rà soát thuế chống bán phá giá tại Malaysia

Bộ Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia đã khởi xướng rà soát thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép cuộn cán nguội/thép không hợp kim của Việt Nam.

Thép cuộn cán nguội của Việt Nam “đương đầu” với 2 vụ rà soát thuế chống bán phá giá tại Malaysia
Thép cuộn cán nguội của Việt Nam đang đối mặt với hai vụ kiện chống bán phá giá của Malaysia

Cụ thể, thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương cho biết ngày 28/12/2022, Bộ Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia (MITI) đã khởi xướng hai vụ việc rà soát thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cuộn cán nguội của Việt Nam.

Thứ nhất là vụ việc liên quan tới thép cuộn cán nguội/thép không hợp kim có chiều rộng lớn hơn 1300 mm được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Việt Nam.

Vụ việc được MITI khởi xướng điều tra vào ngày 21/3/2019 với 4 nước là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Tới 17/12/2019, cơ quan điều tra ban hành Kết luận cuối cùng với mức thuế chống bán phá giá cụ thể như sau: Trung Quốc từ 4,76% đến 26,38%; Nhật Bản 26,39%, Hàn Quốc từ 0 đến 3,84% và Việt Nam từ 7,7% đến 20,13%. Mức thuế này được áp dụng trong 5 năm, từ 25/12/2019 đến 24/12/2024.

Thứ hai là vụ việc liên quan đến thép cuộn cán nguội hợp kim/không hợp kim có độ dày từ 0,2 đến 2,6 mm và chiều rộng từ 700 mm đến 1300 mm được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Việt Nam.

Cụ thể, MITI khởi xướng điều tra vào 27/8/2015 với 4 nước là Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Ngày 17/5/2016, cơ quan điều tra ban hành Kết luận cuối cùng với mức thuế chống bán phá giá cụ thể như sau: Trung Quốc từ 5,61% đến 23,78%; Hàn Quốc từ 3,78% đến 21,64% và Việt Nam từ 3,06% đến 13,68%. Mức thuế này được áp dụng trong 5 năm (từ 24/5/2016 đến 23/5/2021).

Vụ việc đã trải qua hai đợt rà soát hành chính khởi xướng vào năm 2018 và 2020, cùng với đợt rà soát cuối kỳ vào năm 2021. Ngày 21/9/2021, MITI quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nói trên nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam cho giai đoạn từ 9/10/2021 đến 8/10/2026, cụ thể: Trung Quốc từ 35,89% đến 42,08%; Hàn Quốc từ 0% đến 21,64% và Việt Nam từ 7,42% đến 33,7%.

Quy định pháp luật của WTO cho phép cơ quan điều tra thực hiện rà soát hành chính như một thủ tục thông thường và định kỳ, nhằm đánh giá lại thuế chống bán phá giá đang được áp dụng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan.

Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương cho rằng đây là cơ hội để các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam thay đổi mức thuế theo hướng có lợi. Do đó, các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần hợp tác đầy đủ, toàn diện với MITI để tận dụng tối đa cơ hội này.

Cục Phòng vệ Thương mại cho biết với hai vụ việc này, MITI sẽ gửi bản câu hỏi điều tra tới các bên liên quan, bao gồm các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra của Việt Nam và Chính phủ Việt Nam. Trong trường hợp không nhận được thông tin từ MITI, các bên liên quan có thể liên hệ với MITI bằng văn bản, bằng fax hoặc email để tìm hiểu thông tin, nhận bản câu hỏi điều tra.

Thời hạn để các bên liên quan gửi yêu cầu nhận bản câu hỏi điều tra muộn nhất là 15 ngày kể từ ngày MITI ban hành thông báo khởi xướng cuộc rà soát.

Thời hạn nộp bản trả lời câu hỏi điều tra và bày tỏ quan điểm, lập luận bằng văn bản về cuộc điều tra trong vòng 30 ngày kể từ ngày MITI ban hành thông báo khởi xướng cuộc rà soát, dự kiến đến ngày 27/1/2023.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm liên quan liên lạc với MITI để đăng ký tham gia và nhận bản câu hỏi điều tra trong thời hạn quy định.

Các đơn vị cần đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp bản câu hỏi rà soát theo đúng thời hạn quy định; Hợp tác toàn diện với MITI trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong bản trả lời câu hỏi; Liên hệ và phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời.

Theo thống kê từ Trademap, kim ngạch xuất khẩu thép cuộn cán nguội của Việt Nam sang Malaysia trong năm 2021 khoảng 39,34 triệu USD, đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu thép cuộn cán nguội sang Malaysia, sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan với kim ngạch lần lượt khoảng gần 261 triệu USD; 227 triệu USD và hơn 57 triệu USD.

Nguồn: Báo Công Thương

 

Giao dịch hàng hóa đột phá thành công trong năm 2022

Thị trường giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Năm 2022 đã chứng kiến rất nhiều biến động lớn trên thị trường hàng hóa thế giới: khủng hoảng năng lượng đẩy giá dầu lên cao kỷ lục, các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất ảnh hưởng tới nhóm kim loại, thời tiết bất thường khiến giá nông sản và cà phê biến động mạnh. Tuy nhiên, thị trường giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động thương mại và đầu tư tại Việt Nam trong năm vừa qua.

Khối lượng giao dịch tăng trưởng 36%

Theo báo cáo Tổng kết cuối năm của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khối lượng giao dịch tại MXV đã tăng 36% so với năm 2021. Giá trị giao dịch trung bình đạt gần 5.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong đó có những ngày đạt kỷ lục hơn 10.000 tỷ đồng. Với hơn 4.000 tài khoản mở mới trong năm qua, toàn thị trường hiện có hơn 22.000 tài khoản đang hoạt động, với tốc độ tăng ổn định qua từng tháng.

Theo ông Đặng Việt Hưng, Tổng Giám đốc MXV, sau hơn 4 năm được Bộ Công Thương cho phép liên thông giao dịch với thế giới, thị trường đã trải qua giai đoạn phát triển nóng và dần bước vào giai đoạn phát triển ổn định và bền vững. “Giao dịch diễn ra thông suốt 24 giờ mỗi ngày từ sáng thứ hai đến sáng thứ bảy hàng tuần, liên thông với các Sở Giao dịch lớn nhất trên thế giới, không gặp bất kỳ sự cố nào trong năm 2022”, ông Hưng cho biết thêm.

Với định hướng tự chủ về hạ tầng công nghệ, MXV đã liên tục nâng cấp hệ thống giao dịch, cải tiến các tính năng tự động hóa, giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư nâng cao hiệu quả khi giao dịch liên thông với thế giới. Hệ thống M-System được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một trong những nền tảng tốt nhất về giao dịch hàng hóa trong khu vực. Hệ thống có thể đáp ứng khối lượng giao dịch cao gấp hàng chục lần so với hiện nay, mà vẫn đảm bảo sự ổn định và thông suốt.

Giao dịch hàng hóa đột phá thành công trong năm 2022
Thị trường giao dịch hàng hóa phát triển trong năm 2022

Tính đến cuối năm 2022, MXV đang niêm yết giao dịch 42 sản phẩm liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch Hàng hóa lớn nhất trên thế giới, chia làm 4 nhóm: Nông sản, Năng lượng, Kim loại và Nguyên liệu Công nghiệp. Trong năm 2022, MXV đã niêm yết thêm các hợp đồng Mini và Micro, theo đúng xu thế đầu tư hàng hóa mới nhất từ các Sở Giao dịch thế giới. “Hiện nay chỉ với hơn 10 triệu đồng, nhà đầu tư đã có thể giao dịch 1 hợp đồng hàng hóa Micro. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với trước kia, giúp giao dịch hàng hóa tiếp cận được nhiều nhà đầu tư với nhiều quy mô vốn khác nhau”, ông Hưng chia sẻ. Theo thống kê, sản phẩm dầu thô WTI Micro liên thông với Sở NYMEX là sản phẩm có khối lượng giao dịch lớn nhất tại Việt Nam trong năm vừa qua.

Nâng cao “chất” của thị trường

Bên cạnh mục tiêu phát triển quy mô giao dịch, MXV đã tập trung nâng cao chất lượng của thị trường nói chung, đặc biệt là chất lượng của các Thành viên thị trường. Tính đến cuối năm 2022, toàn thị trường có 38 Thành viên, cùng các văn phòng, chi nhánh phủ rộng khắp các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước. Các Thành viên vừa là đối tác, vừa là những cánh tay nối dài giúp MXV tổ chức và lan tỏa thị trường hàng hóa đến với các nhà đầu tư.

Trong năm 2022, một loạt các quy chế, quy trình, quy định mới đã được ban hành và phổ biến tới các Thành viên thông qua các buổi tập huấn nghiệp vụ. Trong đó, đáng chú ý, chương trình Tập huấn Thành viên toàn quốc đã được tổ chức với quy mô lớn, chuyên nghiệp vào đầu tháng 7/2022 và nhận được sự đánh giá cao của Bộ Công Thương và toàn thị trường. Với tôn chỉ minh bạch – chuyên nghiệp – hiệu quả, MXV và các Thành viên vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam, vừa tuân theo các quy định của các Sở Giao dịch quốc tế liên thông.

Giao dịch hàng hóa đột phá thành công trong năm 2022
Chương trình Tập huấn thành viên toàn quốc của MXV năm 2022

Với nhiệm vụ phổ biến các kiến thức cơ bản và liên tục cập nhật các kiến thức nâng cao đến toàn thị trường, Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo MXV đã tổ chức 12 khóa đào tạo dành cho các nhà môi giới và nhà đầu tư, cấp chứng chỉ cho gần 500 học viên trong năm vừa qua. Đồng thời phối hợp cùng các trường đại học, học viện, các Sở Giao dịch quốc tế tổ chức các hội thảo quy mô và chất lượng, giúp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, là nền móng vững chắc cho sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trong tương lai.

Sự phát triển của thị trường Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đối tác quốc tế. Điều này được thể hiện qua các chuyến thăm và làm việc của rất nhiều các tổ chức quốc tế trong năm 2022. Đặc biệt là buổi làm việc của Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group) tại trụ sở Bộ Công Thương vào tháng 8/2022, đã đưa ra những tham vấn, kinh nghiệm quý giá từ thị trường Mỹ, giúp Bộ Công Thương và MXV tổ chức thị trường tại Việt Nam minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Các đối tác quốc tế cũng liên tục tổ chức các buổi làm việc, tọa đàm, hội thảo và bày tỏ mong muốn hợp tác lâu dài cùng MXV trong thời gian tới.

Sở Giao dịch hàng hóa đúng tiêu chuẩn quốc tế

Bên cạnh hình thức giao dịch điện tử, giao nhận hàng hóa là một phần không thể thiếu trong mô hình hoạt động của bất kỳ Sở Giao dịch giao dịch hàng hóa nào. Chia sẻ trong buổi làm việc với Bộ Công Thương vào tháng 08/2022, đại diện CME Group cho biết các Sở Giao dịch lớn trên thế giới đều có chức năng giao nhận hàng vật chất. Mặc dù trên thực tế, tỉ trọng của hàng hóa được giao nhận thông qua các Sở Giao dịch chỉ chiếm ít hơn 1% tổng khối lượng giao dịch điện tử; nhưng đây vẫn là nghiệp vụ quan trọng, đảm bảo sự liền mạch trong hoạt động giao dịch hàng hóa.

Đối với một quốc gia có thế mạnh về xuất nhập khẩu nhiều loại hàng hóa nguyên liệu quan trọng như Việt Nam, vai trò của nghiệp vụ giao nhận hàng hóa lại càng được đề cao hơn nữa. Sau một thời gian dài thương mại và hợp tác tích cực với các đối tác quốc tế, tàu ngô nhập khẩu đầu tiên của MXV đã cập Cảng Quảng Ninh vào tháng 11/2022. Sự kiện này đã đánh dấu bước chuyển mình, giúp MXV trở thành Sở Giao dịch hàng hóa đúng tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại cà phê đã nhận được sự đánh giá cao của Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước, góp phần vào dòng chảy thương mại cà phê của Việt Nam trong năm qua.

Tiếp đà phát triển và những mục tiêu lớn trong năm 2023

Kể từ sau Nghị định 51/2018/NĐ-CP, thị trường giao dịch hàng hóa đã được cởi trói và có các bước phát triển đáng khích lệ, được ghi nhận bởi các Cơ quan quản lý nhà nước; các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước; và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, theo quá trình phát triển của thị trường Việt Nam, cùng với những biến đổi không ngừng của thị trường thế giới, MXV đã đề xuất Bộ Công Thương sớm tham mưu sửa đổi Nghị định 51/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động của Sở Giao dịch Hàng hóa. “Đây sẽ là tiền đề giúp thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển ổn định và bền vững, giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ giao dịch hàng hóa thế giới”, ông Đặng Việt Hưng khẳng định.

Bên cạnh việc hoàn thiện khung hành lang pháp lý, liên tục nâng cấp và cải tiến hệ thống giao dịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MXV trong năm 2023. MXV sẽ sớm triển khai giao dịch các hợp đồng Quyền chọn, công cụ tối ưu cho nghiệp vụ bảo hiểm giá đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên toàn thế giới. MXV đang nghiên cứu niêm yết các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, điều,… Với các sản phẩm này, ngành nông sản Việt Nam sẽ tránh được câu chuyện “được mùa – mất giá” vốn đã tồn tại hàng chục năm nay.

Giao dịch hàng hóa đột phá thành công trong năm 2022
CME Group làm việc với Bộ Công Thương và MXV

Ngoài ra, nghiệp vụ giao nhận hàng hóa sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và mở rộng đối với các sản phẩm thế mạnh của nước ta như xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, điều; nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi,… Hiện nay, MXV đang làm việc và phối hợp tích cực với các đối tác quốc tế, các cảng biển và các doanh nghiệp logistics để xây dựng kênh thương mại hàng hóa hiệu quả cho thị trường trong nước. Dự kiến đến cuối năm 2023, khối lượng hàng hóa giao nhận thông qua MXV sẽ tăng trưởng từ 2 – 3 lần so với năm 2022 và trở thành một kênh thương mại uy tín, quy mô đối với thị trường trong nước.

Với lịch sử hơn 12 năm hình thành và phát triển, MXV đã và đang là đầu tàu của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Tăng cường hợp tác quốc tế toàn diện trên nhiều lĩnh vực: giao dịch, công nghệ thông tin, đào tạo, truyền thông,…sẽ giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ giao dịch hàng hóa thế giới, góp phần vào quá trình hội nhập kinh tế của đất nước.

 Nguồn: Báo Công Thương

Bộ Công Thương: Mua, bán pháo hoa Z121 trên mạng là trái quy định pháp luật

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, mua bán pháo hoa ngoài phạm vi các cửa hàng của Nhà máy Z121 và Tổng công ty GAET là vi phạm pháp luật.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa phát đi cảnh báo người tiêu dùng khi mua pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2023. Theo đó, cơ quan này cho biết, pháo hoa là sản phẩm kinh doanh có điều kiện. Việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh pháo hoa tại Việt Nam phải tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

"Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường" - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh.

Thời gian qua báo chí và một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh về tình trạng “khan hiếm” và “thổi giá bán” các sản phẩm pháo hoa không tiếng nổ (pháo hoa) tại một số cửa hàng của Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 (Nhà máy Z121).

Bộ Công Thương: Mua, bán pháo hoa Z121 trên mạng là trái quy định pháp luật
Sản phẩm pháo hoa được rao bán tràn lan trên mạng

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiến hành khảo sát thực tế và cho biết, năm 2022, tổng sản lượng sản xuất và cung ứng các loại sản phẩm pháo hoa cho các cửa hàng của Nhà máy Z121 là trên 4 triệu sản phẩm, gấp 10 lần sản lượng năm 2021.

Nhà máy này áp dụng chính sách bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua hệ thống các cửa hàng trên toàn quốc. Giá bán sản phẩm được niêm yết tại nhà máy.

Hiện nay, chỉ có 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được cấp phép kinh doanh sản phẩm pháo hoa, gồm: Nhà máy Z121 và Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (Tổng công ty GAET). Trong đó, Nhà máy Z121 hiện có 247 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm pháo hoa tại 52/63 tỉnh, thành phố trực; Tổng công ty GAET hiện có 2 cửa hàng tại Hà Nội và Ninh Bình.

Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã nhận được phản ánh về tình trạng bán giá cao hơn niêm yết tại cửa hàng số 15 (quận Đống Đa, TP Hà Nội) và cửa hàng số 26 (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) có tình trạng này. Nhà máy Z121 đã quyết định dừng hoạt động bán hàng của các cửa hàng trên, thu hồi sản phẩm.

Từ các thông tin trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng khi mua pháp hoa, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng cần mua sản phẩm pháo hoa tại các cửa hàng, địa điểm kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh, an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Giá pháo hoa được niêm yết

Các hoạt động mua bán ngoài phạm vi các cửa hàng của Nhà máy Z121 (bao gồm cả bán trên mạng) và các cửa hàng của Tổng công ty GAET là trái với quy định của pháp luật" - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh.

Trường hợp người dân phát hiện các hoạt động kinh doanh, mua, bán pháo hoa tại các địa điểm ngoài phạm vi các cửa hàng được công bố, cơ quan quản lý đề nghị người tiêu dùng kịp thời cung cấp thông tin để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán pháo hoa cao hơn giá niêm yết tại cửa hàng hoặc giá bán do Nhà máy Z121 công bố, đề nghị cung cấp thông tin đến Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương theo số điện thoại: 1800.6838, hoặc thông tin cho đường dây nóng của Nhà máy Z121 là 0865.345.121 để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Báo Công Thương

Thị trường hàng hóa hôm nay 16/1: Giá dầu cao nhất trong 3 tháng, thị trường kim loại "thăng hoa"

hị trường hàng hóa hôm nay 16/1, kết thúc tuần giao dịch ngày 09/01 – 15/01, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng giá trước kỳ vọng nhu cầu sẽ sớm bùng nổ.

Giá dầu tăng cao

Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu thô hôm nay như sau, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng giá trước kỳ vọng nhu cầu sẽ sớm bùng nổ, đặc biệt là trên thị trường nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc, trong khi thời tiết mùa đông không quá lạnh tại khu vực châu Âu làm giảm nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên và gây sức ép tới giá. Dầu WTI gần như lấy lại giá trị đã đánh mất trong tuần trước đó, tăng 8,26% trong tuần qua, đạt mức 79,86 USD/thùng. Đây cũng là mức tăng hàng tuần lớn nhất trong vòng 3 tháng. Dầu Brent tăng 8,54% lên mức 85,28 USD/thùng.

Thị trường hàng hóa hôm nay 16/1

Lực mua được thúc đẩy chủ yếu do các tín hiệu tiêu thụ lạc quan tại Trung Quốc, với nhu cầu đi lại nhiều hơn khi quốc gia này mở cửa biên giới. Vào đầu tuần, nhà tiêu thụ số một thế giới ban hành một đợt hạn ngạch mới lên tới 111,82 triệu tấn cho các công ty nhập khẩu dầu. Như vậy, Trung Quốc đã ban hành tổng cộng 132 triệu tấn dầu thô nhập khẩu trong hai hạn ngạch riêng biệt cho năm 2023, cao hơn so với mức 109 triệu tấn của năm ngoái. Điều này có thế thúc đẩy nhu cầu dầu thô cho hoạt động lọc dầu tại các nhà máy, và hỗ trợ cho giá.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu nhiên liệu tinh chế trong tháng 12, bao gồm cả dầu nhiên liệu hàng hải, ở mức 7,7 triệu tấn, cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020 và tăng 25% so với tháng 11. Ngân hàng Goldman Sachs và nhà quản lý quỹ đầu cơ Pierre Andurand đều đưa ra dự báo giá dầu có thể chạm mốc 110 USD khi các kinh tế tại châu Á, dẫn đầu bởi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn.

Thị trường hàng hóa hôm nay 16/1

Tác động từ Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã không thể cản trở đà tăng của giá dầu trước các kỳ vọng tích cực về năng lực tiêu thụ tại Trung Quốc. EIA điều chỉnh tăng nguồn cung dầu trong quý I, III và IV của năm nay thêm 0,1% so với báo cáo trước, đưa mức sản lượng năm 2023 đạt 101,06 triệu thùng/ngày, chủ yếu là do sự gia tăng sản lượng của Mỹ và các nước Non-OPEC. Trong khi đó, cơ quan này đã điều chỉnh giảm mạnh đồng loạt mức tiêu thụ trong cả 4 quý năm nay so với báo cáo trước đó, đưa mức tiêu thụ trung bình năm 2023 đạt 100,48 triệu thùng/ngày. Như vậy, thị trường dầu được dự báo sẽ thặng dư khoảng hơn 0.6 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và năm 2024. Giá dầu cũng đã gặp áp lực nhất định sau báo cáo, nhưng lực mua vẫn chiếm ưu thế trở lại vào cuối tuần.

Củng cố thêm đà tăng của giá dầu là dữ liệu lạm phát của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 12, với chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm nhẹ 0.1% so với tháng 11, làm gia tăng niềm tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất chậm lại trong giai đoạn tới. Dollar Index đã giảm 1,61% xuống mức 102 điểm trong tuần qua. Đồng USD suy yếu cũng đã củng cố thêm đà tăng của giá dầu.

Thị trường hàng hóa hôm nay 16/1

Một yếu tố khác cũng hỗ trợ cho giá là lo ngại về nguồn cung từ phía Nga, khi mà còn 24 ngày nữa, nhóm nước G7 sẽ áp đặt mức trần đối với mức giá mà các nhà máy lọc dầu của Nga được phép bán nhiên liệu sản xuất. Điều này được nhận định sẽ làm phức tạp hoá dòng chảy sản phẩm từ dầu còn hơn cả lệnh cấm dầu thô hồi tháng 12. Trong khi đó, nguồn cung tại Mỹ vẫn chỉ tăng rất khiêm tốn trong tuần qua. Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ tăng 3 lên 775 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 13/01 sau khi giảm mạnh trong tuần trước đó.

Trong tuần này, thị trường dầu thô được dự báo cũng sẽ có những biến động mạnh trước 2 báo cáo tháng quan trọng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Bên cạnh đó, dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội GDP quý IV của Trung Quốc cũng sẽ phản ánh một phần bức tranh tăng trưởng của quốc gia đang được kỳ vọng rất nhiều về sự bùng nổ trong nhu cầu trong thời gian tới, cũng là ảnh hưởng lớn tới giá dầu.

Thị trường kim loại thăng hoa trước tiềm năng tiêu thụ của Trung Quốc và sự suy yếu của đồng USD

Sắc xanh tiếp tục áp đảo bảng giá kim loại trong tuần vừa qua. Với nhóm kim loại quý, thị trường chứng kiến sự phân hóa nhẹ với giá bạc tăng 1,63% lên 24,37 USD/ounce. Trái lại, giá bạch kim giảm 2,88% về 1072,5 USD/ounce.

Động lực tăng trưởng lớn nhất của các mặt hàng kim loại quý vẫn đến từ sự suy yếu của đồng USD, khi mà các số liệu về lạm phát hạ nhiệt củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Chỉ số Dollar Index lao dốc 1,61% về 102,2 điểm, mức thấp nhất mới kể từ đầu tháng 6/2022. Đáng chú ý, đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong vòng 6 tuần của chỉ số này.

Sự suy yếu của đồng bạc xanh làm cho chi phí nắm giữ và đầu tư các mặt hàng kim loại quý giảm bớt. Dòng tiền luân chuyển nhiều vào hai mặt hàng là vàng và bạc, bởi đây là hai kim loại vừa có tiềm năng tăng giá và vừa có vai trò trú ẩn hàng đầu trong bối cảnh những rủi ro vĩ mô vẫn còn.

Trong khi đó, sức mua trên thị trường bạch kim yếu hơn xuất phát từ việc dòng tiền thường sẽ được ưu tiên hơn cho thị trường vàng và bạc trước. Đồng thời, giá bạch kim bị ảnh hưởng bởi lực chốt lời khi đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 và chịu sức ép từ việc doanh số bán xe ô tô giảm trong tháng 12 vừa qua.

Thị trường hàng hóa hôm nay 16/1: Giá dầu cao nhất trong 3 tháng

Đối với nhóm kim loại cơ bản, phần lớn các mặt hàng bứt phá mạnh mẽ nhờ sự suy yếu của đồng USD và triển vọng phục hồi của Trung Quốc. Giá đồng tăng 7,8% lên 4,21 USD/pound, và giá quặng sắt tăng 6,94% lên 123,59 USD/tấn. Đáng chú ý, nhôm và thiếc đều tăng hơn 13% lên lần lượt 2595 USD/tấn và 28,756 USD/tấn.

Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như nới lỏng hạn chế “Ba lằn ranh đỏ” và cho phép nới lỏng các hạn ngạch phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để thúc đẩy sự phục hồi của ngành xây dựng và bất động sản.

Bên cạnh đó, cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) đều giảm, phản ánh áp lực lạm phát thấp, và có thể giúp các nhà chức trách có nhiều cơ hội hơn để nới lỏng các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế. Xét về tồn kho, mức dự trữ tại Sở LME chỉ còn hứa 654.345 tấn kim loại vào cuối tháng 12/2022, ít hơn một nửa so với cuối năm 2021. Tồn kho của Sở Thượng Hải cũng kết thúc năm ở mức thấp nhất kể từ năm 2007.

Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu tiêu thụ kim loại của Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh chóng, trong bối cảnh tồn kho thấp và khả năng gia tăng nguồn cung giới hạn sẽ là các yếu tố củng cố đà tăng cho các mặt hàng kim loại cơ bản. Hiện, hoạt động sản xuất đồng tại Peru, nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn vì tình trạng biểu tình tại các mỏ lớn như Las bambas hay Atnt Apac Cay.

Kỳ vọng tích cực về bức tranh cung cầu, giá hàng hoá có thể bùng nổ vào nửa cuối năm nay

Kỳ vọng tích cực về bức tranh nhu cầu cho các mặt hàng kim loại và năng lượng, sau khi quốc gia tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc mở cửa đang là động lực chính thúc đẩy đà tăng của giá, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào quan trọng như dầu thô, sắt thép hay nhôm đồng. Xu hướng giá trong giai đoạn tới vẫn sẽ là phục hồi, nhưng sẽ có những nhịp điều chỉnh giảm nhẹ do tồn tại một số gián đoạn trong hoạt động sản xuất, và áp lực chi phí vay tăng cao từ các nền kinh tế phương Tây. Nhìn chung, giá hàng hoá đang dần thoát khỏi giai đoạn tích lũy đi ngang, và có thể bùng nổ mạnh mẽ hơn vào giai đoạn khoảng nửa cuối năm.

Giá một số hàng hóa khác

Bảng giá nông sản

Bảng giá kim loại

Bảng giá nguyên liệu công nghiệp

Nguồn: Báo Công Thương