Bạn đang ở đây

Giao dịch hàng hóa đột phá thành công trong năm 2022

17/01/2023 13:50:07

Thị trường giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Năm 2022 đã chứng kiến rất nhiều biến động lớn trên thị trường hàng hóa thế giới: khủng hoảng năng lượng đẩy giá dầu lên cao kỷ lục, các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất ảnh hưởng tới nhóm kim loại, thời tiết bất thường khiến giá nông sản và cà phê biến động mạnh. Tuy nhiên, thị trường giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động thương mại và đầu tư tại Việt Nam trong năm vừa qua.

Khối lượng giao dịch tăng trưởng 36%

Theo báo cáo Tổng kết cuối năm của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khối lượng giao dịch tại MXV đã tăng 36% so với năm 2021. Giá trị giao dịch trung bình đạt gần 5.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong đó có những ngày đạt kỷ lục hơn 10.000 tỷ đồng. Với hơn 4.000 tài khoản mở mới trong năm qua, toàn thị trường hiện có hơn 22.000 tài khoản đang hoạt động, với tốc độ tăng ổn định qua từng tháng.

Theo ông Đặng Việt Hưng, Tổng Giám đốc MXV, sau hơn 4 năm được Bộ Công Thương cho phép liên thông giao dịch với thế giới, thị trường đã trải qua giai đoạn phát triển nóng và dần bước vào giai đoạn phát triển ổn định và bền vững. “Giao dịch diễn ra thông suốt 24 giờ mỗi ngày từ sáng thứ hai đến sáng thứ bảy hàng tuần, liên thông với các Sở Giao dịch lớn nhất trên thế giới, không gặp bất kỳ sự cố nào trong năm 2022”, ông Hưng cho biết thêm.

Với định hướng tự chủ về hạ tầng công nghệ, MXV đã liên tục nâng cấp hệ thống giao dịch, cải tiến các tính năng tự động hóa, giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư nâng cao hiệu quả khi giao dịch liên thông với thế giới. Hệ thống M-System được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một trong những nền tảng tốt nhất về giao dịch hàng hóa trong khu vực. Hệ thống có thể đáp ứng khối lượng giao dịch cao gấp hàng chục lần so với hiện nay, mà vẫn đảm bảo sự ổn định và thông suốt.

Giao dịch hàng hóa đột phá thành công trong năm 2022
Thị trường giao dịch hàng hóa phát triển trong năm 2022

Tính đến cuối năm 2022, MXV đang niêm yết giao dịch 42 sản phẩm liên thông với hầu hết các Sở Giao dịch Hàng hóa lớn nhất trên thế giới, chia làm 4 nhóm: Nông sản, Năng lượng, Kim loại và Nguyên liệu Công nghiệp. Trong năm 2022, MXV đã niêm yết thêm các hợp đồng Mini và Micro, theo đúng xu thế đầu tư hàng hóa mới nhất từ các Sở Giao dịch thế giới. “Hiện nay chỉ với hơn 10 triệu đồng, nhà đầu tư đã có thể giao dịch 1 hợp đồng hàng hóa Micro. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với trước kia, giúp giao dịch hàng hóa tiếp cận được nhiều nhà đầu tư với nhiều quy mô vốn khác nhau”, ông Hưng chia sẻ. Theo thống kê, sản phẩm dầu thô WTI Micro liên thông với Sở NYMEX là sản phẩm có khối lượng giao dịch lớn nhất tại Việt Nam trong năm vừa qua.

Nâng cao “chất” của thị trường

Bên cạnh mục tiêu phát triển quy mô giao dịch, MXV đã tập trung nâng cao chất lượng của thị trường nói chung, đặc biệt là chất lượng của các Thành viên thị trường. Tính đến cuối năm 2022, toàn thị trường có 38 Thành viên, cùng các văn phòng, chi nhánh phủ rộng khắp các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước. Các Thành viên vừa là đối tác, vừa là những cánh tay nối dài giúp MXV tổ chức và lan tỏa thị trường hàng hóa đến với các nhà đầu tư.

Trong năm 2022, một loạt các quy chế, quy trình, quy định mới đã được ban hành và phổ biến tới các Thành viên thông qua các buổi tập huấn nghiệp vụ. Trong đó, đáng chú ý, chương trình Tập huấn Thành viên toàn quốc đã được tổ chức với quy mô lớn, chuyên nghiệp vào đầu tháng 7/2022 và nhận được sự đánh giá cao của Bộ Công Thương và toàn thị trường. Với tôn chỉ minh bạch – chuyên nghiệp – hiệu quả, MXV và các Thành viên vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam, vừa tuân theo các quy định của các Sở Giao dịch quốc tế liên thông.

Giao dịch hàng hóa đột phá thành công trong năm 2022
Chương trình Tập huấn thành viên toàn quốc của MXV năm 2022

Với nhiệm vụ phổ biến các kiến thức cơ bản và liên tục cập nhật các kiến thức nâng cao đến toàn thị trường, Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo MXV đã tổ chức 12 khóa đào tạo dành cho các nhà môi giới và nhà đầu tư, cấp chứng chỉ cho gần 500 học viên trong năm vừa qua. Đồng thời phối hợp cùng các trường đại học, học viện, các Sở Giao dịch quốc tế tổ chức các hội thảo quy mô và chất lượng, giúp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, là nền móng vững chắc cho sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trong tương lai.

Sự phát triển của thị trường Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đối tác quốc tế. Điều này được thể hiện qua các chuyến thăm và làm việc của rất nhiều các tổ chức quốc tế trong năm 2022. Đặc biệt là buổi làm việc của Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group) tại trụ sở Bộ Công Thương vào tháng 8/2022, đã đưa ra những tham vấn, kinh nghiệm quý giá từ thị trường Mỹ, giúp Bộ Công Thương và MXV tổ chức thị trường tại Việt Nam minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Các đối tác quốc tế cũng liên tục tổ chức các buổi làm việc, tọa đàm, hội thảo và bày tỏ mong muốn hợp tác lâu dài cùng MXV trong thời gian tới.

Sở Giao dịch hàng hóa đúng tiêu chuẩn quốc tế

Bên cạnh hình thức giao dịch điện tử, giao nhận hàng hóa là một phần không thể thiếu trong mô hình hoạt động của bất kỳ Sở Giao dịch giao dịch hàng hóa nào. Chia sẻ trong buổi làm việc với Bộ Công Thương vào tháng 08/2022, đại diện CME Group cho biết các Sở Giao dịch lớn trên thế giới đều có chức năng giao nhận hàng vật chất. Mặc dù trên thực tế, tỉ trọng của hàng hóa được giao nhận thông qua các Sở Giao dịch chỉ chiếm ít hơn 1% tổng khối lượng giao dịch điện tử; nhưng đây vẫn là nghiệp vụ quan trọng, đảm bảo sự liền mạch trong hoạt động giao dịch hàng hóa.

Đối với một quốc gia có thế mạnh về xuất nhập khẩu nhiều loại hàng hóa nguyên liệu quan trọng như Việt Nam, vai trò của nghiệp vụ giao nhận hàng hóa lại càng được đề cao hơn nữa. Sau một thời gian dài thương mại và hợp tác tích cực với các đối tác quốc tế, tàu ngô nhập khẩu đầu tiên của MXV đã cập Cảng Quảng Ninh vào tháng 11/2022. Sự kiện này đã đánh dấu bước chuyển mình, giúp MXV trở thành Sở Giao dịch hàng hóa đúng tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại cà phê đã nhận được sự đánh giá cao của Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước, góp phần vào dòng chảy thương mại cà phê của Việt Nam trong năm qua.

Tiếp đà phát triển và những mục tiêu lớn trong năm 2023

Kể từ sau Nghị định 51/2018/NĐ-CP, thị trường giao dịch hàng hóa đã được cởi trói và có các bước phát triển đáng khích lệ, được ghi nhận bởi các Cơ quan quản lý nhà nước; các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước; và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, theo quá trình phát triển của thị trường Việt Nam, cùng với những biến đổi không ngừng của thị trường thế giới, MXV đã đề xuất Bộ Công Thương sớm tham mưu sửa đổi Nghị định 51/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động của Sở Giao dịch Hàng hóa. “Đây sẽ là tiền đề giúp thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển ổn định và bền vững, giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ giao dịch hàng hóa thế giới”, ông Đặng Việt Hưng khẳng định.

Bên cạnh việc hoàn thiện khung hành lang pháp lý, liên tục nâng cấp và cải tiến hệ thống giao dịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MXV trong năm 2023. MXV sẽ sớm triển khai giao dịch các hợp đồng Quyền chọn, công cụ tối ưu cho nghiệp vụ bảo hiểm giá đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên toàn thế giới. MXV đang nghiên cứu niêm yết các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu, điều,… Với các sản phẩm này, ngành nông sản Việt Nam sẽ tránh được câu chuyện “được mùa – mất giá” vốn đã tồn tại hàng chục năm nay.

Giao dịch hàng hóa đột phá thành công trong năm 2022
CME Group làm việc với Bộ Công Thương và MXV

Ngoài ra, nghiệp vụ giao nhận hàng hóa sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và mở rộng đối với các sản phẩm thế mạnh của nước ta như xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, điều; nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi,… Hiện nay, MXV đang làm việc và phối hợp tích cực với các đối tác quốc tế, các cảng biển và các doanh nghiệp logistics để xây dựng kênh thương mại hàng hóa hiệu quả cho thị trường trong nước. Dự kiến đến cuối năm 2023, khối lượng hàng hóa giao nhận thông qua MXV sẽ tăng trưởng từ 2 – 3 lần so với năm 2022 và trở thành một kênh thương mại uy tín, quy mô đối với thị trường trong nước.

Với lịch sử hơn 12 năm hình thành và phát triển, MXV đã và đang là đầu tàu của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Tăng cường hợp tác quốc tế toàn diện trên nhiều lĩnh vực: giao dịch, công nghệ thông tin, đào tạo, truyền thông,…sẽ giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ giao dịch hàng hóa thế giới, góp phần vào quá trình hội nhập kinh tế của đất nước.

 Nguồn: Báo Công Thương