Bạn đang ở đây

Những vấn đề cần quan tâm trong điều hành thị trường giá cả năm 2023

31/01/2023 09:15:56

Chúng ta vừa đi qua 1 cái Tết bình yên về mọi mặt cả về dịch bệnh và cả giá cả tiêu dùng ở thị trường nội địa.

Thành công này không phải tự dưng mà có, đó là có 1 sự chuẩn bị chu đáo công phu khoa học mang tính dự báo cho công tác phục vụ Tết Quý Mão 2023. Hàng hoá đa dạng, phong phú, giá cả tương đối hợp lý, những đột biến về giá cả ở một số thời điểm, một số mặt hàng chỉ là cá biệt hoặc theo quy luật mua sắm của người dân trong dịp Tết.

Những tín hiệu đáng mừng của dịp phục vụ Tết sẽ góp phần làm cho CPI quý I năm 2023 sẽ diễn biến hợp lý và êm dịu hơn. Theo chỉ đạo của Chính phủ về điều hành giá của năm 2023 đã nêu rõ các địa phương phải đảm bảo việc cân đối cung cầu, không để xảy ra những thiếu hụt cục bộ nhất là các mặt hàng thiết yếu như vật tư, xăng dầu, lương thực thực phẩm. Tăng cường kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại chống tăng giá đột biến một cách vô lí. Kết nối các chuỗi cung ứng nhất là hàng nông sản thực phẩm, đảm bảo có cơ số dự trữ hợp lí từng thời điểm, địa bàn, …

Phản ứng nhanh nhạy, điều hành giá hiệu quả trong năm 2023 | Thị trường |  Vietnam+ (VietnamPlus)
Ảnh minh họa

Việc điều hành giá cả thị trường năm 2023 cũng gặp một số khó khăn bên ngoài như: Tính hình địa chính trị thế giới phức tạp, biến động khó lường. Lạm phát ở nhiều nước còn cao, sự khan hiếm của các mặt hàng lương thực thực phẩm xăng dầu chất đốt còn kéo dài, các chuỗi cung ứng hàng hoá chưa được nối lại hoàn toàn. Ở trong nước sức mua nội địa tuy có được cải thiện song doanh số bán lẻ đạt được trong năm 2022 chỉ bằng 81% của năm 2021. Thu nhập việc làm của một bộ phận không nhỏ người lao động còn gặp khó khăn ngay từ cuối năm 2022. Hệ thống phân phối cần phải có nhiều khắc phục hơn nữa để đảm bảo đầu ra cho hàng hoá Việt Nam nhất là hàng nông sản thực phẩm, như giảm đồi mối trung gian, độc quyền trong mua bán hàng hoá, …

Vẫn còn các áp lực tăng giá trong nước đó là: Giá một số hàng hoá do nhà nước định giá vài năm nay chưa được điều chính tăng. Mặt bằng lãi suất vay của doanh nghiệp thực tế còn cao nhất là của các doanh nghiệp trong nước, chi phí sản xuất vận chuyển vẫn đang ở mức cao cần phải tiết giảm hơn. Các chi phí cho sản xuất kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp do các thủ tục hành chính chưa được cải tiến đúng mức còn gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Từ những khó khăn bên ngoài và ở trong nước đòi hỏi cần có sự chỉ đạo sát sao quyết liệt hơn của Chính phủ, các bộ, ngành và sự nỗ lực chủ quan, sáng tạo của các doanh nghiệp. Cần lấy hiệu quả của doanh nghiệp để làm mục tiêu hỗ trợ và phục vụ. Tăng cường việc chủ động mở rộng hạch toán kinh tế, tự chủ kinh doanh, giảm bao biện làm thay, quản lý theo kiểu hành chính đối với doanh nghiệp, từng bước sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Làm được những vấn đề trên thì mục tiêu CPI 4,5% đề ra trong năm nay có nhiều khả năng đạt được góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội trong năm 2023. Làm tiền đề cho sự phát triển nhanh và vững chắc hơn trong những năm tiếp theo.

Nguồn: Báo Công Thương

Tin liên quan