Bạn đang ở đây

Yên Bái đẩy mạnh tái đàn góp phần bình ổn giá thịt lợn

13/04/2020 09:14:01

YênBái - Sức nóng giá thịt lợn chưa hạ nhiệt ngay cả khi các doanh nghiệp lớn của ngành chăn nuôi trong nước đã hạ giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt nguồn vì hậu quả của bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP). Do đó, giải pháp căn cơ để hạ giá lợn hơi là tập trung tăng đàn, tái đàn.

Giá thịt lợn tại các chợ ở thành phố Yên Bái vẫn ở mức 140-170 nghìn đồng/kg.

Giá thịt lợn tại các chợ ở thành phố Yên Bái vẫn ở mức 140-170 nghìn đồng/kg.

 

Giá vẫn quá cao!

 

Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi hạ giá lợn hơi nhằm bình ổn thị trường. Thực hiện đúng cam kết, một số doanh nghiệp lớn trong chăn nuôi cả nước như: CP, CJ Vina, Dabaco, Japfa Comfeed, Emivest... đã hạ giá bán lợn hơi xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4. Tuy nhiên, giá lợn hơi ở Yên Bái vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi. 

 

Theo khảo sát, giá vẫn duy trì ở mức phổ biến 79.000-80.000 đồng/kg. Ông Phạm Thái-thương lái ở thành phố Yên Bái cho biết: "Giá lợn đã hạ nhưng không đáng kể. Hiện, tôi vẫn mua với giá lợn hơi xấp xỉ 80.000 đồng/kg”. 

 

Giá lợn cao, khiến giá lợn thành phẩm cũng duy trì ở mức cao. Khảo sát tại các chợ ở thành phố Yên Bái ngày 8/4, giá lợn thành phẩm vẫn trung bình từ 130.000-150.000 đồng/kg và sức mua cũng giảm. 

 

Chị Hoàng Thị Kim Hiền- tiểu thương ở chợ phường Minh Tân cho biết: "Mặc dù Chính phủ đã yêu cầu hạ giá xuống 70.000 đồng/kg; tuy nhiên, giá lợn hơi trong dân vẫn 80.000 đồng/kg. Chúng tôi mong giá lợn xuống thấp, chứ giá thịt vẫn duy trì ở mức 140.000 đồng/kg thì ế lắm vì người dân lựa chọn gà, cá, các thực phẩm khác thay thế”. 

 

Giá lợn neo quá cao và quá lâu khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc. Chị Bùi Thị Kim Thu, ở phường Minh Tân cho biết: "Trong bối cảnh BDTLCP bùng phát, lợn khan hiếm và đẩy giá lên cao đã đành. Hiện, dịch bệnh đã được khống chế, người dân đã tái đàn; trong khi đó, cả nước đang chung tay phòng chống dịch bệnh, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng mà giá lợn vẫn duy trì ở mức quá cao là điều khó có thể chấp nhận”.  

 

Giải pháp căn cơ vẫn là tái đàn

 

Lý giải về giá lợn ở mức cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, do tác động của BDTLCP khiến nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Năm 2019, BDTLCP xuất hiện ở 124 xã, phường có dịch với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 28.044 con, tương đương với 1.262 tấn. Tuy nhiên, nguồn cung khan hiếm chủ yếu là những hộ chăn nuôi nhỏ đã xuất bán nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh không tái đàn dẫn đến cung-cầu mất cân đối. 

 

Cùng đó, thời gian qua, mặc dù các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước đã hạ giá xuống 70.000 đồng/kg nhưng mức giá này chỉ tồn tại ở các doanh nghiệp lớn có chuỗi cung ứng khép kín, còn tiểu thương khó tiếp cận được nên vẫn phải mua lợn trong dân với giá cao. 

 

Hiện, toàn tỉnh có 16 trang trại chăn nuôi theo phương thức áp dụng công nghệ cao; trong đó, có nhiều trang trại chăn nuôi gia công cho Công ty CJ Vina, Mavin, Jafa Comfeed với tổng số lợn hiện có là 38.673 con, chiếm 10% tổng đàn; trong đó, số lợn nái là 6.486 con, lợn đực giống là 24 con, lợn con theo mẹ là 13.345 con, lợn thịt là 18.818 con. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn chủ yếu xuất ra ngoài tỉnh. 

 

Tính riêng 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã xuất khoảng 7.000 con lợn thịt ra ngoài tỉnh. Cùng đó, giá từ chuồng nuôi đến tay người tiêu dùng qua các khâu trung gian, khiến giá thành vẫn ở mức cao nên người tiêu dùng chưa được hưởng lợi. Một người bán thịt lợn bày tỏ: thịt lợn móc hàm vẫn phải mua với giá 110.000-115.000 đồng/kg. Lấy hàng giá cao như vậy, nên những người bán lẻ phải bán giá 140.000 đồng/kg mới có thể bù đắp mọi chi phí. 

 

Trước giá lợn như hiện nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có biện pháp mạnh hơn nữa để đưa giá lợn xuống thấp. Bởi vì, theo tính toán của ngành chăn nuôi, dù ảnh hưởng của BDTLCP chi phí sản xuất có cao hơn nhưng giá thành chăn nuôi hiện nay cũng chỉ từ 40.000-45.000 đồng/kg. 

 

Với giá này, chỉ cần bán với giá 70.000 đồng/kg thì các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi đã lãi từ 2,5-3 triệu đồng/con; do đó, dư địa giảm giá còn rất lớn. 

 

Để bình ổn giá thịt lợn-một trong những giải pháp căn cơ là các địa phương cần đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn theo hướng an toàn sinh học. Hiện, BDTLCP đã được khống chế và Yên Bái là một trong những địa phương có tốc độ tái đàn khá tốt. 

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tổng đàn lợn của tỉnh là 435.688 con, bằng 86% so với trước khi có BDTLCP. 

 

Tuy nhiên, việc tái đàn vẫn chủ yếu nằm ở các trang trại, doanh nghiệp, công ty chăn nuôi lớn, còn tái đàn trong dân vẫn rất chậm do tâm lý e dè sợ dịch bệnh, thiếu vốn đầu tư. Cùng đó, lợn giống khan hiếm và giá cao ở mức từ 2,2-2,5 triệu đồng với trọng lượng 7kg. 
Nguồn: Báo Yên Bái

Tin liên quan