Bạn đang ở đây

Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên: Người bạn của nhà nông

08/08/2019 09:26:35
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên hướng dẫn người dân cách chăn nuôi lợn.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên hướng dẫn người dân cách chăn nuôi lợn.

 

Thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8/2018, với nhiệm vụ hướng dẫn trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, khuyến nông… thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp (viết tắt là Trung tâm) huyện Văn Yên đã triển khai thực hiện nhiều chương trình phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

 

Hàng năm, Trung tâm đã bám sát sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động hàng tháng như: chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân, vụ mùa; tham gia các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: trồng rau an toàn, thâm canh các giống lúa, ngô mới, chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác. 

 

Qua đó, năm 2018, Trung tâm phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức 294 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật (KHKT) cho 13.645 lượt người và 2.219 nhóm hộ với 17.600 lượt người tham gia; trong 7 tháng năm 2019, mở 122 lớp và 1.453 nhóm hộ cho 18.777 lượt người tham gia. 

 

Nội dung tập huấn gồm: phòng trừ các loại sâu bệnh thường gặp trên lúa; kỹ thuật trồng ngô trên đất 2 vụ lúa; kỹ thuật nuôi cá lồng…; đặc biệt, thời gian gần đây là kỹ thuật phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

 

Bà Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Là những người làm kỹ thuật, cán bộ của Trung tâm luôn bám sát mục tiêu, phương hướng trong sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh, huyện. Khi đến cơ sở, cán bộ Trung tâm cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người dân, tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật trong phát triển cây trồng, vật nuôi để người dân lựa chọn, xác định phương thức phát triển kinh tế có hiệu quả cao, an toàn, bền vững”. 

 

Điểm nổi bật trong hoạt động của Trung tâm thời gian gần đây là đã xây dựng các mô hình trình diễn được đánh giá cao, đưa vào áp dụng tại nhiều địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân như: phối hợp với Nhà máy Sắn Văn Yên thực hiện Đề án bón phân hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ của nhà máy với chế phẩm men vi sinh Emic bón cho cây sắn với diện tích 410 ha tại 6 xã: An Bình, Đông Cuông, Quang Minh, Mậu Đông, Lâm Giang và Châu Quế Thượng. 

 

Qua việc sử dụng phân, cây sắn sinh trưởng và phát triển tốt, tạo độ tơi xốp cho đất, năng suất trung bình đạt 35 đến 40 tấn/ha. Hoặc như đề án trồng giống sắn BK quy mô 10 ha tại 5 xã: Quang Minh, Đông Cuông, An Bình, Châu Quế Thượng và Lâm Giang, sắn phát triển tốt, năng suất đạt 50 đến 60 tấn/ha; triển khai đề án khoa học ứng dụng trồng giống táo TAO 05 với diện tích 2 ha tại 4 xã: Tân Hợp, Mậu A, Đông An, Đông Cuông từ tháng 3 năm 2017 với 800 cây. 

 

Đến nay, 100% diện tích táo đều sinh trưởng và phát triển tốt và đang cho thu hoạch, năng suất ước đạt 12 tấn/ha với giá bán ra thị trường bình quân đạt 25.000 đồng/kg, giá trị kinh tế đạt 300 triệu đồng/ha/năm…

 

Với các hoạt động chuyển giao KHKT, nhân rộng các mô hình trình diễn mang lại hiệu quả kinh tế vào thực tiễn sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng trên diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho người dân. 

 

Thời gian tới, Trung tâm mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của huyện và các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương trong việc tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí để triển khai các chương trình dự án, nhất là việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

 

Nguồn: báo Yên Bái

Tin liên quan