Bạn đang ở đây

Vốn cho phát triển điện năng

10/09/2011 17:25:00
Vì vậy, nhu cầu vốn đầu tư của EVN trong giai đoạn này rất lớn, khoảng từ 70 nghìn đến 90 nghìn tỷ đồng/năm. Ðiều này đặt ra cho EVN rất nhiều khó khăn trong việc huy động đủ nguồn vốn phát triển điện năng.
 
Nhu cầu lớn, thách thức nhiều
 
Trong số 39 dự án nguồn điện do EVN đảm nhiệm, đã có 18 dự án (9.770 MW) được khởi công và đang triển khai xây dựng, 14 dự án (11.920 MW) dự kiến sẽ khởi công trong giai đoạn 2011-2015 (trong đó có dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 hơn 2.000 MW) và bảy dự án EVN đang triển khai các thủ tục đầu tư và tiến hành khởi công sau năm 2015. Giai đoạn 2011-2015, EVN dự kiến sẽ đưa vào vận hành 44 công trình lưới truyền tải điện (LTTÐ) 500 kV và 212 công trình LTTÐ 220 kV. Tổng vốn đầu tư ước thực hiện giai đoạn này của EVN khoảng 552.919 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư thuần là 414.491 tỷ đồng. Phó Tổng Giám đốc EVN Ðinh Quang Tri cho biết: Nhu cầu vốn đầu tư của EVN giai đoạn 2011-2015 rất lớn, mỗi năm cần khoảng từ 70 đến 90 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn tự có của EVN (vốn kế hoạch cơ bản, vốn thu cổ phần hóa) bị thiếu hụt, chỉ đủ để trả nợ gốc vay đến hạn. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII), trong đó quy mô, tiến độ các dự án nguồn và lưới điện có ít nhiều thay đổi so với Quy hoạch điện VI. Vì vậy, thời gian tới, EVN sẽ hiệu chỉnh kế hoạch đầu tư theo phê duyệt.
 
Vốn cho các dự án mới đã khó khăn, vốn cho một số dự án trọng điểm đang triển khai cũng gặp khó khăn không kém. Ðiển hình là Công trình thủy điện (CTTÐ) Lai Châu (công suất 1.200 MW). Một số hạng mục xây lắp của CTTÐ Lai Châu đang bị chậm tiến độ do thiếu vốn. Trưởng Ban quản lý Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La (kiêm Dự án thủy điện Lai Châu) Nguyễn Hồng Hà cho biết: Từ đầu năm đến nay, EVN chỉ mới lo được hơn 400 tỷ đồng, trong khi từ nay đến cuối năm, nếu muốn bảo đảm tiến độ phải cần thêm khoảng 2.000 tỷ đồng mới đủ để hoàn thành các hạng mục phục vụ ngăn sông Ðà vào cuối tháng 2-2012. Nhiều công trình khác đang triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn trong huy động vốn. Ngay các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải, mặc dù đã khởi công nhưng EVN cũng đang "chạy ngược chạy xuôi" để tìm đủ nguồn vốn đối ứng 15% các dự án.
 
Trong bối cảnh chung hiện nay, mặc dù đang rất cần đẩy mạnh đầu tư để phát triển, song, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên kiểm tra, rà soát đầu tư của từng đơn vị, xác định các dự án, công trình, hạng mục công trình có thể đình hoãn hoặc dãn tiến độ trong năm 2011. Tổng hợp chung kết quả kiểm tra, rà soát điều chỉnh vốn kế hoạch đầu tư năm 2011, toàn EVN cắt, giảm vốn cấp theo kế hoạch tổng cộng 12.572 tỷ đồng. Các dự án nguồn điện đều phải duy trì tiến độ theo kế hoạch, không thể dừng hoặc dãn tiến độ, nếu không sẽ ảnh hưởng tới việc cung cấp điện cho các năm sau. Tuy nhiên, EVN đã rà soát, kiểm tra 34 dự án nguồn điện, lọc ra các hạng mục công trình không thuộc đường găng, dãn tiến độ xây dựng các hạng mục này trong năm 2011 mà không ảnh hưởng lớn tới thời hạn đưa nhà máy, tổ máy vào vận hành.
 
Việc cho vay vốn phát triển nguồn điện gặp nhiều khó khăn còn do quy mô các dự án năng lượng nói chung và điện năng nói riêng rất lớn, lên tới hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD, nằm ngoài khả năng đáp ứng, cân đối vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước. Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tổng dư nợ đối với ngành năng lượng gần 23 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào ngành điện (16 nghìn tỷ đồng). Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) có tổng dư nợ đối với lĩnh vực năng lượng lên tới 33 nghìn tỷ đồng. Mặc dù cả ngân hàng và chủ đầu tư đã có nhiều giải pháp như nhiều ngân hàng cùng tham gia tài trợ một dự án, chia một dự án lớn thành nhiều dự án nhỏ, nhưng trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn tài trợ cho các dự án điện với mức cao như trên. Hơn nữa, thời gian thực hiện một dự án kéo dài ít nhất hai đến ba năm xây dựng và nhiều năm khai thác sau đó, thời hạn vay vốn của các dự án năng lượng nói chung là 5 năm. Trong tình hình huy động vốn dài hạn ngày càng khó khăn, các tổ chức tín dụng đều ưu tiên tài trợ vốn ngắn hạn, giảm tỷ trọng cho vay dài hạn trên tổng dư nợ. Việc giới hạn cho vay đối với một khách hàng/dự án, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được phép cho vay cao nhất 15% vốn tự có đối với mỗi doanh nghiệp, đồng thời chỉ được phép sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn không quá 30%. Ðiều này ảnh hưởng việc huy động nguồn vốn của các NHTM cho dự án.
 
Nỗ lực tìm nguồn vốn
 
Nguồn vốn cho đầu tư mới của EVN chủ yếu là các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Nguồn vốn tín dụng trong nước được vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước. Nguồn vốn vay VDB có lãi suất ưu đãi dùng để thanh toán các khoản đền bù di dân, tái định cư và chế tạo thiết bị cơ khí thủy công trong nước. Khoản vay này có thời hạn từ bảy đến 12 năm tùy dự án. Lãi suất vay cố định, dao động trong khoảng từ 7% đến 11,4%/năm tùy thuộc thời điểm ký hợp đồng vay vốn, trong đó lãi suất từ 9% đến 11,4 %/năm chiếm tỷ trọng lớn. Tổng hạn mức nguồn vay này cho các dự án đang đầu tư của EVN là 31.042 tỷ đồng. Phó Tổng Giám đốc Ðinh Quang Tri cũng cho biết: Nguồn vốn tín dụng vay từ các NHTM trong nước dùng để thanh toán giá trị xây lắp, thiết bị và các chi phí khác của dự án. Các khoản vay dài hạn có thời hạn từ 10 đến 15 năm tuỳ theo từng dự án. Tổng hạn mức vay của khoản vay này tương đương  60.719 tỷ đồng. Các khoản vay nước ngoài bao gồm vay ODA và vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ. Khoản vay này chủ yếu dùng để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu vật tư thiết bị và hợp đồng EPC nguồn điện. Ðối với các khoản vay ODA của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì nhà tài trợ yêu cầu EVN phải vay lại của Chính phủ theo điều kiện vay thương mại theo từng thời điểm vay. Riêng khoản vay ODA có thời hạn vay từ 15 đến 25 năm. Tổng hạn mức của khoản vay này tương đương 114.899 tỷ đồng.
 
Ðể bảo đảm đủ nguồn vốn đầu tư, ngoài hai hình thức trên, từ năm 2005 đến nay, EVN đã phát hành 15.200 tỷ đồng trái phiếu, trong đó 13.200 tỷ đồng thời hạn 5 năm và 2.000 tỷ đồng thời hạn 10 năm. Lãi suất trái phiếu có thể cố định hoặc thả nổi (bằng lãi suất tiết kiệm tiền VNÐ 12 tháng cộng với chi phí biên từ 1,1% đến 3,3% tùy theo từng thời điểm phát hành).
 
EVN đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành: Ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án điện của EVN: Ðối với một số công trình trọng điểm, tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án thủy điện Sơn La-Lai Châu mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Vốn phải được ưu tiên số một cho hai dự án trọng điểm này. Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải tìm mọi cách bảo đảm đủ vốn cho thi công CTTÐ Lai Châu. Ðến nay, EVN vừa mới ký với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thỏa thuận vay khoảng 4.600 tỷ đồng phục vụ di dân, tái định cư và chế tạo thiết bị thủy công. EVN cũng đang khẩn trương làm việc với Quỹ Bảo hiểm xã hội để vay thêm khoảng 6.000 tỷ đồng cho công trình này. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thủ tục bảo lãnh các hợp đồng vay vốn của EVN trong Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1; EVN thực hiện ký hợp đồng EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 để thực hiện thu xếp vốn và các bước chuẩn bị đầu tư tiếp theo, sớm khởi công công trình.
 
Trong các hội nghị gần đây bàn giải pháp thúc đẩy huy động vốn cho các dự án năng lượng, nhất là công trình điện, các NHTM đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các chủ đầu tư huy động các nguồn vốn đầu tư có lãi suất thấp, thời gian vay vốn dài như vốn vay nước ngoài, ODA, phát hành cổ phiếu, trái phiếu công trình, kêu gọi đầu tư trực tiếp từ các thành phần kinh tế khác; có những cơ chế đặc thù cho các NHTM trong nước khi tham gia thu xếp vốn và dự án như bảo lãnh các khoản vay trong và ngoài nước, sử dụng trước nguồn vốn đầu tư của VDB. Họ cũng cho rằng, cần có sự liên kết giữa chủ đầu tư các dự án điện, hiệp hội chuyên ngành, các cơ quan quản lý nhà nước để có thể đưa ra hệ thống tiêu chí đánh giá, công bố, xếp hạng các dự án điện về mặt hiệu quả kinh tế, tác động môi trường, xã hội phù hợp định hướng phát triển của đất nước, hạn chế đầu tư dàn trải.
 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần hỗ trợ các NHTM trong nước về nguồn vốn thông qua việc cho vay tái cấp vốn với thời hạn dài, lãi suất hợp lý; đề xuất Chính phủ có các cơ chế hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất, điều kiện tín dụng, bảo đảm tiền vay... cho các dự án trọng điểm quốc gia khi vay vốn tín dụng thương mại và các NHTM trong nước đang cho vay các dự án; sớm giải quyết đề nghị của các NHTM về việc cho vay vượt 15% vốn tự có khi tham gia đầu tư các dự án điện trọng điểm; hỗ trợ các dự án điện có quy mô lớn về nguồn ngoại tệ, trong thanh toán và trả nợ vốn vay bằng ngoại tệ.
 
Một số chuyên gia trong lĩnh vực điện cũng cho rằng, EVN cần đa dạng nguồn vốn vay; tận dụng các nguồn vốn vay của WB, ADB và nhiều nước,  chứ không nên hầu như chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn của một đối tác nước ngoài như hiện nay. Theo Quy hoạch điện VII mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một số giải pháp tạo nguồn vốn phát triển ngành điện được nhấn mạnh là: Tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện, áp dụng chuyển tiết kiệm trong nước thành vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trong giai đoạn đầu, Nhà nước bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các dự án trọng điểm cấp bách; thực hiện liên doanh trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tham gia xây dựng phát triển các dự án điện; tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện, ưu tiên các dự án FDI có thể thanh toán bằng tiền trong nước hoặc thanh toán bằng đổi hàng và không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ; tăng cường thu hút các nguồn vốn ODA ưu đãi, không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài...
 
Theo Nhân dân

Tin liên quan