Bạn đang ở đây

Việt Nam- Haiti: Hợp tác về thương mại và đầu tư

23/07/2013 09:30:21

Đây chính là khuôn khổ quan trọng có giá trị thực tiễn giúp hai bên tăng cường hơn nữa hợp tác ở mọi mặt.

Lễ Ký kết hiệp định khung về đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Haiti

Lễ Ký kết hiệp định khung về đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Haiti

CôngThương - Từ năm 2012 trở về trước, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Haiti còn khiêm tốn và Việt Nam luôn là nước nhập siêu.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 đến 19/12/2012 của Thủ tướng Haiti Laurent Salvador Lamothe đã trở thành sự kiện quan trọng trong việc phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Tại chuyến thăm nay, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế- Tài chính Haiti đã ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo. Theo đó phía  Haiti cam kết mua từ 250.000 đến 300.000 tấn gạo hàng năm. Nhờ đó, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã ký kết và thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo với Tổ chức Lưu thông tiền tệ và tài trợ phát triển- BMPAD (thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Haiti). Đến tháng 4/2013, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã thực hiện hai hợp đồng giao hàng.

Vào tháng 4/2013, Đoàn cấp Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đã thăm và làm việc tại Haiti. “Chính những sự kiện quan trọng trên thúc đẩy quan hệ của Việt Nam và Haiti có những bước phát triển mạnh mẽ và thực chất trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, chăn nuôi trồng trọt, nghiên cứu hợp tác đầu tư trong lĩnh vực may mặc, gia công.”- Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại buổi hội đàm với Bộ trưởng Công Thương Haiti.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi hội đàm

Kết quả đạt được, 5 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Haiti đã tăng mạnh 355% so với cùng kỳ năm 2012.

Với việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc đầy đủ, hiệu quả Bản ghi nhớ về thương mại gạo Việt Nam- Haiti, đặc biệt là cung cấp một số dòng sản phẩm làm từ gạo có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, Bộ trưởng Wilson Laleau đánh giá cao việc hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, nâng cao sản phẩm gạo của Việt Nam cho Haiti và hoàn toàn phù hợp với mong muốn của Haiti.

Sau trận động đất vào năm 2010, Haiti đang tiến hành công cuộc tái thiết, các trụ sở, công sở ở Haiti bị phá hủy, vì vậy trong thời gian tới phải xây nhiều công trình hạ tầng. Bộ trưởng Wilson Laleau cho biết: “Hiện nay, chúng tôi có nhu cầu phát triển hệ thống đường cao tốc, cảng biển. Hiện 43% các tàu, thuyền thương mại quốc tế cách bờ biển Haiti 10km, có lợi thế so sánh lớn vì nằm ở khu vực Trung Mỹ, cách Mỹ 1,5 gi bằng máy bay, rất gần Canada, ngoài ra năm 2013, kênh Panama được khơi thông. Đây là cơ hội lớn nếu tàu của châu Á vận chuyển lượng hàng lớn đến Haiti, nếu Haiti có cảng biển, cơ sở hạ tầng tốt sẽ đón nhiều hàng hóa từ các nước Châu Á, đặc biệt là hàng Việt Nam".

Bộ trưởng Công Thương kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Haiti Wilson Laleau

"Vì vậy, chúng tôi mong muốn thành lập liên doanh giữa Việt Nam- Haiti đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng, đầu tư trong chuỗi phân phối, làm thế nào để giới thiệu, phân phối hàng hóa Việt Nam tại Haiti"- Bộ trưởng Wilson Laleau nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam tiếp tục triển khai xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng, sản xuất công nghiệp dưới nhiều hình thức đa dạng và mong Haiti tạo dựng cơ chế pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tham gia hợp tác đầu tư. Cụ thể, sau ký kết Hiệp định thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Haiti, Việt Nam sớm cử đoàn sang làm việc tại Haiti bao gồm các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, ngành công nghiệp năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp xây dựng, công nghiệp chế biến.

“Việt Nam khẳng định quyết tâm, mong muốn thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước, sớm tổ chức và triển khai các nội dung cụ thể đi vào hiện thực để đem lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân cả hai nước”- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Kết thúc đàm phán, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Công Thương Haiti đã ký kết Hiệp định khung về đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Haiti. Đây là khung pháp lý giúp hai bên tăng cường hơn nữa hợp tác trong mọi mặt, trong đó có việc thành lập và triển khai Ủy ban Hỗn hợp là kênh trao đổi thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp hai nước.

Theo Bao Cong Thuong

 

Tin liên quan