Bạn đang ở đây

Tường thuật trực tuyến Diễn đàn: Các giải pháp hỗ trợ Doanh nghiệp 2014

07/01/2014 10:51:51

Tại chương trình, các diễn ra sẽ trình bày những tham luận cụ thể như: Động thái doanh nghiệp 2013 và dự cảm 2014; Cơ hội kinh doanh nhìn từ kinh tế 2014: Tư duy và hành động; Những khó khăn, thách thức mà Doanh nghiệp đang và sẽ trải qua; Những chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp trong thời gian tới; Kinh tế thế giới 2013 - 2014: Những điểm cần lưu ý trong quản trị tài chính doanh nghiệp.

Cũng tại Diễn đàn, Ban tổ chức sẽ công bố Danh sách đánh giá năng lực hoạt động tài chính Doanh nghiệp 2013 nằm trong khuôn khổ chương trình “Đánh giá năng lực hoạt động doanh nghiệp thường niên – Chủ đề 2013: Năng lực tài chính”. Chương trình lựa chọn từ hơn 2.000 báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đại chúng đã kiểm toán và công bố trên các sàn niêm yết. Qua đó, gần 500 doanh nghiệp thông các phương pháp đánh giá, phân tích các chỉ số hoạt động tài chính đã được chọn lựa để đánh giá và xếp hạng năng lực hoạt động tài chính.

Chương trình được tường thuật trực tuyến trên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp Online tại địa chỉ:www.dddn.com.vn.

Đúng 9h00 chương trình bắt đầu.

Tham dự chương trình có bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI; PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp thuộc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; Bà Phan Việt Nga – Phó Chủ tịch chuyên trách kiêm tổng thư ký Hội các nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam; Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Về phía diễn giả có TS Võ Trí Thành - Phó Viện Trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Trọng Hiệu - Cục phó Cục phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Nguyễn Đại Lai – Chuyên gia kinh tế; Ông Doãn Thắng - Tổng Thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Hạnh Phúc - Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp Bộ phận vốn và tiền tệ HSBC Việt Nam.

 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI cho biết:  Trong tháng 11 – 12/2013, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành khảo sát nhanh động thái doanh nghiệp Việt Nam năm trên quy mô toàn quốc để đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2013 và dự cảm cho năm 2014. Đây là lần thứ 7, VCCI công bố chỉ số này.

 


Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI phát biểu khai mạc

Kết quả cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của DN năm 2013 có dấu hiệu được cải thiện. Chỉ số động thái tổng hợp của tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh thực thấy năm 2013 cao hơn nhiều so với cuối năm 2012. Doanh số bán hàng có sự đột biến mạnh, cùng với đó là sự cải thiện năng suất lao động. Tổng doanh số năm 2013 có xu hướng được cải thiện so với năm 2012, tuy nhiên mức cải thiện chưa đáng kể. Trong khi đó, giá bán bình quân năm 2013 giảm so với năm 2012. 

Một điểm đáng chú ý khác là số lượng nhân công tại các DN trong năm 2013 đã giảm so với năm 2012. Trong đó, nguyên nhân chính là do kinh tế khó khăn, tình trạng đình đốn sản xuất dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động ở một số ngành giảm. Tương tự, tiếp cận vốn vay năm 2013 khó hơn năm 2012. Mặc dù lãi suất mặc dù đã giảm từ 2%-3% so với cuối năm 2012, nhưng vẫn ở cao so với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng vấp phải rào cản về thủ tục vay vốn và các điều kiện được vay vốn làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp...

Bà Hằng cho biết: Trong năm 2014, hầu hết các doanh nghiệp dự cảm rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc hơn. Cụ thể: Giá bán bình quân được các doanh nghiệp dự cảm trong năm 2014 sẽ có xu hướng tăng lên so với năm 2013. Doanh nghiệp dự cảm lợi nhuận bình quân tiếp tục giảm vào năm 2014, mặc dù xu thế giảm này được dự đoán là ở tốc độ chậm hơn.

 

Hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị cũng được đánh giá là sẽ tốt hơn rất nhiều so với năm 2013. Một trong những nguyên nhân doanh nghiệp dự cảm sự cải thiện này có thể là do trong thời gian qua các doanh nghiệp đã đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nên doanh nghiệp dự đoán rằng mọi nguồn lực trong doanh nghiệp sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.

Các doanh nghiệp dự cảm số lượng công nhân viên sẽ tăng lên trong năm 2014. Sự lạc quan trong những dự cảm về tuyển dụng lao động cho thấy các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào những điều kiện kinh doanh tốt hơn, cố sức để cùng xã hội giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Tương tự, các doanh nghiệp dự cảm vào năm 2014 lượng đơn đặt hàng sẽ tăng lên so với năm 2013.

Các yếu tố về tiếp cận thông tin thị trường công nghệ, điều kiện hạ tầng tiện ích và điều kiện giao thông được cải thiện vào năm 2013 và tiếp tục được doanh nghiệp dự cảm cải thiện trong năm tới.

Đề cập về nội dung Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 -2020, phần lớn các doanh nghiệp (64,6%) đã nhận thức được việc tăng giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh sản phẩm là những mục tiêu quan trọng trong chiến lược. Tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá bán một đơn vị sản phẩm tại doanh nghiệp thuộc diện khảo sát ước trung bình là 19,5%. Chỉ số này dao động, thấp nhất là 0,05% và cao nhất là 85%.

Trong phần trình bày của mình, TS.Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết thế giới hiện đang phục hồi rất chậm. Theo dự báo đến năm 2017, tăng trưởng thế giới sẽ ở khoảng 5,2%. Đằng sau sự phục hồi chậm chạm ấy là rủi ro rất lớn, tính bất định cao. Các rủi ro ấy đang dịch chuyển sang các nước mới nổi như Ấn Độ, Malaysia… Với tất cả những khó khăn ấy, hiện nay thế giới đang phải nỗ lực cải cách.

 


TS.Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

 

Tại Việt Nam, đầu cơ vẫn phải tính đến trong giai đoạn ngắn hạn khi thị trường còn rất rủi ro và méo mó. Chính phủ dù không thể còn gói kích cầu như 2009, thì vẫn đang tìm mọi cách hỗ trợ doanh nghiệp, dù nhỏ, dù lớn. Và, với bản thân từng doanh nghiệp, trong khi “chơi” với ngắn hạn, phải biết nắm bắt xu thế thế giới nói chung và trong nước nói riêng đang diễn ra.

Trong hai năm qua (2012, 2013) doanh nghiệp rất khó khăn, do chúng ta chuyển từ chính sách tiền tệ sang chính sách thắt chặt tiền tệ. Nhiều khi khó khăn sẽ tạo cơ hội kinh doanh sẽ nhỏ, lẻ nhưng tiếp cận cơ hội kinh doanh cũng rất khó, đặc biệt khi chịu khó khăn về vốn. Năm 2014, kể cả có tăng trưởng kinh tế 5,8% theo dự báo Chính phủ thì cũng chỉ mới là nhúc nhích đi lên. Nợ xấu vẫn còn đó và khó khăn còn tồn tại rất nhiều.

Nếu nói về cơ hội kinh doanh thì phải xem xét tới tổng cầu tiêu dùng. Năm 2014 theo dự báo mức tăng tiêu dùng của nền kinh tế cũng sẽ không tăng. Trong những mặt hang tiêu dùng giảm xuống thì có những tiêu dùng không giảm. Vì vậy, doanh nghiệp chuyển sang tiêu dùng biết lựa chọn thì vẫn có những bước phát triển.

Về đầu tư năm tới sẽ giảm rất mạnh. Chính phủ với tất cả sức bình sinh đã đề ra nhiều phương hướng hỗ trợ, trong đó tăng phát hành trái phiếu Chính phủ nhưng mức đầu tư cũng không thể dồi dào thêm được. Theo tính toán của chúng tôi, phát hành trái phiếu Chính phủ thì sự lan tỏa chưa nhiều. Vậy có gì hy vọng ở sự đầu tư này, đó chính là đầu tư ngoài nhà nước.

Về thị trường xuất khẩu: Mỹ, EU tốt lên một chút và thị trường này đang được nhìn nhận từ những cơ hội giao thương, các hiệp định TPP… Một thị trường nữa cũng có sức ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam đó là thị trường Trung quốc và đây cũng là cơ hội nếu chúng ta biết nắm bắt.

Về lãi suất, với câu chuyện này rõ rang muốn Chính phủ hỗ trợ nữa cũng sẽ rất khó. Bởi, thị trường này còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ lạm phát, vào mức hấp dẫn của lãi suất suất phát hành trái phiếu Chính phủ, và phụ thuộc vào đồng USD sẽ lên giá.

Nhìn về dài hạn Việt Nam sẽ hội nhập sâu vào thị trường thế giới, nên tất cả các tính toán đều phải mang tính tương đối. Đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam còn rất lớn. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể “ăn theo”, học hỏi rất nhiều từ cách quản lý, kinh doanh và sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp nước ngoài. Việc cải cách và tái cấu trúc sẽ khiến nguồn tiền lớn từ nhà nước sẽ chuyển dần sang tay tư nhân. Mặt khác, cải tổ đầu tư công, phân bổ nguồn lực, phân cấp địa phương trung ương sẽ khác. Tốc độ đi liền với mạng. Người tiêu dùng cuối cùng đang quyết định bởi tầng lớp trung lưu ngày càng lớn.

Theo DĐDN

Tin liên quan