Bạn đang ở đây

Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng mức tăng trưởng kinh tế

12/04/2012 15:12:23

Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, kinh tế 3 tháng đầu năm 2012 đã đạt được một số kết quả nhất định. Tăng trưởng kinh tế tuy không cao nhưng là mức tăng hợp lý trong điều kiện cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng chậm lại. Xuất khẩu hàng hóa tăng khá. Những khó khăn trong vấn đề thanh khoản của các ngân hàng đang dần được khắc phục... 

Những kết quả bước đầu đáng khích lệ

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2012 tăng 4,00% so với cùng kỳ năm 2011, thấp hơn mức tăng 5,57% của cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,84%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,94%, đóng góp 1,27 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,31%, đóng góp 2,40 điểm phần trăm.

Tăng trưởng kinh tế quý I năm nay đạt mức thấp do hầu hết các ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tốc độ tăng của ngành này chậm hơn cùng kỳ năm trước và hoạt động xây dựng giảm dẫn đến tốc độ tăng của khu vực công nghiệp và xây dựng quý I năm nay tăng chậm so với cùng kỳ năm trước, từ đó ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 50,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 37,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2%; lâm nghiệp đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1%; thủy sản đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9%.

Nền kinh tế cả nước trong 3 tháng đầu năm 2012 cũng tập trung cao độ cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Các con số thống kê đã thể hiện khá rõ sự nỗ lực quyết tâm này. Theo đó, giá trị sản xuất xây dựng quý I năm 2012 đạt 36,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,4% cùng kỳ năm 2011, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, bằng 84,2%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 30,1 nghìn tỷ đồng, bằng 99%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, bằng 91,2%;

Đặc biệt, trong quý I/2012, tổng thu ngân sách Nhà nước cũng có nhiều chuyển biến tích cực,  từ đầu năm đến 15/3/2012, tổng thu ngân sách đạt 136,9 nghìn tỷ đồng, bằng 18,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa 89,5 nghìn tỷ đồng, bằng 18,1%; thu từ dầu thô 19,5 nghìn tỷ đồng, bằng 22,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 27,1 nghìn tỷ đồng, bằng 17,6%. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/3/2012 ước tính đạt 164,9 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% dự toán năm.

Điểm nổi bật trong kinh tế quý vừa qua đó là chỉ số giá nhiều mặt hàng đã giảm, cụ thể chỉ số giá lương thực và thực phẩm đã giảm mạnh, trong đó lương thực giảm 1,21%; thực phẩm giảm 1,25%; Chỉ số giá vàng tháng 3/2012 giảm 0,44% so với tháng trước; giảm 0,91% so với tháng 12/2011; tăng 17,58% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2012 giảm 0,63% so với tháng trước; giảm 0,99% so với tháng 12/2011; giảm 2,38% so với cùng kỳ năm 2011...

Cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp 

Theo ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, để bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2012, các ngành, các cấp, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 và Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ, đồng thời tập trung giải quyết tốt và đồng bộ các nội dung:

Một là, việc ban hành và thực hiện các chính sách tiền tệ cần được thực hiện linh hoạt và đồng bộ, bảo đảm tính thanh khoản ổn định lâu dài cho các ngân hàng thương mại. Một số ngân hàng được yêu cầu hạ lãi suất cho vay cần chủ động tính toán đầy đủ, có giải pháp cụ thể trong huy động vốn và giảm chi phí nhằm bảo đảm hiệu quả kinh doanh, đồng thời xem xét kỹ các đối tượng và mục đích vay vốn, trên cơ sở khả năng cân đối vốn có mức giảm lãi suất cho vay phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hai là, trong lộ trình tuân thủ giá thị trường để dần tiến tới xoá bao cấp đối với một số hàng hoá, dịch vụ đầu vào quan trọng của nền kinh tế, cần thực hiện nhất quán quan điểm điều chỉnh tăng giá ở mức độ có kiềm chế, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, không đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng quá cao. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm soát, quản lý chặt chẽ thị trường giá cả hàng hóa nhằm bảo đảm bình ổn giá cả thị trường. Can thiệp kịp thời để ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá nhằm thu lợi bất chính hoặc lợi dụng chủ trương điều hành giá xăng dầu và giá một số mặt hàng khác để tăng giá hàng hóa, dịch vụ không hợp lý. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá theo đúng quy định.

Ba là, thực hiện hiệu quả lộ trình tái cấu trúc đầu tư công. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Tăng cường vai trò của các địa phương trong quản lý các dự án được giao quản lý. Khẩn trương hoàn thiện chương trình hành động tổng thể cũng như hàng năm nhằm kiểm soát hiệu quả hơn vấn đề chuyển giá trong hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bốn là, nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, cạnh tranh và minh bạch hóa thông tin, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm quản lý vĩ mô phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thị trường. Bên cạnh quản trị tốt về tài chính, các doanh nghiệp cần tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro để hạn chế tổn thất trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm đạt hiệu quả cao.

Theo cpv.org.vn

Tin liên quan