Bạn đang ở đây

Trấn Yên nâng cao chất lượng sản xuất chế biến chè

10/10/2012 14:55:50

Để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh phát triển cây chè, huyện Trấn Yên triển khai xây dựng Nghị quyết "Sản xuất chế biến, kinh doanh chè giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020".

Ông Đinh Đăng Luận - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về "Phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến kinh doanh chè", Huyện ủy Trấn Yên đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển các chương trình kinh tế trọng điểm, trong đó có sản xuất kinh doanh chè. UBND huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất; các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, các cơ quan chuyên môn, đoàn thể các cấp, sự ủng hộ và tích cực tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh chế biến chè trên địa bàn huyện đã đạt được  những kết quả đáng khích lệ. Huyện luôn duy  trì ổn định 2.200 ha chè, trồng thay thế diện tích chè già cỗi bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao được trên 700 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 15.300 tấn. Bước đầu đã quy hoạch được vùng nguyên liệu chè tập trung".

Tuy nhiên, trong sản xuất, chế biến kinh doanh chè của Trấn Yên vẫn còn bộc lộ một số tồn tại. Đó là mức độ đầu tư thâm canh diện tích chè của nông dân còn thấp, nhiều hộ dân chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật nên năng suất, chất lượng chè búp tươi không cao, phát triển vùng nguyên liệu chưa bền vững. 

Việc trồng cải tạo chè già cỗi và chăm sóc chè trong thời kỳ kiến thiết cơ bản còn hạn chế, các hộ dân chưa chú trọng đầu tư về nhân lực và vật tư cũng như áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Mặc dù có diện tích chè già cỗi và chè trung du khá lớn nhưng hàng năm toàn huyện cũng chỉ trồng mới, trồng cải tạo được dưới 100 ha. Diện tích chè trồng thay thế chè già cỗi bằng giống chè tiến bộ kỹ thuật còn phân tán  nhỏ lẻ, một số diện tích còn trồng xen cây lâm nghiệp. 

Thực trạng thu hái chè của người nông dân ở một số xã còn chạy theo lợi ích trước mắt, không tuân thủ quy trình kỹ thuật như: thu hái bằng liềm, cắt quá dài, sử dụng máy hái chè không đúng kỹ thuật nên năng suất và chất lượng chè búp tươi chưa đảm bảo tiêu chuẩn; sản phẩm chè của các cơ sở chế biến chủ yếu là chè đen bán thành phẩm, giá trị thấp; công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên...  

Để nâng cao chất lượng, đẩy mạnh phát triển cây chè, huyện Trấn Yên đã triển khai xây dựng Nghị quyết "Sản xuất chế biến, kinh doanh chè giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020"; trong đó, lấy nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến chè là khâu đột phá để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; phát triển sản xuất, chế biến chè phải bền vững, thực hiện theo quy hoạch, liên kết giữa các cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, đảm bảo lợi ích cho người sản xuất nguyên liệu, cơ sở chế biến với lợi ích của Nhà nước.

Mục tiêu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, huyện Trấn Yên ổn định diện tích chè 2.200 ha, năng suất chè búp tươi bình quân 80 tạ/ha, sản lượng trên 18.000 tấn; trồng thay thế chè già cỗi năng suất thấp bằng các giống chè tiến bộ kỹ thuật cao từ 500 ha trở lên; tăng thu nhập cho người làm chè từ 2-2,5 lần so với hiện nay. Ngay trong năm 2012, huyện tập trung chỉ đạo trồng cải tạo 100 ha chè tại 5 xã Báo Đáp, Việt Thành, Hưng Khánh, Bảo Hưng, Hồng Ca…

Để đạt được những mục tiêu trên, thời gian tới huyện Trấn Yên đã đưa ra giải pháp: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư cải tạo vùng nguyên liệu, khuyến khích nông dân thay đổi cơ cấu giống chè; tổ chức quy hoạch phát triển vùng chè tập trung tạo ra sản phẩm hàng hoá với khối lượng lớn; chú trọng chuyển giao kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích các hộ nông dân liên kết theo mô hình nhóm hộ để sản xuất chè an toàn khép kín từ việc đầu tư vùng nguyên liệu sạch đến thu mua, chế biến chè bằng công nghệ tiên tiến để sản phẩm chè có thương hiệu, nhãn mác hàng hoá và đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến cần mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người trồng chè để tạo ra vùng nguyên liệu có năng suất, chất lượng; rà soát, quy hoạch các cơ sở chế biến phù hợp với vùng nguyên liệu chè trên địa bàn. Cùng với đó, huyện cũng cần đầu tư cho quảng bá, tiếp thị và phát triển rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm...

Theo YBĐT

Tin liên quan