Bạn đang ở đây

Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ ngày 4/11 đến ngày 8/11/2013

12/11/2013 10:36:22

Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Đông, Bắc Phi

Trong hai ngày 4 và 5/11 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ ngành liên quan tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông, Bắc Phi.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Diễn đàn thể hiện sự quan tâm nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Đông, Bắc Phi vì sự phát triển và thịnh vượng chung. Diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện nỗ lực và quyết tâm của hai bên trong việc đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm khai thác tốt tiềm năng to lớn của hai bên.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để nâng cao hơn nữa hợp tác kinh tế đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi, hai bên cần tập trung trao đổi nhằm thúc đẩy đàm phán, ký kết hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, hàng không, vận tải biển, năng lượng… nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, lâu dài cho việc hợp tác của các doanh nghiệp.

Việt Nam và Buốc-ki-na Pha-xô ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại và công nghiệp

Ngày 4/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang và Thứ trưởng Bộ Công Thương và Thủ công Buốc-ki-na Pha-xô, Bernard Gnessa Zougouri đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại và công nghiệp.

Hiện trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Buốc-ki-na Pha-xô còn rất khiêm tốn, đạt mức cao nhất là 21,2 triệu USD năm 2010, trong đó Việt Nam xuất khẩu 6,3 triệu USD, chủ yếu là hàng dệt may và nhập khẩu 14,9 triệu USD, chủ yếu là bông các loại. Nguyên nhân là do khoảng cách địa lý xa xôi, hai bên còn ít trao đổi các đoàn, doanh nghiệp còn thiếu thông tin về thị trường, đối tác. Bên cạnh đó, Việt Nam và Buốc-ki-na Pha-xô chưa có các thỏa thuận hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp, đầu tư.

Việc ký Bản ghi nhớ này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp nói riêng và quan hệ hợp tác song phương nói chung.

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thứ trưởng Bộ Công Thương và Thủ công Buốc-ki-na Pha-xô lần này, hai bên sẽ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Buốc-ki-na Pha-xô vào ngày 6/11/2013 tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp.

Khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước

Ngày 04/11, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ tháng 10 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhằm thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 10 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu trong 2 tháng cuối năm.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước và chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu nhằm bình ổn thị trường, bình ổn giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2013, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ trong 2 tháng cuối năm tập trung khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước, củng cố và phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đến các vùng, miền; giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới nhằm đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Khai mạc Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Trung

Ngày 03/11, Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ Thương mại Lạng Sơn, Thành phố Lạng Sơn. Hội chợ là hoạt động thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013 được Bộ Công Thương phê duyệt.

Hội chợ đã thu hút sự tham gia của 150 đơn vị trong cả nước và các doanh nghiệp Trung Quốc với quy mô 350 gian hàng, giới thiệu các mặt hàng phong phú như hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, nông lâm thủy sản, lương thực, thực phẩm chế biến, sản phẩm cơ khí, thiết bị xây dựng, điện tử, may mặc, hàng tiêu dùng, v.v…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Trung (Lạng Sơn 2013) là hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, góp phần quảng bá các sản phẩm, thương hiệu, cũng như tiềm năng, thế mạnh kinh tế của các địa phương hai nước, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác, phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch và dịch vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần tăng cường giao lưu thương mại và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của hai quốc gia hướng tới mục tiêu kim ngạch hai chiều đạt 60 tỷ đôla vào năm 2015 và 100 tỷ đôla vào năm 2017.

Hội nghị tập huấn Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử (TTĐT) Bộ Công Thương

Ngày 9/11, tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Bộ Công Thương tiến hành tổ chức Hội nghị tập huấn Ban biên tập Cổng TTĐT của Bộ nhằm tổng kết tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm 2013 và đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Sau gần một năm hoạt động, Cổng TTĐT Bộ Công Thương đã cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng phục vụ nhu cầu thiết thực của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Trung bình mỗi ngày thu hút khoảng 5.000 lượt truy cập vào Cổng. Cổng TTĐT Bộ Công Thương đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức so với trang thông tin điện tử cũ, ngày càng khẳng định vị trí là kênh thông tin quan trọng, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin về hoạt động của ngành, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh hoan nghênh những thành tích đạt được trong gần một năm qua của Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, qua đó đã góp phần vào kết quả hoạt động chung của Bộ Công Thương, tạo sự đồng thuận chia sẻ của người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Cổng TTĐT Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về mô hình, cơ chế hoạt động để nâng cao chất lượng, đóng góp hơn nữa trong công tác thông tin tuyên truyền của Bộ Công Thương.

Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng Việt

Sáng ngày 7/11 tại TP.HCM, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM với các doanh nghiệp trong cả nước.

Năm nay, ngành Công Thương của 13 tỉnh thành ở miền Tây, và 8 tỉnh miền Đông đăng ký tham gia. Có hơn 400 đơn vị bao gồm doanh nghiệp, hệ thống nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, hệ thống phân phối hiện đại, chợ truyền thống đăng ký tham gia, trong đó đặc biệt lần đầu tiên có 10 doanh nghiệp đến từ miền Bắc tham gia. So với năm ngoái, Chương trình kết nối năm nay nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ lãnh đạo Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa lần này là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất hàng hóa gặp gỡ nhà phân phối, trong cái bắt tay và những hợp đồng đã được ký kết, hai bên sẽ hỗ trợ nhau kinh nghiệm sản xuất, quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tiến tới nâng giá trị của hàng Việt và tìm vị trí cho nó trên thương trường trong và ngoài nước.

Nguồn: Moit.gov.vn

Tin liên quan