Bạn đang ở đây

Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ 15 đến 19/07/2013

23/07/2013 09:24:55

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp Đại sứ Ấn Độ Ranjit Rae

Chiều ngày 16/7, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có buổi tiếp và làm việc với ngài Ranjit Rae - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam. Theo ngài Đại sứ Ranjit Rae, trong đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp Ấn Độ đang tham gia trong các lĩnh vực như khai thác dầu, khí đốt, chế biến, công nghệ. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận cho Tập đoàn Tata Power của Ấn Độ đầu tư vào nhiệt điện Long Phú 2 với con số kỷ lục 1,8 tỷ USD. Đây được coi là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ vào Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, Ấn Độ là đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Á, quan hệ kinh tế giữa hai nước đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hy vọng, trong quan hệ song phương, hai bên tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để nâng tầm xứng với quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Hội nghị Quan chức Thương mại Việt Nam tại Bỉ

Từ ngày 14 đến 16 tháng 7, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban châu Âu tổ chức “Hội nghị Quan chức Thương mại Việt Nam" tại Brussels, Bỉ với sự tài trợ của dự án EU - MUTRAP. Đoàn cán bộ Việt Nam tham dự Hội nghị do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa làm Trưởng đoàn.

Chương trình của Hội nghị đã tập trung vào các nội dung: tăng cường xúc tiến thương mại và quan hệ của Việt Nam với thị trường châu Âu, phổ biến cho các Tham tán và cán bộ phụ trách thương mại của Việt Nam về các quy định mới của EU, tiến trình đàm phán EVFTA, Hiệp định Hợp tác và đối tác Việt Nam – EU (PCA), đối thoại về các vấn đề mà cả hai bên cùng quan, v.v…

Nhân dịp này, Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, Dự án EU - MUTRAP, phối hợp với Tổng vụ Nông nghiệp của Ủy ban châu Âu tổ chức lễ trao Chứng nhận Tên gọi xuất xứ (PDO) “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc của Việt Nam. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được đăng bạ bảo hộ PDO thành công tại thị trường tất cả 28 nước thành viên EU.

Hợp tác giao dịch hàng hóa Việt Nam - Belarus

Ngày 16/7/2013, tại Hà Nội, Sở giao dịch hàng hóa INFO thuộc Tập đoàn Đại Dương và Sở giao dịch hàng hóa Belarus đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nhau trong hoạt động, đồng thời góp phần thúc đẩy giao lưu thương mại giữa Việt Nam và Belarus.

Thỏa thuận hợp tác nhằm khai thác và phát huy thế mạnh của mỗi bên để phục vụ hiệu quả nhu cầu giao thương của doanh nghiệp Việt Nam và Belarus. Hai bên cam kết cùng chia sẻ thông tin về thị trường hàng hóa mỗi nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực bán buôn các sản phẩm nông sản, kim loại và các loại hàng hóa khác.

Ngoài ra, hai sở giao dịch hàng hóa thống nhất sẽ hỗ trợ khách hàng của mỗi bên khi muốn giao dịch ở Sở bạn bằng cách đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí, gia tăng tiện ích. Đồng thời, hai bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển giao dịch điện tử thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo về cách thức giao dịch điện tử cho các doanh nghiệp Việt Nam và Belarus, v.v…

Khởi công Nhà máy may Vinatex Hương Trà

Ngày 17/7/2013, tại Cụm công nghiệp Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế, Công ty CP Đầu tư phát triển Vinatex (trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) đã long trọng tổ chức lễ động thổ khởi công dự án Nhà máy may Vinatex Hương Trà.

Dự án này là sự hợp tác của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Vinatex và Công ty cổ phần dệt may Huế – một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Đây cũng là nhà máy thứ 3 trong chuỗi các nhà máy trong chương trình phát triển 300 chuyền may của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vinatex.

Có tổng diện tích 66.000 m2, với tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng và 2.250 lao động, Nhà máy sẽ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần nộp ngân sách của địa phương hơn 10 tỷ đồng/năm với kim ngạch xuất khẩu khỏang 50 triệu USD/năm. Dự kiến đầu tháng 11/2013 dự án chính thức đi vào họat động giai đọan 1, có tổng mức đầu tư 71 tỷ đồng, thu nhận khoảng 1.000 lao động.

Không giảm thuế nhập khẩu, giá xăng dầu nhích tăng

Từ 20 giờ ngày 17/7/2013, giá bán lẻ xăng dầu đã tăng thêm từ 420 đến 470 đồng/lít. Với mức giá này, xăng A92 (vùng 1) từ mức 24.110 đồng tăng lên 24.570 đồng/lít.

Theo Bộ Tài chính, với nguyên tắc và các thông số tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu theo các quy định hiện hành thì giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu (trừ dầu ma dút) đang cao hơn so với giá bán hiện hành từ 726 đến 988 đồng/lít (xăng RON 92: 988 đồng/lít, dầu điêzen 0,05S: 770 đồng/lít, dầu hỏa: 726 đồng/lít). Trong khi đó, thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn thấp hơn barem quy định, số dư Quỹ Bình ổn giá còn ít, giá xăng dầu thế giới còn có thể biến động theo xu hướng tăng và ở mức cao.

Tuy nhiên, để hạn chế mức tăng giá cao, Bộ Tài chính cho phép các DN đầu mối tiếp tục sử dụng Quỹ Bình ổn với mức: mặt hàng xăng: 300 đồng/lít; điều chỉnh tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn đối với mặt hàng dầu điêzen, dầu hỏa thêm 100 đồng/lít từ 200 đồng/lít lên 300 đồng/lít.

Khai mạc Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2013

Ngày 18/7/2013 tại Trung tâm Hội nghị & Triển lãm quốc tế Lào đã diễn ra Lễ Khai mạc Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2013. Hội chợ do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương Việt Nam), Thương vụ Việt Nam tại Lào, Cục Xúc tiến và Phát triển hàng hóa (Bộ Công Thương Lào) tổ chức, diễn ra từ ngày 18 đến ngày 22/7/2013 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào.

Hội chợ thương mại Việt - Lào 2013 thu hút đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam và Lào tham gia, với gần 200 doanh nghiệp đăng ký trưng bày trên 350 gian hàng về Dược phẩm và thiết bị y tế; Máy công nghiệp, Xây dựng và vật liệu xây dựng; Nông - lâm - thủy hải sản và Thực phẩm chế biến, v.v...

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Lào ngày một khởi sắc và tăng trưởng ổn định. Bên cạnh những mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực, truyền thống đã có một số mặt hàng mới xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt tỷ trọng tương đối lớn như rau quả và các sản phẩm từ nông nghiệp.

Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2013 được các doanh nghiệp đánh giá là cầu nối hiệu quả để các doanh nghiệp Việt Nam và Lào gặp gỡ, trao đổi và ký kết hợp đồng mua bán, tìm hiểu các cơ hội liên doanh, liên kết và hợp tác 

Theo moit.gov.vn

Tin liên quan