Bạn đang ở đây

Tình hình phát triển cụm công nghiệp tỉnh Yên Bái trong giai đoạn từ năm 2009-2013

26/06/2013 11:38:35

Ngày 18 tháng 5 năm 2009 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số: 673/QĐ-UBND phê duyệt “Quy hoạch tổng thể hệ thống khu, cụm công nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008-2015, định hướng đến 2020”. Theo quy hoạch: từ năm 2008 đến 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ đầu tư xây dựng 19 cụm công nghiệp (CCN) diện tích đất quy hoạch 1.101 ha. Ngày 07/9/2010 UBND tỉnh Yên Bái có Quyết định số 1459/QĐ-UBND bổ xung cụm công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái (diện tích 50 ha) vào hệ thống cụm công nghiệp tỉnh Yên Bái. Như vậy trong giai đoạn từ 2008 đến 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 20 cụm công nghiệp diện tích đất quy hoạch 1.151ha.

Đến nay, sau 5 năm thực hiện quy hoạch. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết cho 13 cụm công nghiệp bao gồm : cụm công nghiệp Đầm Hồng; Âu Lâu; Báo Đáp; Hưng Khánh; Y Can; Sơn Thịnh; Thịnh Hưng; Phía Tây cầu Mậu A;  Đông An; Yên Thế; Vĩnh Lạc;  Tân Lĩnh, CN – TTCN Pú Trạng, với tổng diện tích đất quy hoạch 366,04ha, trong đó đất dành cho sản xuất công nghiệp là 214,7 ha, chiếm bình quân 52,3% diện tích đất quy hoạch.

Trong số 13 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết có 09 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng bao gồm: cụm CN Yên Thế, Vĩnh Lạc (huyện Lục Yên); cụm CN Đầm Hồng, Âu Lâu (thành phố Yên Bái); cụm CN Báo Đáp; Hưng Khánh (huyện Trấn Yên); cụm CN Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn); cụm CN Thịnh Hưng (huyện Yên Bình); cụm công nghiệp phía Tây cầu Mậu A (huyện Văn Yên); tổng diện tích đất đã được phê duyệt dự án hạ tầng là: 269,8ha; Tổng số vốn đầu tư hạ tầng đã được phê duyệt là: 367 tỷ đồng. Có 06 cụm công nghiệp đã và đang tiến hành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng bao gồm: cụm CN Đầm Hồng; Âu Lâu; Yên Thế; Báo Đáp; Sơn Thịnh, Thịnh Hưng. Tổng vốn đầu tư đã thực hiện đến tháng 5 năm 2013 đạt 61.919 triệu đồng. Trong đó kinh phí Trung ương hỗ trợ theo nguồn Cục CNĐP theo Quyết định 60: 12,5 tỷ đồng (Cụm Yên Thế: 02 tỷ; Cụm Thịnh Hưng: 03 tỷ; cụm Sơn Thịnh: 03 tỷ ;Cụm  Âu Lâu: 3,5 tỷ; cụm Hưng Khánh: 01 tỷ).

Tình hình thu hút đầu tư trong các cụm công nghiệp có nhiều dấu hiệu tích cực, 10 cụm công nghiệp thu hút được 46 dự án đăng ký đầu tư, tổng diện tích đất các dự án đã đăng ký thuê là: 120,3ha; Tổng số vốn đăng ký là: 1.202 tỷ đồng. Trong đó 8 CCN đã có 32 dự án đi vào hoạt động; tổng số vốn đã đầu tư 565,402 tỷ đồng, năm 2012 GTSX theo giá CĐ 94 đạt 262 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 170 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 5 năm 2013, tổng số lao động đã thu hút được 1120 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/lao động/tháng.

Tính đến thời điểm hiện nay đã có 3/7 huyện đã thành lập Ban quản lý cụm công nghiệp (kiêm nhiệm) trực thuộc phòng kinh tế hạ tầng thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động của cụm công nghiệp và quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng (gồm các huyện Văn Chấn, Yên Bình, Văn Yên);  4/7 huyện, thị, thành phố giao cho Ban quản lý đầu tư xây dựng của huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng; phòng kinh tế hạ tầng quản lý hoạt động của cụm công nghiệp (gồm thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, và các huyện Trấn Yên, Lục Yên ); hiện nay đã có 03 huyện, thị, thành phố ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp của địa phương (gồm thành phố Yên Bái, các huyện Văn Chấn, Lục Yên); 04 huyện, thị còn lại đang tiến hành xây dựng quy chế.

Triển khai Chị thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT - BCT- BKHĐT ngày 10/10/2012 của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch Đầu tư. Sở Công Thương đã tổ chức rà soát, xác định cụm công nghiệp hình thành trước khi quy chế quản lý cụm ban hành kèm theo Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ. Sau khi rà soát 13 cụm công nghiệp đã triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái, kết quả có 10 cụm công nghiệp hình thành trước khi quy chế quản lý cụm công nghiệp có hiệu lực; 03 cụm hình thành sau khi quy chế có hiệu lực. Trong 10 cụm CN hình thành trước khi quy chế có hiệu lực không có cụm nào có diện tích lớn hơn 75 ha để chuyển thành khu công nghiệp. Song phải làm thủ tục thành lập lại theo đúng hướng dẫn của Thông tư số 31.

Về chính sách thu hút đầu tư, tỉnh Yên Bái đã có Quyết định số 1322/2007/QĐ-UBND ngày 4/9/2007, quy định những ưu đãi thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, trong đó đầu tư phát triển hạ tầng cụm CN được hỗ trợ từ nguồn ngân sách của  tỉnh cho mỗi cụm CN 5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu; Ngày 29/3/2012 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND quy định chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có  chính sách ưu đãi đối với khu, cụm công nghiệp.

Việc hình thành Cụm CN đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất tập trung, tránh phát triển tự phát gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, đô thị, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã và mọi thành phần kinh tế có điều kiện phát triển mở rộng hoặc khởi sự doanh nghiệp, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên bên cạnh đó còn một số hạn chế như tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng của các cụm CN còn chậm, chưa có nhiều  doanh nghiệp vào đầu tư kinh doanh hạ tầng, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, vị trí địa lý của tỉnh chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng, san tạo mặt bằng chậm, chưa mời gọi được nhiều nhà đầu tư có năng lực vào đầu tư SXKD trong các cụm CN, chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ, sản lượng sản xuất và tiêu thụ thấp.Việc thực hiện quy chế không thống nhất giữa các địa phương, một số địa phương chưa xây dựng quy chế quản lý cụm CN.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Yên Bái phát triển hệ thống CCN một cách có hiệu quả đề nghị Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan nghiên cứu xem xét tăng mức hỗ trợ kinh phí KCQG cho các lĩnh vực hỗ trợ lập Quy hoạch chi tiết và hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN và bổ sung thêm  hỗ trợ kinh phí lập dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN từ nguồn vốn Khuyến công Quốc gia.

UBND các huyện, thị, thành phố cần tăng cường hơn nữa trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo về phát triển công nghiệp ở địa phương, đồng thời với công tác xúc tiến đầu tư, huy động mạnh nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cụm CN, đáp ứng yêu cầu hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó cần rà soát lại những cơ chế chính sách cái nào không phù hợp thì hủy bỏ. Ban hành cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp về vốn, đất đai, đào tạo nghề, tư vấn thu hút đầu tư, kiểm soát môi trường, về công nghệ sản xuất. Ban hành quy chế cho các doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các Cụm CN thì tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các Cụm CN phát triển bền vững./.

Nguồn: Phòng QLCN

Tin liên quan