Bạn đang ở đây

Tình hình hoạt động khai thác, chế biến quặng sắt trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

10/09/2012 10:05:04

Khoáng sản của Yên Bái đa dạng về chủng loại song phần lớn có quy mô nhỏ, phân tán, mức độ điều tra địa chất còn sơ lược và chưa chắc chắn, đặc biệt là khoáng sản quặng sắt.

Theo Quy hoạch khai thác, chế biến, sử dụng quặng Sắt, Đồng, Vàng, Chì - kẽm và các khoáng sản khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt thì trữ lượng quặng sắt đạt khoảng 200 triệu tấn.

Các mỏ quặng sắt được cấp phép đều nằm trong quy hoạch đã được Bộ, tỉnh phê duyệt. Hiện đã có 61 điểm mỏ quặng sắt được cấp giấy phép khai thác (trong đó UBND tỉnh cấp 60 giấy phép, Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp 01 giấy phép). Tính đến thời điểm hiện tại, số giấy phép khai thác quặng sắt còn hiệu lực là 41 (trong đó 20 giấy phép đang tiến hành khai thác có sản phẩm). Như vậy, số lượng giấy phép khai thác cấp cho các đơn vị trên địa bàn là tương đối nhiều, tuy nhiên sản lượng khai thác còn nhỏ và chưa tưong xứng với tiềm năng hiện có.

Các mỏ sắt trên địa bàn đều tiến hành khai thác theo phương pháp lộ thiên, thi công bằng cơ giới kết hợp với thủ công, song công nghệ khai thác còn thô sơ, chỉ dừng ở mức bán cơ giới hóa. Chỉ có công ty phát triển số 1-TNHH 1 thành viên là đầu tư khai thác với quy mô công nghiệp với diện tích khai thác 60,97ha, công suất 160.000 tấn/năm.

Đa số các mỏ được cấp phép khai thác chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng đầy đủ hoặc chỉ được khảo sát đánh giá trữ lượng ở cấp tài nguyên 333 và 334, đây là cấp tài nguyên dự báo do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình đầu tư khai thác, ngoài ra các mỏ được cấp phép khai thác trong thời gian qua chủ yếu là các mỏ quặng lăn (khu vực Lục Yên, Trấn Yên) hoặc mỏ có thân quặng nhỏ (khu vực Văn Yên), vị trí nằm ở các vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn nên nhiều chủ đầu tư chưa dám mạnh dạn đầu tư công nghệ khai thác tiên tiến và xây dựng cơ sở chế biến.

Qua thông tin mà các tổ chức đăng ký hoạt động khoáng sản tại Sở Công Thương và nắm bắt tình hình thực tế, về cơ bản các đơn vị hoạt động khai thác, chế biến quặng sắt đã chấp hành theo các quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: còn một số đơn vị chưa làm đầy đủ các thủ tục trước khi đi vào hoạt động và chưa tiến hành đăng ký hoạt động khoáng sản với các cơ quan chức năng theo quy định tại giấy phép. Đặc biệt việc khai thác, chế biến quặng sắt của một số đơn vị đã gây ô nhiễm môi trường quanh khu vực có mỏ.

Đối với hoạt động chế biến quặng sắt sau khai thác, hiện tại chỉ có Công ty cổ phần Thép Cửu Long Yên Bái đang trong giai đoạn đầu tư nhà máy tuyển, luyện gang và cán thép tại khu công nghiệp phía Nam công suất 200.000 tấn/năm, vốn đầu tư 597 tỷ đồng; Công ty Phát triển số 1 - TNHH 1 thành viên đang triển khai xây dựng nhà máy tuyển tại xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, công suất 100.000 tấn /năm, vốn đầu tư 600 tỷ đồng và chuẩn bị đi vào hoạt động, Công ty cổ phần Hòa Yên đã đầu tư xây dựng xong nhà máy tuyển quặng tinh tại xã Âu Lâu, công suất 100.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư 61 tỷ đồng. Ngoài ra có một số doanh nghiệp đã triển khai xây dựng xong nhà máy tuyển quặng tinh, còn lại một số đơn vị khác cũng đã đầu tư các cơ sở chế biến ngay tại mỏ như: Công ty TNHH Tân Tiến Sơn, Công ty cổ phần Hoàng Minh Anh, Công ty cổ phần khai khoáng Minh Đức, Chi nhánh công ty cổ phần Hà Quang, Công ty Cp khoáng sản Hưng Phát, Công ty Cp đầu tư khoáng sản Tây Bắc...

Thị trường tiêu thụ quặng sắt khai thác từ các mỏ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là phục vụ nhu cầu trong nước.

Trong tương lai ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt sẽ không ngừng phát triển. Trước mắt, đối với các đơn vị có mỏ sắp đi vào hoạt động cần thực hiện tốt Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nuớc trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và tiêu thụ khoáng sản, do đó các chủ đầu tư cần tính toán hợp lý việc đầu tư dây chuyền chế biến hay bán nguyên liệu cho các cơ sở chế biến khác trước khi đưa dự án vào hoạt động để đảm bảo hiệu quả của dự án cũng như các yêu cầu về môi trường.

Để thực hiện được tốt các quy định của Luật khoáng sản; Luật bảo vệ môi trường; Nghị định, Thông tư về thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản và các quy định pháp luật của Nhà nước có liên quan thiết nghĩ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà nước, giữa các cơ quan chức năng liên quan trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản, tránh sự chồng chéo. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý cần phải quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật về khoáng sản, đặc biệt là khai thác chế biến khoáng sản phải gắn với bảo vệ môi trường cho các cá nhân, tổ chức có hoạt động khoáng sản trên địa bàn ./.

Nguồn: Phòng KTATMT

Tin liên quan