Bạn đang ở đây

Thương vụ phải thật sự là cầu nối cho doanh nghiệp

06/01/2014 14:34:17

Tính đến hết năm 2013, Việt Nam có 55 thương vụ, bảy chi nhánh thương vụ và một Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) tại các nước. Bộ Công thương đánh giá, thời gian qua, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã nỗ lực làm tốt vai trò cầu nối giữa thị trường, DN trong nước với nước ngoài như cung cấp thông tin về diễn biến, dự báo, nhu cầu của thị trường, của DN; kết nối hợp tác, làm ăn giữa các DN; hỗ trợ các đoàn DN sang khảo sát thị trường, đàm phán ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, XTTM; điều tra, xác minh, xử lý các vụ kiện chống bán phá giá, bảo vệ quyền lợi của DN, của đất nước; phát hiện, cảnh báo các trường hợp gian lận thương mại, lừa đảo, giúp các DN trong nước tránh được rủi ro. Hệ thống thương vụ cũng là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với nhau và với các DN trong nước, hướng các doanh nhân người Việt về phát triển đất nước hoặc đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài thông qua kênh phân phối đến các khu hoặc chợ, cửa hàng của người Việt, từ đó lan tỏa đến cộng đồng cư dân của nước sở tại...

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động XTTM nói chung và công tác thương vụ nói riêng vẫn còn những hạn chế. Mới đây, tại cuộc gặp gỡ giữa đại diện các tỉnh, thành phố phía nam với các TTTM, đại diện lãnh đạo một số địa phương như Đác Lắc, Bình Định... đã bày tỏ rằng, họ rất thiếu thông tin về thị trường nước ngoài, thiếu kết nối với các TTTM, do đó, công tác xuất khẩu của địa phương gặp rất nhiều khó khăn, "tù mù". Nhiều địa phương thường tổ chức các đoàn "rầm rộ" ra nước ngoài XTTM, tuy nhiên cách làm dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm, chưa hướng vào đúng đối tượng cần vận động, do đó vừa tốn kém, hiệu quả lại chưa cao. Kết quả, DN chưa có nhiều những sản phẩm mà thị trường nước ngoài cần. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho rằng, thông tin có ý nghĩa sống còn đối với DN trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, do vậy, tỉnh đề nghị "đặt hàng" các TTTM cung cấp thông tin chính xác, phân tích, đánh giá để giúp Bình Định thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Sự kết nối thường xuyên giữa thương vụ, các TTTM với các hiệp hội, Sở Công thương vẫn còn hạn chế. Hoạt động của các TTTM tại các địa phương như hội thảo, giới thiệu thị trường nước ngoài, tiếp xúc làm việc còn chưa nhiều. Tính năng động, tích cực trong quá trình triển khai, phối hợp của một số thương vụ chưa cao, nhiều trường hợp thông tin chưa được hai phía nắm bắt và xử lý kịp thời. Việc xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh trong nước vào một số thị trường còn hạn chế so nhu cầu và tiềm năng là do có nguyên nhân chủ quan từ việc phối hợp và vai trò của các thương vụ tại các địa bàn chưa thật sự hiệu quả. Thông tin nhiều lúc chưa kịp thời, phạm vi hẹp, không duy trì thường xuyên. Lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các thương vụ, TTTM cần tích cực hơn tham gia các hội nghị, hội thảo để kịp thời tư vấn cho các DN thông tin chủ động ứng phó các vụ kiện tranh chấp thương mại, đồng thời tư vấn về luật pháp, thị trường quốc tế để hình thành các rào cản kỹ thuật bảo đảm lợi ích chính đáng của các DN, người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, các TTTM cần tìm hiểu, đi sâu vào từng chuyên ngành, lĩnh vực để tổ chức kết nối các DN trong nước với các đối tác nước ngoài.

Để hỗ trợ hiệu quả các DN trong nước, thời gian tới, các thương vụ, TTTM cần nâng cao ý thức trách nhiệm, hướng tới nhiệm vụ tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam với các nước sở tại, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN nhằm cung cấp thông tin, đẩy mạnh các hoạt động XTTM, giao thương tại thị trường nước sở tại; giải quyết các tranh chấp thương mại; tư vấn pháp lý (nhất là các thủ tục pháp lý liên quan xuất nhập khẩu); xác minh các đối tác ở nước sở tại, thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài. Nhiều địa phương cũng kiến nghị Bộ Công thương cần xây dựng quy chế phối hợp để cung cấp, trao đổi thông tin hỗ trợ địa phương và DN, hiệu quả xúc tiến cao hơn. Ở góc độ khác, các thương vụ, TTTM cũng thiếu những thông tin cần thiết về DN, ngành hàng để quảng bá, XTTM, giới thiệu với các đối tác. Nhiều lúc, các đối tác nước ngoài yêu cầu cung cấp danh sách các DN ở Việt Nam thì các thương vụ không biết tìm ở đâu. Do vậy, các TTTM cũng kiến nghị các Sở Công thương chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng danh mục các DN xuất khẩu có uy tín theo ngành hàng cụ thể để các thương vụ có thể XTTM, hỗ trợ DN hiệu quả hơn. Thậm chí, một số thương vụ còn dẫn chứng, "có những DN chưa tìm hiểu rõ đã hợp tác làm ăn, khi bị đối tác nước ngoài lừa đảo mới tìm đến thương vụ để tìm hiểu thì cũng đã muộn".

Tại Hội nghị TTTM năm 2013 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Toàn ngành công thương cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết có hiệu quả đầu ra cho DN. Các TTTM phải thật sự là cầu nối giữa các DN, địa phương, hiệp hội ngành nghề với thị trường nước ngoài, là người tư vấn chính sách cho Bộ Công thương, cho Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng: "Nhiệm vụ trọng tâm là thu hút các dự án đầu tư một cách có chọn lọc theo hướng có lợi cho môi trường; thu hút các dự án có quy mô toàn cầu của các công ty có uy tín; khuyến khích sự liên kết giữa các DN bên ngoài và trong nước; tạo ra sự gắn kết giữa kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới". Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng: Các thương vụ cần phối hợp liên kết, tham mưu hiệu quả và hỗ trợ thông tin kịp thời cho các bộ, ngành, địa phương và DN; cập nhật hơi thở, xu thế mới của thế giới để có những tham mưu đột phá và nhanh nhạy. Không đột phá, không nhanh nhạy, chúng ta sẽ không thể phát triển".

Năm 2014, ngành công thương phải bảo đảm mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu 10% so năm 2013 trong bối cảnh, cạnh tranh quyết liệt, xu hướng bảo hộ mậu dịch "núp" dưới danh nghĩa hàng rào kỹ thuật hay các hình thức áp thuế chống bán phá giá, kiện thương mại đang gia tăng đáng kể. Hơn nữa, Việt Nam đang tăng cường ký các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác, cần chủ động phối hợp dài hạn giữa các cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành, địa phương và hiệp hội với các thương vụ; khắc phục những bất cập mang tính hệ thống trong công tác thông tin trong và ngoài nước giữa cơ quan Nhà nước, DN và giữa các địa phương, DN với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Công thương tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM nhằm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các DN, địa phương. Đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác thị trường nước ngoài, và XTTM nhằm góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các nước trên thế giới, tháo gỡ khó khăn cho các DN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho DN trong nước về thị trường. Nâng cao năng lực sản xuất trong nước phù hợp mặt bằng quốc tế, trước mắt tập trung các nguồn lực phát triển các mặt hàng xuất khẩu ưu thế của Việt Nam.

Theo Nhân dân

Tin liên quan