Bạn đang ở đây

Thiếu cơ chế giám sát?

10/09/2011 17:37:10
Mặc dù, đã nhiều lần người tiêu dùng giật mình khi nghe Petrolimex-doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chiếm thị phần lớn trong nước lãi lớn (ở nhiều thời điểm họ lại kêu lỗ để được tăng, hoặc giữ giá xăng dầu). Đặc biệt, mới đây đại diện lãnh đạo của Petrolimex đã khẳng định, trong tháng 6-2011 có thể giảm giá xăng, nhưng lại không giảm được với những lý do "tồn tại cũ" mà đơn vị này chưa tháo gỡ được, trong đó có việc 2.000 tỷ phải "đóng băng" do không mua được ngoại tệ của ngân hàng để trả bạn hàng nước ngoài (nhập khẩu xăng dầu bằng ngoại tệ, bán lẻ xăng dầu thu VND). Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước luôn khẳng định, điều hành giá xăng dầu phải hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Vậy vấn đề hài hòa ở đây đã cho thấy rất khó định lượng?!
 
Theo các chuyên gia, lâu nay ngành chức năng đã liên tục kêu gọi sự chia sẻ của người dân và đề nghị để giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Nhưng cơ chế thị trường không thể có chuyện giá xăng dầu chỉ "leo thang", còn việc giảm giá lại quá khó khăn với nhiều lý do chưa thuyết phục đã được các doanh nghiệp đưa ra. Không ít các chuyên gia còn tỏ ra băn khoăn về cách tính giá của các doanh nghiệp xăng dầu chưa minh bạch và đề nghị cần phải sớm kiểm toán giá xăng dầu, cũng như việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu... Do đó, khi đặt ra yêu cầu điều hành giá xăng dầu phải hài hòa quyền lợi nhà nước - người tiêu dùng - doanh nghiệp, thì điều kiện tiên quyết là phải minh bạch việc quản lý, điều hành. Cùng với đó là cơ chế kiểm tra giám sát để bảo đảm trong quá trình điều hành, quyền lợi của các bên: Nhà nước-người tiêu dùng-doanh nghiệp phải được bình đẳng. Nếu thiếu cơ chế giám sát, doanh nghiệp sẽ chỉ lo tìm lợi nhuận, mà "quên" quyền lợi của người tiêu dùng.
 
Theo Hà Nội mới

Tin liên quan