Bạn đang ở đây

Tháo gỡ bất hợp lý trong triển khai Nghị quyết 11

10/09/2011 16:42:09
Trong phiên họp tổ sáng 4/8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, Phú Yên và Quảng Bình đã tham gia cuộc thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.
 
Một số đại biểu cho rằng vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân phải được đẩy mạnh, nâng cao y đức trong hoạt động khám chữa bệnh. Thời gian qua, hầu hết các cơ sở y tế chỉ tập trung khám chữa bệnh mà chưa chú trọng nhiều tới công tác phòng chống bệnh tật. Trong giải pháp thời gian tới cần cụ thể hóa hơn nữa vấn đề phòng chống thiên tai dịch bệnh trong đó, có biện pháp phát hiện kịp thời dịch bệnh xảy ra.
 
Việc nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời bức xúc trong xã hội, phương án để bảo đảm quốc phòng - an ninh và liên quan vấn đề thực thi pháp luật, những hạn chế, dự báo trong thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu cần được đưa vào giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm.
 
Đại biểu QH tỉnh Yên Bái Giàng A Chu cho ý kiến: Tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn các giải pháp của Chính phủ đã phát huy tác dụng, góp phần đưa kinh tế - xã hội đi vào ổn định. Chủ trương đình hoãn các công trình đã tiết kiệm 80% cho ngân sách nhà nước nhưng nhiều công trình phúc lợi công cộng, công trình trọng điểm, giao thông huyết mạnh cũng bị đình hoãn gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp.
 
Trong nhân dân còn bức xúc với vấn đề thực hiện bình ổn giá chưa hợp lý, nhiều mặt hàng không kịp điều chỉnh giảm giá theo thị trường. Giá cả tăng, lạm phát ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và nhân dân. Dịch bệnh chưa được khống chế, kiểm soát kịp thời; công tác quản lý bảo vệ rừng. Về tình trạng tai nạn giao thông, đại biểu Giàng A Chu dẫn dắt bằng con số đáng sợ khi mà mỗi năm cả nước có tới 12.000 - 13.000 người bị chết vì tai nạn giao thông.
 
Ông đề nghị, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ những vấn đề bất hợp lý trong triển khai Nghị quyết 11 và trong phân cấp phân quyền cho các địa phương; điều chỉnh lại lãi suất ngân hàng cho phù hợp để cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, hạn chế mức thấp nhất đơn thư khiếu nại.
 
Bên lề kỳ họp và ngay trong cuộc thảo luận này đại biểu Dương Văn Thống đưa ra một số vấn đề, trong đó có chỉ số CPI tăng cao và chưa dừng lại đã tác động trực tiếp đến phát triển KT-XH thời gian qua. Ông cho rằng có vấn đề trong hoạt động thương mại, chính sách tài khóa đầu tư công và đồng tình với biện pháp cắt giảm của Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, Chính phủ cần cân đối đầu tư và nguồn lực để tập trung vốn cho các công trình đang dở dang, cấp thiết tại nhiều nơi cũng như tại địa phương khó khăn như Yên Bái khi có tới 70 công trình bị cắt giảm.
 
Đại biểu nêu ý kiến về vần đề cần thiết phải nghiên cứu xây dựng chính sách cơ chế đặc thù trong quan hệ kinh tế với Trung quốc. Vì thời gian qua các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam thu mua hàng hóa lúc mua giá cao lúc giá thấp, có thời điểm đổ xô mua “chè vàng”… khiến thị trường trong nước bị thao túng, không ổn định nên Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng cơ chế lâu dài nhằm phòng và ngăn chăn hậu quả khôn lường có thể xảy ra trong hoạt động giao thương với nước ngoài.
 
Ông Thống đề nghị nghiên cứu, rà soát, bổ sung cơ chế thu hút đầu tư vào nông lâm nghiệp, ngư nghiệp, giải quyết khâu chế biến nhỏ lẻ, những mâu thuẫn về mặt tỷ lệ cơ cấu, chế tài không rõ ràng là một rào cản trong phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp.
 
Về giải quyết vấn đề biển đảo, ông cho rằng Quốc hội nên chỉ đạo xây dựng có một tuyên bố về nguyên tắc về biển Đông trên cơ sở đàm phán bảo đảm bảo hòa bình, an ninh trên biển đông và trên cơ sở luật pháp Quốc tế.
 
Đại biểu Nguyễn Công Bình đã tập trung nghiên cứu các nội dung cần thảo luận và trên cơ sở thực tế ông nêu một số vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết đánh giá chính sách đất đai, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
 
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách và giải pháp đồng bộ để khuyến khích đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng vật nuôi có chất lượng, số lượng lớn và chủ động theo mùa vụ. Việc liên kết “4 nhà” được nhiều địa phương, doanh nghiệp quan tâm và triển khai tương đối tốt, tuy nhiên nhiều nơi rất khó khăn trong thực hiện do mối liên kết còn rất lỏng lẻo. Nên ông cho rằng Chính phủ sẽ quan tâm chỉ đạo xây dựng chính sách xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp “từng nhà”.
 
Với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã được bầu và ra mắt trước Quốc dân đồng bào tại kỳ họp này, ông hy vọng Chính phủ, các bộ nhanh chóng triển khai nhiệm vụ, trong đó có việc tập trung giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.
 
Theo YBĐT

Tin liên quan