Bạn đang ở đây

Thành phố Yên Bái: Công nghiệp chế biến - cơ hội đầu tư lớn

09/07/2013 14:29:09
Thuận tiện giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy cùng với những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh và thành phố đã ban hành và cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, nguồn lao động dồi dào… thành phố Yên Bái thực sự là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư.
Chế biến gỗ rừng trồng của các doanh nghiệp tư nhân tại Cụm công nghiệp Đầm Hồng, thành phố Yên Bái. (Ảnh: M.Q)

Nếu chỉ nhìn vào con số diện tích rừng trồng là 4.573ha, trữ lượng gỗ 650 nghìn m3, đất nông nghiệp 7.459ha... thì cơ hội đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông lâm sản của thành phố thực sự không tạo được ấn tượng. Nhưng nhìn rộng ra,  thành phố Yên Bái là trung tâm của tiểu vùng 14 tỉnh phía Tây Bắc, là đầu mối giao thông đi 8 huyện, thị trong tỉnh, nối cả một vùng Tây Bắc với các tỉnh trung du và đồng bằng qua hệ thống giao thông hoàn thiện như đường bộ, đường thủy, đường sắt.

Dù chưa có con số thống kê chính xác nhưng chắc chắn có thể thấy trên 90% hàng hóa nông, lâm sản mà người nông dân làm ra như: quế, chè và gỗ mới chỉ được sơ chế, bán thành phẩm, làm nguyên liệu cho các nhà máy trong nước và quốc tế... vận chuyển qua địa bàn thành phố đã cho chúng ta thấy cơ hội đối với lĩnh vực chế biến nông lâm sản ở Yên Bái lớn đến mức nào.

Cụ thể, thành phố là nơi tiệm cận với vùng nguyên liệu quế lên tới 30 nghìn ha, ở Quy Mông, Kiên Thành (Trấn Yên); Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng (Văn Yên). Sản lượng quế vỏ hàng năm lên tới hàng vạn tấn và gần như toàn bộ chỉ được phơi khô rồi xuất bán. Lượng tinh dầu quế được các nhà máy chiết xuất ước khoảng 700 tấn/năm cũng đem xuất khẩu qua Trung Quốc làm nguyên liệu. Dù không phải là vùng trọng điểm nguyên liệu chè nhưng thành phố lại nằm tiếp giáp với nhiều vùng chè quy mô lớn như: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn… với tổng sản lượng chè búp tươi mỗi năm đạt khoảng trên 90 nghìn tấn.

Thực tế những năm qua, tỉnh Yên Bái nói chung và thành phố Yên Bái nói riêng đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè nhưng chủ yếu trong số đó vẫn sử dụng công nghệ cũ, chất lượng sản phẩm không cao, giá thành thấp, cả tỉnh mới chỉ có 4 nhà máy chè CTC, trong đó trên địa bàn thành phố Yên Bái chỉ có một nhà máy duy nhất.

Trong khi đó, về chủ trương, tỉnh Yên Bái đang quyết tâm xây dựng thương hiệu chè nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm truyền thống của mình cho xứng đáng là một trong những địa phương có diện tích chè lớn nhất cả nước. Vì vậy, nếu có các  dự án chế biến chè quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm chất lượng và giá trị cao… nhà đầu tư sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ, cùng những chính sách ưu đãi chung của tỉnh và thành phố đã ban hành, chắc chắn sẽ thành công.

Một tiềm năng không thể không nói đến đó là chế biến gỗ rừng trồng. Với tổng diện tích rừng rồng của tỉnh Yên Bái khoảng gần 200 nghìn ha, nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tại Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai… vận chuyển về Yên Bái khá thuận tiện, đây chính là tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ. Vì với chính sách thu hút đầu tư, trên địa bàn thành phố Yên Bái đã có một số cơ sở chế biến gỗ với các sản phẩm chủ yếu như đũa, ván ép, ván can… bên cạnh đó là hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ lẻ, qua đánh giá cho thấy một số doanh nghiệp chế biến gỗ ở Yên Bái đã đạt được những kết quả bước đầu khá vững chắc nhưng tiềm năng trên lĩnh vực chế biến gỗ ở Yên Bái chắc chắn còn rất lớn.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay mỗi ngày có không dưới 1.000m3ván bóc và hàng trăm m3 gỗ tròn gồm keo, bồ đề, bạch đàn được vận chuyển từ thành phố Yên Bái đi tiêu thụ tại Trung Quốc và Hà Nội. Như vậy nếu đầu tư chế biến sâu, chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ cao do chi phí đầu vào thấp.

Cùng thế mạnh kể trên, thành phố Yên Bái đang khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp khác như: phát triển làng nghề miến đao ở Phúc Lộc và Giới Phiên; đầu tư trồng nấm thực phẩm và dược liệu, trồng rau sạch tại các xã Tuy Lộc, Văn Phú, Tân Thịnh… với các chính sách ưu đãi hấp dẫn, các nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư sản xuất. Cùng lĩnh vực chế biến nông lâm sản, với vị trí địa lý là trung tâm, thành phố Yên Bái còn có tiềm năng về nhiều loại khoáng sản đá trắng, quặng sắt… Đây sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư có thể tham gia các dự án chế biến đá xẻ ốp lát, bột cacbonnat can xi siêu mịn...

Một lợi thế không thể không nói đến đó là Yên Bái có 55% dân số trong độ tuổi lao động, trong đó, thành phố Yên Bái là trung tâm nên có hàng vạn lao động có trình độ tay nghề. Đây là yếu tố thuận lợi để các nhà đầu tư có thể quan tâm. Không những vậy, với quan điểm tiếp tục lấy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làm khâu đột phá trong phát triển kinh tế, thành Phố Yên Bái đã và đang triển khai một số khu, cụm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đầy đủ và gắn với những vùng nguyên liệu và trục giao thông quan trọng như: Khu công nghiệp (KCN) phía Nam (là khu công nghiệp quốc gia và trọng điểm của tỉnh) nằm sát với tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, quốc lộ 70, diện tích hiện tại là 207,8ha, đã hoàn thiện hệ thống cấp điện, cấp nước, đường giao thông nội bộ; hiện KCN đã thu hút 17 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

KCN Âu Lâu là KCN nằm trong hệ thống KCN quốc gia với diện tích 120ha, nằm gần quốc lộ 37, cách sát nút giao lên xuống của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và rất gần với vùng nguyên liệu chè, quế, gỗ của các huyện lân cận; chủ trương của thành phố Yên Bái sẽ phát triển KCN Âu Lâu theo hướng đa ngành. Cùng với hai KCN trên địa bàn thành phố nói trên còn có KCN Minh Quân (nằm liền kề với xã Phúc Lộc, đây là KCN nằm trong hệ thống KCN quốc gia), có diện tích 120ha, nằm gần quốc lộ 37, 32C và các nút lên xuống của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai 1,5km, đây chính là KCN được tỉnh chủ trương mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông lâm sản.

Một yếu tố thuận lợi mà các nhà đầu tư có thể tính đến đó là tuyến đường cao tốc sẽ chạy qua địa bàn tới 80km, vì vậy tỉnh đang tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ gắn kết với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; gắn các cụm, KCN với đường cao tốc. Đặc biệt là tuyến đường nối thành phố Yên Bái với quốc lộ 32C và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ là cửa ngõ số 1 để gắn kết, lưu thông Yên Bái với thủ đô Hà Nội, các tỉnh miền xuôi và phía Tây Bắc cũng như thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Cùng đó là các chính sách ưu đãi như: về giá thuê đất: nhà đầu tư được thuê đất với đơn giá thấp nhất do UBND tỉnh quy định cho từng địa bàn, từng năm; giá thuê mặt nước: Nhà đầu tư được thuê mặt nước với mức thấp nhất trong khung giá theo quy định hiện hành của Chính phủ. Nếu đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông lâm sản như quế, gỗ, chè bằng công nghệ hiện đại, mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên thì được hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng...

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp đầu tư vào thành phố Yên Bái sẽ nhận được sự hỗ trợ về đầu tư kết cấu hạ tầng, kinh phí đào tạo lao động địa phương, kinh phí cho việc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại…

Với những tiềm năng tự nhiên, chính sách thu hút, nguồn lao động và kết cấu hạ tầng, có thể khẳng định thành phố Yên Bái thực sự là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.

Theo YBĐT

Tin liên quan