Bạn đang ở đây

Sản xuất, kinh doanh chè 2011: Thuận lợi nhiều, khó khăn không ít

10/09/2011 16:00:30
Những ngày đầu tháng tư này, hàng vạn hộ làm chè cùng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lại hối hả bước vào niên vụ sản xuất chè 2011 được dự báo là năm sản xuất rất khó khăn bởi ảnh hưởng của "bão giá".
 
Đến các vùng chè nguyên liệu từ thị trấn Liên Sơn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đến thị trấn Trần Phú và cả xã vùng cao Suối Giàng, Nậm Búng của Văn Chấn hay các vùng chè Yên Bình, Trấn Yên..., đâu đâu cũng thấy không khí lao động khẩn trương, hối hả của người làm chè và những đồi chè xanh tươi, búp non tua tủa.
 
Hàng ngàn, hàng vạn bà con nông dân từ vùng thấp đến vùng cao cần mẫn làm cỏ, bón phân, thu hái chè, tiếng cười tiếng nói rôm rả cả núi đồi báo hiệu một mùa chè bội thu. Sau mấy ngày mưa, hôm nay chị Thoa xã Thịnh Hưng (Yên Bình) và những người trong thôn đi thu hái lứa chè đầu vụ. Chị Thoa nói: "Đợt rét vừa qua ghê quá làm chè cứ xoăn cả búp lại, nhà tôi đầu tư phân bón ghê lắm mới được thế này đấy.
 
Từ đầu năm đến giờ gia đình mới thu hái lứa đầu tiên, với diện tích 1,2 ha giỏi lắm cũng chỉ được 3 tạ chè tươi, hy vọng vào từ lứa thứ hai trở đi thôi. Hôm qua ba chị em thu hái cũng được hơn tạ chè, bán cho nhà máy với giá 3.500 đồng/kg. Giá chè năm nay tuy có cao hơn năm trước (3.500 - 3.800 đồng/kg đối với chè vùng thấp và 5.000 - 5.500 đồng/kg đối với chè Shan vùng cao), nhưng giá cả vật tư, phân bón năm nay tăng 30% so với năm ngoái, bên cạnh đó chi phí nhân công cũng cao hơn năm trước. Nếu nhà máy mà cứ mua với giá hiện tại thì cuộc sống người làm chè khó khăn lắm. Nhà máy, doanh nghiệp cần phải tính toán và nâng giá thu mua chè lên, người làm chè mới mong sống được bằng nghề".
 
Quả là khó khăn, giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng giá từ 15-30% tùy từng loại phân bón, thế nhưng giá thu mua chè của doanh nghiệp tăng cũng không đáng là bao. Không chỉ vật tư tăng mà giá nhân công thu hái, làm cỏ, bón phân cũng tăng. Theo tính toán của người dân, hộ nào mà thuê người thu hái, chăm sóc chè mà bán với giá chè hiện tại thì chỉ có lỗ.
 
 Một vấn đề mấu chốt để sản xuất kinh doanh chè hiệu quả trong “bão giá” như hiện nay thì người làm chè phải đầu tư thâm canh thật tốt để tăng năng suất bù vào giá thu mua. Đồng thời áp dụng các biện pháp thâm canh an toàn “chè sạch” để nâng cao giá trị búp chè, nhưng nhà máy cũng phải điều chỉnh giá thu mua búp chè sạch cho tương ứng để người làm chè thực sự sống bằng nghề và gắn bó với nghề.
 
Theo kế hoạch năm 2011, toàn tỉnh phấn đấu sản xuất trên 85 ngàn tấn chè nguyên liệu, chế biến đạt 25 ngàn tấn chè thành phẩm. Để sản xuất đảm bảo kế hoạch ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp, công ty chè đã không ngừng đầu tư thay thế, bảo dưỡng thiết bị máy móc, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại.
 
Dẫu khó khăn bởi giá điện, xăng dầu và khó khăn nguồn vốn vay song Công ty cổ phần Chè Liên Sơn vẫn phấn đấu mức tăng trưởng trên 10%, sản xuất và tiêu thụ trên 1.600 tấn chè xanh, chè đen, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng, lương công nhân lao động đạt trên 2 triệu 700 ngàn đồng/người/tháng, cổ tức đạt 15% năm. Để đạt được mục tiêu đó, Công ty đã đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất chè đen và chè xanh đồng thời đưa cơ cấu sản xuất chè xanh lên 40% và nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ vụ chè này, Công ty không thu mua chè hái không đúng phẩm cấp, chất lượng.
 
Công ty cổ phần Chè Tân Phú cũng đã bắt đầu đi vào sản xuất và đề ra mục tiêu sản xuất  trên 2 ngàn tấn chè thành phẩm. Để thực hiện mục tiêu đó, ngay từ đầu năm, doanh nghiệp đã tổ chức sửa chữa trung đại tu dây chuyền máy móc, củng cố kiện toàn mạng lưới thu mua nguyên liệu thuận lợi với nhân dân; tiếp tục cải tiến hệ thống sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
 
Trước đây vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp là tiêu thụ sản phẩm nhưng năm 2011 này Công ty lo nhất là làm sao thu mua đủ nguyên liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp chè như: Công ty cổ phần Chè Văn Hưng, Công ty Chè Nghĩa Lộ... cũng đã bắt tay vào cuộc sản xuất, kinh doanh chè năm 2011. Nhìn chung, các doanh nghiệp đều đã tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định song vấn đề lo lắng nhất hiện nay vẫn là khâu nguyên liệu từ số lượng đến chất lượng.
 
Một niên vụ sản xuất chè nữa lại đến và được dự báo là khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của các cấp, các ngành, huyện, thị, doanh nghiệp và bà con nông dân mới hy vọng có một vụ chè thắng lợi.
 
Theo YBĐT

Tin liên quan