Bạn đang ở đây

Quản chặt hoạt động bán hàng đa cấp

07/10/2013 16:34:12

Theo ông Phan Đức Quế, Trưởng phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương) cho biết, BHĐC là một phương thức tiếp thị trực tiếp để bán lẻ hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng thông qua mạng lưới nhà phân phối. Tại Việt Nam hiện có 87 DN đăng ký BHĐC nhưng thực tế chỉ có 60 DN hoạt động, với khoảng 1 triệu người tham gia. Doanh thu bán hàng trong năm 2012 đạt 4.060 tỷ đồng, nộp thuế 517,5 tỷ đồng.

Hoạt động BHĐC đang bộc lộ nhiều bất cập: Ngoài ra, tại nhiều tỉnh, thành phố phần lớn chỉ tiếp nhận thông báo mở rộng mạng lưới BHĐC mà chưa hề có bất kỳ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận tổ chức BHĐC từ các đơn vị, công ty chuyên hoạt động BHĐC. Hoạt động này cũng có nguy cơ biến thành lừa đảo, xuất hiện nhiều DN hoạt động BHĐC trên mạng nhưng đến nay chưa có quy định để quản lý hình thức này.

Ông Quế cho biết thêm hiện Nghị định 110/2005/NĐ-CP, Thông tư 19/2005/TT-BTM và Thông tư 35/2011/TT-BCT là các văn bản pháp luật quy định về quản lý hoạt động BHĐC nhưng các văn bản này đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho các đơn vị quản lý và DN trong việc chấp hành pháp luật.

Do đó, Cục Quản lý Cạnh tranh đã đứng ra chủ trì, xây dựng nghị định về quản lý BHĐC thay thế cho các văn bản nêu trên. Nghị định mới cũng nhằm bảo đảm sự phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh; đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp DN bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho các DN BHĐC phát triển đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt hơn hoạt động này.

Ngoài ra, thời gian qua Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam và Hội DN bán hàng trực tiếp trực thuộc Hiệp hội thương Mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam cũng đang tiến hành xây dựng Bộ quy tắc đạo đức dành cho các cá nhân và tổ chức bán hàng trực tiếp tại Việt Nam. Bộ quy tắc này nhằm thể hiện trách nhiệm, đạo đức của các DN, nhà phân phối đối với người tiêu dùng; trách nhiệm, đạo đức giữa các DN bán hàng đa cấp với nhau.

Dự thảo Nghị định mới quản lý BHĐC có một số điểm thay đổi như: Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký tổ chức BHĐC sẽ giao cho Bộ Công Thương cấp thay vì các Sở Công Thương như quy định trước đây; DN BHĐC phải ký quỹ 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại nơi DN đặt trụ sở chính thay vì 1 tỷ đồng như trước đây.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Tin liên quan