Bạn đang ở đây

Những điều cần biết khi kinh doanh tại Campuchia

27/03/2015 08:15:05

Giống như nhiều quốc gia khác ở châu Á, các mối quan hệ kinh doanh tại Campuchia có nền tảng là các mối quan hệ cá nhân. Các kết nối rất quan trọng trong tiếp xúc và xây dựng lòng tin. Người Campuchia cởi mở, gần gũi và thân thiện. Việc tiếp cận với các đầu mối kinh doanh tiềm năng nên được thực hiện khi đã có giới thiệu trước. Các đối tác tiềm năng và khách hàng tại Campuchia thường dễ tiếp cận hơn đối với những người đến liên hệ được một quan chức chính phủ hoặc một đầu mối quan hệ kinh doanh giới thiệu. Nên mang tặng những món quà nhỏ có logo của công ty, cũng có thể mời ăn trưa hay ăn tối.

Nên mang theo danh thiếp. Cũng như ở nhiều quốc gia khác, các danh thiếp được trao đổi trong quá trình giới thiệu. Luôn đưa và nhận danh thiếp bằng cả hai tay để tỏ ý tôn trọng và đọc các danh thiếp sau khi nhận. Điều này đặc biệt quan trọng khi giao dịch với Hoa kiều tại Campuchia, vì nhiều người trong số đó giữ các chức vụ có ảnh hưởng trong cộng đồng doanh nghiệp của nước này.

Chắp tay cúi chào “sampeah” vẫn là cử chỉ chào đón truyền thống, đặc biệt đối với phụ nữ, mặc dù việc bắt tay đang trở nên phổ biến hơn. Người nước ngoài có thể bắt tay với đàn ông và cả phụ nữ, nhưng phải chờ người phụ nữ đưa tay trước; nếu không sử dụng lối chào sampeah truyền thống. Chạm vào đầu một người nào đó, chỉ bằng bàn chân hoặc chỉ tay vào mặt ai đó được coi là hành vi cực kỳ thô lỗ và gây khó chịu. Đội mũ trong nhà và đặc biệt là trong các đền thờ cũng được coi là hành vi thô lỗ.

Trong các cuộc họp chính thức, đàn ông nên mặc áo vest và cà vạt và phụ nữ nên mặc váy hoặc bộ vest phù hợp. Trong một bối cảnh ít trang trọng hơn, có thể dùng trang phục bình thường.

Vận chuyển

Campuchia có ba sân bay quốc tế: Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville. Ba sân bay đã được nâng cấp trong những năm gần đây các sảnh đón khách hiện đại. Các tuyến bay nội địa kết nối Phnom Penh với Siem Reap và Siem Reap với Sihanoukville.

Xe ô tô, xe buýt là những phương tiện rẻ tiền để đi đến hầu hết các tỉnh lỵ. Campuchia đã khai trương dịch vụ xe buýt công cộng tại Phnom Penh vào tháng 2/2014. Số lượng hành khách sử dụng phương tiện công cộng đang dần tăng lên. Các dịch vụ vận chuyển bằng xe máy, xe ba bánh (được gọi là tuk-tuk) và xích lô rất phổ biến.

Xe hơi tư nhân có thể thuê ở hầu hết các thành phố. Chi phí thuê biến động từ 25 đến 50 USD mỗi ngày.

Mạng lưới đường bộ của Campuchia đã được cải thiện đáng kể trong vài năm qua nên có thể du lịch khắp đất nước dễ dàng hơn so với vài năm trước đây. Tuy nhiên, trong mùa mưa, vẫn không thể đi đến một số địa điểm bằng đường bộ.

Thông tin liên lạc

Cước điện thoại quốc tế tương đối đắt đỏ so với các nước khác trong khu vực. Dịch vụ điện thoại di động đã bao trùm hầu hết các vùng trong cả nước và được cung cấp bởi một số công ty, như Mobitel, Smart, Metfone, và Beeline. Dịch vụ chuyển vùng quốc tế cho điện thoại di động cũng có sẵn nhưng có thể khá tốn kém. Dịch vụ Internet đang được cải thiện nhanh chóng cả về giá cả và dịch vụ, nhưng không giới hạn dịch vụ băng thông rộng vẫn còn tương đối đắt. Truy cập Internet không dây được cung cấp tại hầu hết các khách sạn lớn và được sử dụng miễn phí trong nhiều nhà hàng và quán cà phê.

Ngôn ngữ

Tiếng Khmer là ngôn ngữ chính thức của Campuchia. Tiếng Anh thường được sử dụng trong hầu hết các cuộc hội họp kinh doanh. Tuy nhiên, một số quan chức cao cấp của chính phủ thích sử dụng tiếng Khmer trong các cuộc họp chính thức. Tiếng Hoa, Pháp, Thái Lan và Việt Nam cũng được sử dụng rộng rãi.

Y tế

Cơ sở vật chất và dịch vụ y tế ở Campuchia chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Cả thành phố Phnom Penh lẫn Siem Reap chỉ có vài phòng khám và bệnh viện quốc tế có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản.

Giờ làm việc

Các cơ quan thương mại

Giờ làm việc thường kéo dài từ 7:30 sáng đến 12 giờ trưa và từ 1:30 đến 5 giờ chiều, từ thứ Hai đến thứ Sáu và sáng ngày thứ Bảy.

Các cơ quan chính phủ

Giờ làm việc mở cửa làm việc từ 7:30 đến 11:30 sáng và từ 2 giờ đến 5 giờ chiều, từ thứ Hai đến thứ Sáu.

Các ngày nghỉ lễ

Ngày 01/01: Năm mới dương lịch

Ngày 07/01: Chiến thắng chế độ diệt chủng

Ngày 14/02: Ngày lễ Meaka Bochea

Ngày 08/3: Ngày Quốc tế Phụ nữ

Ngày 14/4 - 16/4: Năm mới của Campuchia

Ngày 01/5: Ngày Quốc tế Lao động

Ngày 13/5 - 15/5: Sinh nhật Quốc Vương Norodom Sihamoni

Ngày 13/5: Ngày Visaka Bochea

Ngày 26/5: Lễ cày bừa Hoàng gia

Ngày 01/6: Ngày Thiếu nhi quốc tế và Campuchia

Ngày 18/6: Sinh nhật Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk

Ngày 22/9 - 23/9: Lễ tôn giáo Pchum Ben

Ngày 24/09: Ngày Hiến pháp

Ngày 15/10: Tưởng niệm Quốc Vương Norodom Sihanouk

Ngày 23/10: Lễ kỷ niệm Hiệp định Hòa bình Paris

Ngày 29/10: Ngày đăng quang của Quốc Vương Norodom Sihamoni

Ngày 05/11 - 07/11: Lễ hội nước

Ngày 09/11: Ngày Độc lập

Ngày 10/12: Ngày Nhân quyền Quốc tế

Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Campuchia

Các giấy tờ cần thiết xin thành lập công ty Việt Nam tại Campuchia:

  • Đơn xin thành lập công ty tại Campuchia (theo mẫu của Bộ Thương mại Campuchia);

  • Hợp đồng thuê nhà tại Campuchia (tiếng Khmer hoặc tiếng Anh);

  • Giấy chứng nhận mở tài khoản ngân hàng tại Campuchia;

  • Photocopy hộ chiếu có visa và 03 ảnh chụp 4x6 của người đứng tên giám đốc công ty;

  • Đơn xin đăng ký tên công ty vào danh sách các công ty tại Bộ Thương mại Campuchia (theo mẫu của Bộ Thương mại Campuchia);

  • Nộp lệ phí xin mở công ty theo quy định của Bộ Thương mại Campuchia;

  • Đơn khẳng định không phải là công chức nhà nước, không phạm tội (theo mẫu).

  • Thời gian nhận kết quả khoảng 05 ngày làm việc, hồ sơ xin thành lập công ty nộp tại Bộ Thương mại Campuchia, Cục Đăng ký thương mại.

Các giấy tờ cần thiết xin thành lập chi nhánh công ty, văn phòng đại diện tại Campuchia:

  • Đơn xin thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện công ty tại Campuchia (theo mẫu của Bộ Thương mại Campuchia);

  • Hợp đồng thuê nhà tại Campuchia (tiếng Khmer hoặc tiếng Anh);

  • Dịch công chứng ra tiếng Anh toàn bộ giấy tờ của công ty gốc tại Việt Nam, bao gồm: Điều lệ công ty, giấy thành lập công ty, chứng nhận ngành nghề đăng ký kinh doanh,.);

  • Photocopy hộ chiếu có visa và 03 ảnh chụp 4x6 của người đứng tên làm trưởng chi nhánh hoặc trưởng văn phòng đại diện công ty;

  • Đơn xin đăng ký tên chi nhánh hoặc văn phòng đại diện công ty vào danh sách các công ty tại Bộ Thương mại Campuchia (theo mẫu của Bộ Thương mại Campuchia);

  • Nộp lệ phí xin mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện Công ty theo quy định của Bộ Thương mại Campuchia. Thời gian nhận kết quả khoảng 05 ngày làm việc, hồ sơ xin thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện công ty nộp tại Bộ Thương mại Campuchia, Cục Đăng ký thương mại.

Nguồn: itpc.gov.vn

Tin liên quan