Bạn đang ở đây

Những điểm mới trong chính sách khuyến công Quốc gia và địa phương

02/04/2014 14:26:03

Nghị định 45/2012/NĐ-CP ra đời, tiếp tục và kế thừa những nội dung tích cực đạt được trong thời gian qua và khắc phục được những bất cập, tồn tại của Nghị định 134/2004/NĐ-CP.

Đồng thời để nâng cao chất lượng về mọi mặt của các hoạt động khuyến công, Nghị định 45/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản như sau:

- Về phạm vi và đối tượng: Mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách khuyến công, bao gồm các cơ sở công nghiệp đầu tư sản xuất tại phường thuộc thành phố loại 2, 3 và các phường thuộc thành phố loại I được chuyển đổi từ xã chưa quá 5 năm (còn nhiều khó khăn). Đối với các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn thì không phân biệt quy mô, loại hình doanh nghiệp và địa bàn đầu tư sản xuất;

- Về mục tiêu: Nghị định bổ sung thêm mục tiêu của hoạt động khuyến công: “Khuyến khích, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người".

- Về nội dung hoạt động khuyến công: Nghị định 45/2012/NĐ-CP bổ sung thêm hoạt động áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, “Hỗ trợ tư vấn, lãi suất vốn vay cho các cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường khi di dời vào các khu, cụm công nghiệp” vào hoạt động khuyến công.

+ Bổ sung thêm vào quy định về hợp tác quốc tế và hoạt động tư vấn khuyến công.

+ Nghị định cũng bổ sung nội dung đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các Trung tâm Khuyến công cấp vùng và cấp tỉnh.

 - Về nguyên tắc ưu tiên: Là một trong những nội dung mới của Nghị định 45/2012/NĐ-CP, trong đó có chia ra địa bàn ưu tiên và ngành nghề ưu tiên. Đối với các chương trình, đề án được triển khai trên địa bàn ưu tiên và ngành nghề ưu tiên thì được ưu tiên hơn khi xét giao kế hoạch và mức kinh phí so với quy định chung.

- Về tổ chức hệ thống khuyến công: Nghị định 45/2012/NĐ-CP bổ sung một Chương với 04 điều về Tổ chức hệ thống khuyến công. Nghị định quy định tổ chức hệ thống khuyến công từ Trung ương đến cấp huyện và mạng lưới cộng tác viên đến cấp xã. Chế độ đối với cộng tác viên khuyến công cũng được quy định, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai. Các tổ chức dịch vụ khuyến công khác cũng được thừa nhận.

- Về trách nhiệm của các Bộ, ngành: Nghị định 45/2012/NĐ-CP quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp, xem xét trình Chính phủ phân bổ kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị cho Trung tâm Khuyến công quốc gia ở các vùng và chi hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị cho Trung tâm Khuyến công của các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Nghị định cũng quy định, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Trung tâm Khuyến công cấp tỉnh.

Sau khi Nghị định 45/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, thực hiện theo tinh thần Nghị định 45/2012/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Sau 1 năm tham khảo ý kiến đóng góp của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trên toàn quốc, ngày 18 tháng 02 năm 2014, liên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT hướng dẫn cụ thể về trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương. Thông tư áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện, thụ hưởng và quản lý các chương trình, kế hoạch đề án khuyến công quốc gia và địa phương quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính Phủ về Khuyến công.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 4 năm 2014 và thay thế cho Thông tư số 125/2009/TTLT-BTC-BCT ngày 17 tháng 6 năm 2009 của liên Bộ Tài Chính – Bộ Công Thương hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với Chương trình khuyến công. Theo đó, Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất; giám sát đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của các đề án, đảm bảo việc quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.

Ngày 25 tháng 3 năm 2011, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND về Quy chế xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Yên Bái; đến nay Quy chế này không còn phù hợp với Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/2004 và Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT của liên Bộ Tài chính và Công Thương vừa ban hành, thay thế Thông tư số 125/2009/TTLT-BTC-BCT; để Quy chế xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Yên Bái phù hợp với Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT UBND tỉnh đã giao cho Sở Công Thương nghiên cứu sửa đổi Quy chế xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được ban hành theo Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND, đến nay Quy chế Sở Công Thương đã soạn thảo và tổ chức lấy ý kiến tham gia của Sở, ban ngành, các địa phương trong tỉnh và dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt ban hành trong quý II năm 2014.

Nguồn: Phòng QLCN

Tin liên quan