Bạn đang ở đây

Những bước tiến mới trong hợp tác kinh tế ASEAN-EU

10/09/2011 17:31:05
Liên kết giữa ASEAN và EU dựa trên sự kết hợp giữa hai cấu trúc kinh tế mang tính bổ sung mạnh mẽ. ASEAN hội tụ sức mạnh của các nền kinh tế đang phát triển, năng động bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á trong khi EU có ưu thế về công nghệ, vốn, kinh nghiệm của những nền kinh tế phát triển có chiều sâu. Đây là động cơ quan trọng bậc nhất để ASEAN và EU trở thành hai đối tác kinh tế lớn, quan trọng của nhau. Bên cạnh đó, cả ASEAN và EU dù trên cấp độ hội nhập khác nhau, đều hướng đến việc xây dựng các không gian kinh tế khu vực thống nhất với quy mô to lớn, là động lực cho phát triển thương mại và đầu tư. Thông qua những nỗ lực song phương cũng như giữa hai khu vực, ASEAN và EU đang từng bước kết nối một không gian kinh tế của 1,1 tỷ người tiêu dùng và khoảng 19 nghỉn tỷ đô la giữa hai khu vực. Yếu tố này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi ASEAN đang hoàn tất những bước cuối cùng để thành lập cộng đồng kinh tế vào năm 2015, trở thành một không gian sản xuất thống nhất, một thị trường chung của khu vực Đông Nam Á.
 
Trên nền tảng quan hệ và định hướng vững chắc này, ý tưởng về việc nâng tầm quan hệ thương mại giữa các nước ASEAN và EU đã được đưa ra ngay năm 2004. Từ ý tưởng này, năm 2005, EU và ASEAN đã thành lập Nhóm Tầm nhìn về quan hệ đối tác kinh tế ASEAN-EU để nghiên cứu khả thi việc đàm phán và thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-EU nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác và liên kết kinh tế giữa hai bên. Dựa trên báo cáo và khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn, tháng 5 năm 2007, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Cao ủy Thương mại EC đã quyết định khởi động đàm phán Khu vực Thương mại Tự do giữa EU với cả khối ASEAN (cách tiếp cận khu vực-khu vực). Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, quá trình đàm phán đã không đạt được tiến triển như mong đợi. Vì vậy, các bên đã quyết định tạm dừng các cuộc đàm phán khu vực-khu vực giữa EU và ASEAN.
 
Việc tạm thời dừng đàm phán FTA khu vực-khu vực không đồng nghĩa với việc dừng các sáng kiến có thể nâng tầm hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa EU với ASEAN cũng như giữa EU với từng nước ASEAN. Là nước điều phối quan hệ hợp tác kinh tế ASEAN - EU, Việt Nam đang nỗ lực hết sức để tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên. Tại Hội nghị tham vấn các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Cao ủy Thương mại EC vào tháng 8 năm 2010, hai bên đã nhất trí triển khai “Sáng kiến về thương mại và đầu tư” nhằm thắt chặt quan hệ đối tác kinh tế, tăng cường trao đổi thông tin và đối thoại chính sách trong những lĩnh vực liên quan.
 
Trên cơ sở Sáng kiến này, ta đã phối hợp với các nước ASEAN và EU xây dựng “Chương trình làm việc về thương mại và đầu tư ASEAN-EU”. Chương trình làm việc này đã được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Cao ủy Thương mại EC thông qua tại Hội nghị Tham vấn AEM-Cao ủy Thương mại EC lần thứ 10 vào tháng 5 vừa qua. Chương trình làm việc này sẽ làm cơ sở cho các hoạt động phối hợp đa dạng, toàn diện nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa hai khu vực. Đây sẽ là nền tảng để hai bên tiếp tục phát huy mối quan hệ tin cậy và bền vững hơn. Chương trình gồm các hoạt động chính (1) Hội nghị hàng năm giữa các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Cao ủy Thương mại EC, (2) Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU, (3) Đối thoại ở cấp quan chức cấp cao và cấp kỹ thuật về những vấn đề hai bên cùng quan tâm và (4) Các chương trình hợp tác kinh tế hiện có khác.
 
Bên cạnh việc thông qua Chương trình làm việc này, ASEAN và EU cũng đã tổ chức Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU lần đầu tiên vào ngày 5 tháng 5 năm 2011. Đây là hoạt động đầu tiên được tổ chức thành công trong khuôn khổ Chương trình làm việc và đầu tư ASEAN – EU. Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hơn 600 doanh nghiệp và nhà đầu tư đến từ ASEAN và EU, tạo cầu nối cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp gỡ, giao lưu, trao đổi các cơ hội kinh doanh và đầu tư. Diễn đàn cũng là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp, đối thoại với các Bộ trưởng kinh tế của ASEAN và EU đồng thời nêu lên các đề xuất của mình. Nhân dịp này, ASEAN và EU đã ủng hộ việc thành lập Hội đồng Kinh doanh ASEAN-EU, một khuyến nghị quan trọng của Diễn đàn.
 
Đối với ta, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - EU đang tiến triển tích cực. Trong vòng 11 năm từ năm 2000 đến năm 2011, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng 4,3 lần, từ mức 4,1 tỷ đô la năm 2000 lên 17,75 tỷ đô la năm 2010; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 4 lần từ 2,8 tỷ đô la lên 11 tỷ đô la và nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 4,89 lần, từ 1,3 lên 6,3 tỷ đô la. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, trừ thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt khoảng 25%. Riêng hai tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và EU đạt 3,08 tỷ đô la, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu kinh tế Việt Nam và cơ cấu kinh tế Liên minh châu Âu, xét về mặt tổng thể, có tính bổ sung lẫn nhau nhiều hơn tính cạnh tranh đối đầu. Nhu cầu nhập khẩu của EU phần lớn là cao su nguyên nhiên liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, may mặc, thuỷ sản, cà phê, chè, hạt tiêu, v.v... Đây là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh đã tạo được uy tín khá vững chắc đối với người tiêu dùng EU.
 
Trong quan hệ đầu tư, EU là đối tác đầu tư FDI hàng đầu vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 31 tỷ đô la. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam nhưng tập trung nhiều nhất vào công nghiệp và xây dựng (chiếm 50,1 % số dự án và 50,6 % tổng vốn đầu tư), trong đó công nghiệp nặng có 180 dự án với tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ đô la, tiếp theo là khai thác dầu khí 19 dự án với 2,5 tỷ đô la. EU đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ khoảng 40 % số dự án và 42 % tổng vốn đầu tư).
 
Tiềm năng về hợp tác song phương Việt Nam và EU còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và các nước ASEAN đang hướng đến sự hội nhập đầy đủ trong Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như vai trò đang ngày càng được khẳng định của EU tại khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, một số nước ASEAN như Ma-lai-xi-a, Singapore đang tiến hành đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do song phương (FTA) với EU. Việt Nam và EU cũng đang xem xét khả năng đàm phán Hiệp định FTA song phương trong thời gian tới. Hiệp định này không những góp phần khai thác tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế giữa ASEAN và EU nói chung.
 
Theo Bộ Công Thương

Tin liên quan