Bạn đang ở đây

Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trên 10% năm 2014

17/12/2013 10:05:20

 

Sáng nay (16/12), trong khuôn khổ Hội nghị Tham tán thương mại 2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có buổi gặp mặt các Tham tán Công sứ, Tham tán thương mại phụ trách các Thương vụ và chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sang năm 2014, cùng với việc chuẩn bị hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định thương mại tự do với EU, với liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan và với các đối tác lớn khác, một mặt sẽ mở ra cho nước ta nói chung và ngành Công Thương nói riêng những thuận lợi và cơ hội phát triển mới, nhưng mặt khác cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn.

Do đó, Bộ Công Thương đã xác định một số phương hướng cụ thể cho phát triển ngành trong năm 2014.

Sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng khoảng 6,4-6,6%

Về sản xuất công nghiệp, phát triển công nghiệp đảm bảo tính bền vững, hiệu quả với giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 6,4-6,6%, đảm bảo sự gắn kết một cách thực sự giữa công tác quy hoạch sản xuất trong nước với công tác thị trường ngoài nước.

Đồng thời, phát triển có chọn lọc những ngành công nghiệp mà nước ta có nhiều lợi thế; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và vật liệu mới đi đôi với áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; từng bước phát triển công nghiệp sinh học và công nghiệp vì môi trường bền vững. Tiếp tục phát triển phù hợp các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Đặc biệt, tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để hoàn thành đầu tư xây dựng một số công trình then chốt về năng lượng, cơ khí chế tạo, khai khoáng, hóa chất, hóa dầu, hóa dược..., công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ xuất khẩu, giảm nhập khẩu với trình độ công nghệ ngày càng cao, thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng.

Phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu trên 10%

Về thương mại, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phát triển thương mại Việt Nam trong giai đoạn tới cần phải gắn với tính bền vững và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong đó, xuất khẩu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10%. Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương xác định, cần phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu với lợi thế của Việt Nam, đây được coi là khâu đột phá;

Tiếp tục tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có như thuỷ sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình... trong đó, cần tăng dần tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao, trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực này;

Đặc biệt, cần tập trung phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn. Trong đó, sẽ tập trung khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ... đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, Châu Phi, Trung Đông và Mỹ La tinh.

Nhập siêu năm 2014 cần được duy trì ở mức tối đa 6%

Còn ở chiều nhập khẩu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Nhập siêu năm 2014 cần được duy trì ở mức 6% hoặc thấp hơn nữa so với tổng kim ngạch xuất khẩu, khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn; hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa mà trong nước đã sản xuất được với chất lượng đảm bảo và giá cả cạnh tranh; hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ; đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu.

Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, tranh thủ mở cửa thị trường trong các FTA mới để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và nhập khẩu công nghệ nguồn.

Đối với thương mại nội địa, phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ nội địa đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 14%...

Để góp phần đạt các mục tiêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các Tham tán Công sứ, Tham tán thương mại cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm, phát triển thị trường. Bên cạnh xúc tiến thương mại, các Tham tán Công sứ, Tham tán thương mại phải đẩy mạnh xúc tiến công nghiệp để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Bởi vì, tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào công nghiệp xây dựng và dịch vụ.

Theo VOV

Tin liên quan