Bạn đang ở đây

Mảng sáng công nghiệp chế biến

07/01/2014 16:43:12

Nhọc nhằn tăng trưởng

Ngay từ đầu năm, các dự báo đã cho thấy, năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn đối với sản xuất công nghiệp vì kinh tế thế giới và trong nước chưa thực sự phục hồi, sức mua còn yếu.

Quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 4,9%, đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ của những năm gần đây (cùng kỳ năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011 tăng 5,9%). Các ngành sản xuất và phân phối điện, khai khoáng và công nghiệp chế biến, chế tạo đều có mức tăng trưởng chỉ số sản xuất thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, 3 năm liên tục, tốc độ tăng chỉ số IIP quý I liên tục giảm. riêng quý I/2013 có tốc độ tăng thấp nhất. Đây là mối lo ngại về khả năng phục hồi sản xuất cũng như phục hồi nền kinh tế.

11 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của nhóm công nghiệp công nghệ cao đã đạt con số 85,5 tỷ USD, tăng 27,3% và chiếm tỷ trọng khoảng 70,6%. Với đà tăng này, năm 2013, kim ngạch của nhóm được kỳ vọng vượt mốc 100 triệu USD.

Tuy nhiên, bước sang quý II, tình hình sản xuất công nghiệp đã từng bước được cải thiện. Chỉ số IIP quý II/2013 tăng 6%, cao hơn khá nhiều so với mức tăng trong quý I. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP tăng dần qua từng tháng: 3 tháng đầu năm tăng 4,9%; 4 tháng tăng 5%; 5 tháng tăng 5,2%; 6 tháng tăng 5,2%.

Mặc dù sang quý III, kinh tế cả nước nói chung và ngành công thương nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ có sự bứt phá của công nghiệp chế biến nên chỉ số IIP ít nhiều được cải thiện. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 (9 tháng năm 2012 so với 9 tháng năm 2011 tăng 4,8%).

Quý IV được coi là tháng nước rút để hoàn thành kế hoạch và cũng là tháng tăng cường sản xuất để phục vụ hàng hóa cho Tết Nguyên đán. Tuy nhiên sự sụt giảm của một số ngành hàng như dầu thô, phân bón, thiết bị truyền thông, môtô, xe máy khiến chỉ số sản xuất tháng 10 và 11 lần lượt tăng 5,9% và 5,7% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, 11 tháng cũng có được mức tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước và ước chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2013 tăng khoảng trên dưới 5,7%. Con số này tuy chưa được như mong muốn nhưng cũng là mức tăng cao nhất mà toàn ngành phải nhọc nhằn góp nhặt từng điểm phần trăm tăng trưởng trong suốt cả năm.

Bước chuyển dịch tích cực

Mặc dù không có được tốc độ tăng trưởng cao nhưng nhìn lại bức tranh của công nghiệp Việt Nam năm 2013, có thể thấy sự chuyển dịch tích cực. Nếu như trước đây, tăng trưởng chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp khai khoáng thì nay mảng màu sáng chủ đạo lại là công nghiệp chế biến, đặc biệt là những ngành hàng công nghệ cao như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...

Kết thúc năm 2012, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5% và trong quý I/2013 chỉ tăng khiêm tốn ở mức 5,4%, thấp hơn so với mức tăng 5,9% của cùng kỳ năm trước. Quý II/2013, chỉ số IIP của nhóm ngành này đã có mức tăng bứt phá lên 6,9% và duy trì 6,8% sau 3 quý đầu năm. Bước sang tháng 10 và 11, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng cao lần lượt 8,2% và 8,4%. Như vậy, sau 11 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có mức tăng 7,1%.

Trong khi nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - được kỳ vọng và khuyến khích - có được tốc độ tăng trưởng cao thì nhóm ngành công nghiệp khai khoáng - nhóm cần được hạn chế để tránh cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường - đã và đang giảm dần. Chỉ số tăng của ngành công nghiệp khai khoáng đã giảm 3,5% năm 2012 xuống 2,1% trong quý I và 1,9% trong quý II, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,2% của cùng kỳ năm 2012. Sang quý III, nhóm ngành này không những không tăng mà còn giảm 0,2% (trong khi cùng kỳ năm 2012 tăng 4,0% và 6 tháng năm 2013 tăng 1,9%). Trong tháng 10, nhóm công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm 2,8% và tháng 11 giảm tới 4,2%. Ngoài ra các nhóm hàng khác cũng duy trì ở mức ổn định.

Mảng màu của ngành công nghiệp công nghệ cao còn được tỏa sáng rõ nét ở lĩnh vực xuất khẩu. Nhiều mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao, cao hơn tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung và là yếu tố quan trọng góp phần đưa xuất khẩu về đích với thành tích cao trong năm 2013.

Ngay trong quý I, kim ngạch nhóm hàng này đã đạt gần 20,7 tỷ USD, chiếm 69,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 31,8% so với cùng kỳ. Đến hết quý II, con số này được nâng lên 42,7 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2012. Hết quý III, đã lên tới 67,24 tỷ USD, chiếm hơn 69,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Và sau 11 tháng, kim ngạch của nhóm này đã đạt con số 85,5 tỷ USD, tăng 27,3% và chiếm tỷ trọng khoảng 70,6%. Với tốc độ này năm 2013, chắc chắn kim ngạch nhóm hàng này sẽ vượt mốc 100 triệu USD.

Dự báo trong năm 2014, cả chỉ số sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành này sẽ còn tăng cao khi một số nhà máy công nghệ cao tiếp tục mở rộng, sản xuất và tăng đầu tư. Đây tiếp tục là nhóm hàng chủ lực đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và là động lực thúc đẩy công nghiệp phát triển.

Theo Báo Công thương

Tin liên quan