Bạn đang ở đây

Kiềm chế lạm phát vẫn là thách thức

10/09/2011 17:34:46
Bên cạnh đó, mùa mưa bão đang đến gần có thể gây đứt nguồn cung và tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Do đó, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là những thách thức lớn mà các ngành chức năng cần phải định lượng và có biện pháp giải quyết cho đạt hiệu quả.
 
Những tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP đã đạt 5,57%; sản xuất công nghiệp tăng 14,3%, nông nghiệp tăng 3,7%; thương mại, dịch vụ tăng 22,6%... so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường tài chính tiền tệ không có biến động lớn, tỷ giá có xu hướng ổn định, lãi suất cơ bản tiếp tục được giữ ổn định (9%), lãi suất huy động và cho vay VND tại các ngân hàng giảm nhẹ... Dự báo, những tháng cuối năm thị trường sẽ còn diễn biến phức tạp, với giá các loại hàng hóa có xu hướng tăng, cùng với tình trạng lạm phát có nguy cơ trở lại, gia tăng tại nhiều quốc gia trong đó có nước ta sẽ gây tình trạng tăng giá lan tỏa của các sản phẩm hàng hóa qua biên giới. Bên cạnh đó, mùa mưa bão sắp đến có thể làm gián đoạn nguồn cung, tăng giá sản phẩm cục bộ tại một số địa phương.
 
Kiềm chế lạm phát, ổn định lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm an sinh xã hội, nhất là chăm lo giảm bớt khó khăn cho người nghèo, người có thu nhập thấp và cải thiện đời sống của nhân dân là những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, đang đặt ra cho các ngành chức năng gánh nặng cần phải giải quyết. Vì chỉ trong một thời gian ngắn, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng gấp đôi, gấp ba, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là người có thu nhập thấp, công nhân lao động… Nguy cơ lạm phát trong quý III và IV được dự báo ở mức cao, bởi từ thời điểm này đến cuối năm là mùa mưa bão, mùa mua sắm phục vụ lễ, tết.
 
Trước thực tế này, trong 8 nhóm giải pháp Chính phủ đã đề ra phải sớm khắc phục những tác động hạn chế của các chính sách (mỗi chính sách đưa ra thường có hai mặt: tích cực và hạn chế), nhất là với chính sách thắt chặt tiền tệ. Theo các chuyên gia, hiện nay có non nửa DN nhỏ và vừa không có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng trong khi nhu cầu vốn cho hoạt động SXKD rất lớn. Do đó, ngoài việc miễn, giảm thuế đúng đối tượng, Chính phủ cần chỉ đạo các ngành chức năng có những giải pháp đồng bộ, hay chuyên biệt để hỗ trợ khu vực DN này. Vì với lãi suất vay cao, các DN khó có thể SXKD để tồn tại, chứ nói gì đến có lãi. Vậy các ngân hàng cần phải làm thế nào để sử dụng có hiệu quả hơn hạn mức tín dụng còn lại của năm 2011, nhất là cần xem xét để giảm lãi suất cho vay bằng cách kiểm soát lãi suất đầu vào để "cứu" các DN SXKD; phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, không gây "sốc" cho nền kinh tế, lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng.
 
Tiếp tục cắt giảm đầu tư công là giải pháp đúng. Tuy nhiên, với giải pháp này không nên thực hiện theo kiểu bình quân, mà cần tính toán thứ tự ưu tiên, có tiêu chí cụ thể đình hoãn, cắt giảm đầu tư công. Với các dự án trọng điểm vùng sâu, vùng xa, các địa phương khó khăn, các dự án liên quan đến dân sinh, không nên cắt giảm vì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc làm, an sinh xã hội. Dư luận xã hội cũng mong muốn, những tháng cuối năm ngành chức năng tập trung giải quyết nhiều vấn đề bức xúc khác, như giảm bội chi ngân sách, giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, hạn chế nhập siêu… Đặc biệt, tăng cường kiểm soát giá cả, bảo đảm ổn định cung - cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; thanh tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật về giá, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá cả, thị trường. Với cách làm đó, hy vọng mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trong những tháng cuối năm sẽ đạt hiệu quả.
 
Theo Hà Nội mới

Tin liên quan