Bạn đang ở đây

Khó khăn công tác chống Lậu trên tuyến Đường Sắt

28/10/2013 10:49:23

Những năm trước, đây là tuyến đường nóng bỏng về hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ Lào Cai về xuôi và nạn bảo kê hàng hoá. Tuy nhiên, khoảng từ 3 năm trở lại đây, tình hình vận chuyển hàng hoá hoá nhập khẩu từ Lào Cai về xuôi qua tuyến đường này có phần lắng giảm, mặt hàng được vận chuyển chủ yếu là phân bón. Trên các chuyến tầu chạy ngược từ Hà Nội lên Lào Cai, đa phần là khoáng sản và chất thải nguy hại. Một số đối tượng vận chuyển khoáng sản (quặng chì kẽm, quặng thiếc) từ các tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An... lên Lào Cai hoặc vận chuyển chất thải nguy hại (bột xỉ kẽm, bụi khói chì) không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại.

Điều khó khăn nhất đối với các lực lượng chức năng của tỉnh Yên Bái hiện nay là việc hàng hoá chủ yếu vận chuyển bằng contennơ, có niêm phong, kẹp chì của ngành đường sắt. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/BTM-BCA-BGTVT-TCHQ ngày 23 tháng 6 năm 1999, hàng hoá vận chuyển theo hợp đồng chỉ được kiểm tra ở ga bốc hàng hoặc dỡ hàng. Đặc thù của Yên Bái là địa phận trung gian giữa Hà Nội và Lào Cai, việc kiểm tra hàng hoá theo phương thức thông thường rất khó thực hiện.

Để giải quyết khó khăn trên, lực lượng Quản lý thị trường và Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với nhau. Khâu trinh sát đặc biệt được chú trọng, 2 bên cử cán bộ nắm tình hình ngay từ ga Lào Cai (đối với tàu xuôi) và ga Yên Viên, Giáp Bát... (đối với tầu ngược). Trên cơ sở thông tin chắc chắn, xác định đúng đối tượng và lịch trình vận chuyển của mác tầu, lực lượng chức năng tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái ra văn bản đề nghị ngành đường sắt dừng tầu, cắt toa để kiểm tra hàng hoá.

Tính từ năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã dừng tầu cắt 20 toa xe, xử lý 15 vụ vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng hoá trên tuyến đường này. Phạt hành chính 219.700.00 đồng, bán hàng tịch thu 1.546.120.000 đồng, thu nộp ngân sách 1.765.820.000 đồng.

Điển hình, ngày 19/4/2012, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh kiểm tra mác tầu 222T1 chạy tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng, cắt 8 toa đang vận chuyển 222 tấn phân bón DAP 18-46 nhập khẩu từ Trung Quốc. Kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm cho thấy số phân bón trên không đảm bảo chất lượng so với tiêu chuẩn công bố (hàm lượng Nitơ đạt 15,5%, P2O5 đạt 44,06%). Chi cục Quản lý thị trường đã trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 65.000.000 đồng, tịch thu để tái chế 222 tấn phân DAP theo quy định.

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song công tác kiểm tra kiểm soát trên tuyến đường sắt còn rất nhiều khó khăn:

- Thứ nhất, thời gian tầu đỗ tại ga ngắn. Lực lượng chức năng phải thực hiện các công đoạn, thủ tục để dừng tầu, cắt toa trong thời gian rất gấp thì mới kịp. Khi cắt được toa lại phải sớm giải phóng hàng hoá để trả toa tầu cho ngành đường sắt.

- Thứ hai, hàng hoá vận chuyển trên tầu hàng hầu hết không có hoá đơn chứng từ đi cùng với hàng hoá mà chỉ có hoá đơn gửi hàng của ngành đường sắt hoặc bản phôtô hoá đơn chứng từ. Những bộ chứng từ này được ngành đường sắt niêm phong và chỉ mở cho lực lượng chức năng xem khi khẳng định chính xác được là hàng hoá vi phạm.

- Thứ ba, việc xác định được chủ hàng rất khó khăn (nhất là chủ của các lô chất thải nguy hại) do người nhận và người gửi không có địa chỉ rõ ràng. Nhiều trường hợp vận chuyển chất thải nguy hại, sau khi bị bắt đã bỏ luôn hàng, mặc dù lực lượng chức năng đã thông báo tìm chủ ở cả ga bốc hàng, ga dỡ hàng cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng cũng không có ai đến nhận.

- Thông tư liên tịch số 21/BTM-BCA-BGTVT-TCHQ ngày 23 tháng 6 năm 1999 quy định về việc kiểm tra hàng hoá vận chuyển theo hợp đồng chỉ thực hiện ở ga xếp hàng hoặc ga dỡ hàng nên việc kiểm tra, kiểm soát tại ga trung chuyển không được chủ động.

- Lợi dụng chính sách nhà nước, một số đối tượng vận chuyển hàng hoá nhập lậu, khoáng sản... đã dùng nhiều hình thức tinh vi như: viết hoá đơn khống, quay vòng hoá đơn, lợi dụng chính sách cư dân biên giới được trao đổi hàng hoá để hợp thức hoá hàng nhập lậu. Việc kiểm tra để xử lý được cần phải xác minh nguồn gốc do vậy mất thời gian và tốn kém.

- Các quy định về quản lý chất thải nguy hại hiện chưa rõ ràng. Việc các chất thải như bột xỉ chỉ, bột kẽm... có được mua bán, lưu thông trên thị trường hay không, điều kiện để kinh doanh mặt hàng này như thế nào thì hiện nay vẫn chưa có văn bản quy định.

Việc kiểm tra hàng hoá trên tuyến đường sắt liên quan đến nhiều địa phương, nhiều tỉnh. Để khắc phục những khó khăn trên, cần có cơ chế phối hợp liên tuyến giữa các tỉnh có ga bốc hàng, dỡ hàng và ga trung chuyển. Về cơ chế chính sách, cần sớm sửa đổi Thông tư liên tịch số 21/BTM-BCA-BGTVT-TCHQ ngày 23 tháng 6 năm 1999 của liên Bộ Thương mại, Công an, Giao Thông Vận tải và Tổng cục Hải quan cho phù hợp với điều kiện hiện nay thì mới thuận lợi cho lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu trên tuyến đường sắt.

Nguồn: Chi cục QLTT

Tin liên quan