Bạn đang ở đây

Hội thảo “Tái cơ cấu đầu tư công ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra cho các tỉnh miền núi phía bắc"

08/05/2012 10:26:36

Dự hội thảo có Tiến sỹ Trần Văn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội và đại diện một số bộ, ngành Trung ương.

Tỉnh Yên Bái có các đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND; đồng chí Phạm Duy Cường - Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo HĐND các tỉnh miền núi phía bắc tham gia hội thảo.

Trong giai đoạn 2006-2011, hoạt động vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từng bước được cải thiện. Với tổng vốn đầu tư 432,787 tỷ đồng (chiếm 49,67% tổng vốn đầu tư công) từ nguôn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã giúp cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn từng bước được hoàn thiện; đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được chú trọng, năng suất tăng; công tác an sinh xã hội được đảm bảo: xóa đói, giảm nghèo, an ninh trật tự…; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn còn 9,45%.

Tại Yên Bái, trong giai đoạn 2006-2011 được sự quan tâm của Trung ương, nguồn vốn dành cho đầu tư công đều tăng qua các năm.

Trong đó, nguồn vốn đầu tư dành cho nông nghiệp, nông thôn là 1.685,289 triệu đồng (chiếm 22,21% tổng đầu tư công toàn tỉnh); trong lĩnh vực giao thông vận tải là 2.685 triệu đồng (chiếm 35,39%); trong lĩnh vực Y tế là 821,333 triệu đồng (chiếm 10,8%); trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề là 1.631,416 triệu đồng (chiếm 21,5% ).

Từ nguồn vốn trên, các chương trình, dự án thực hiện đầu tư sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đã làm tăng thêm động lực mới cho cho nền kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Các đại biểu dự hội thảo đã tập trung thảo luận về một số những hạn chế, vướng mắc trong tái cơ cấu đầu tư công hiện nay như: chính sách pháp luật thiếu hệ thống, chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, thiếu ổn định gây chồng chéo.

Thẩm quyền, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương chưa được phân định rõ ràng, thiếu tinh thần trách nhiệm gây lãng phí, thất thoát; cơ cấu nguồn lực (ngân sách 40%, tín dụng 30%, doanh nghiệp 20%, vốn góp 10%) chưa phù hợp; không hạn chế mức giao đất nông nghiệp theo Luật đất đai cản trở việc áp dụng khoa học kỹ thuật; tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn còn quá ít so với nhu cầu.

Phát biểu kết luận, Tiến sỹ Trần Văn đánh giá cao kết quả đầu tư công mà các địa phương đạt được thời gian qua.

Đồng chí cho biết, Ủy ban Tài chính-Ngân sách sẽ tổng hợp những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc và các đề suất, kiến nghị của các địa phương để trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.

Theo YBĐT

Tin liên quan