Bạn đang ở đây

Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 ngành Công Thương

14/01/2013 12:14:39

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn

Báo cáo của Hội nghị đã nêu bật tình hình hoạt động năm 2012. Theo đó, đây là năm thứ hai chúng ta thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2012 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Bên cạnh nhiều thuận lợi, kinh tế Việt Nam cũng phải đương đầu với không ít khó khăn thách thức, trong đó phải chịu tác động của nhiều yếu tố từ bên ngoài: Kinh tế thế giới tuy có bước phục hồi nhưng chậm, chưa vững chắc, không đồng đều giữa các nước, khu vực; tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam có những dấu hiệu không tích cực, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng duy trì tăng trưởng thương mại của ta; xu hướng tăng cường bảo hộ mậu dịch trên thế giới, v.v… Ở trong nước, lạm phát cao trong năm 2011, chi phí sản xuất trong nhiều lĩnh vực gia tăng, năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp. Đứng trước tình hình đó, Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng thuận và sự hưởng ứng tích cực của toàn dân và doanh nghiệp, nên nền kinh tế nước ta vẫn giữ được sự ổn định và có chuyển biến tích cực. Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Xuất khẩu tăng trưởng khá, cán cân thương mại đã nghiêng về xuất siêu, thị trường cung cầu hàng hoá cơ bản được đảm bảo.

Về sản xuất công nghiệp, năm 2012 tuy gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa được hồi phục, sức mua trong nước và nhu cầu xuất khẩu giảm mạnh nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2012 vẫn ước tăng 4,8% so với năm 2011, đây tuy là mức tăng trưởng thấp so với một số năm trở lại đây nhưng trong bối cảnh của năm 2012 vẫn là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng lớn. Ngành có mức tăng trưởng cao nhất là ngành sản xuất, phân phối điện tăng 12,3%; tiếp đó là ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ ba tăng 4,5% và thấp nhất là ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,5%.

Về tồn kho sản phẩm, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành và cộng đồng các doanh nghiệp, tình hình giải quyết hàng tồn kho trong doanh nghiệp nhìn chung có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm ngày 01 tháng 3 năm 2012, chỉ số hàng tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo là 34,9%; tại thời điểm ngày 01 tháng 6 năm 2012, chỉ số hàng tồn kho trong lĩnh vực này là 26% và đến ngày 01 tháng 12 năm 2012 giảm xuống còn 20,1% (chỉ số hàng tồn kho cùng thời điểm này năm 2011 là 23%).

 

Đối với tình hình phát triển thị trường trong nước, năm 2012, kinh tế thế giới biến động phức tạp, thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn tiếp tục phát triển, trở thành chỗ dựa tin cậy cho hàng hóa Việt Nam. Hàng hóa được cung ứng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Nhờ sự chỉ đạo đồng bộ, kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp hiệu quả, tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, ngành Công Thương đã góp phần thúc đẩy thương mại trong nước phát triển, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường - giá cả, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, mở rộng hệ thống phân phối trên khắp các địa bàn, tăng cường xúc tiến thương mại thị trường trong nước hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Sau hơn 3 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Do vậy, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng ước đạt hơn 2.324 nghìn tỷ đồng, tăng 16,0% so với cùng kỳ.

Công tác quản lý thị trường trong năm 2012 đạt được nhiều kết quả tích cực. Lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 177.205 trường hợp, xử lý 87.136 vụ vi phạm, trong đó có 15.045 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 11.726 vụ hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; 42.389 vụ kinh doanh trái phép và 17.924 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá với số thu 395 tỷ đồng, trong đó phạt vi phạm hành chính 241 tỷ đồng; tiền bán hàng tịch thu 143 tỷ đồng và truy thu thuế 11 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 390 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy 55 tỷ đồng.

Về tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá, năm 2012, tuy kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn đạt kết quả khá, tăng trưởng cả về quy mô xuất khẩu và tốc độ tăng so với năm trước. Tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của nhập khẩu nên cán cân thương mại đã nghiêng về xuất siêu.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá (KNXK) năm 2012 ước đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu đề ra (tăng 13%). Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước chiếm tỷ trọng 36,9%, đạt 42,3 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2011. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 63,1% đạt khoảng 72,3 tỷ USD, tăng 31,2%. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá năm 2012 ước đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2011, trong đó khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 60,3 tỷ USD, chiếm 52,3% tổng KNNK cả nước, tăng 23,5%; khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 54 tỷ USD, chiếm 47,2%, giảm 6,7% so với năm 2011.

Với việc tiếp tục sử dụng các biện pháp tăng cường kiểm soát để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng chưa cần thiết hoặc trong nước đã sản xuất được, cùng với việc sản xuất và tiêu thụ gặp khó khăn dẫn đến nhiều mặt hàng có khối lượng nhập khẩu giảm so với năm 2011. Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng có lượng nhập khẩu cao là ngô, đậu tương, nguyên liệu dược phẩm, dầu thô, dây điện và cáp điện, phương tiện vận tải và phụ tùng, v.v... Do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng nhập khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam năm 2012 đã nghiêng về xuất siêu, ước xuất siêu cả năm là 284 triệu USD, bằng 0,2% kim ngạch xuất khẩu.

Chiến lược năm 2013: Tích cực ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương những kết quả đạt được của ngành Công Thương trong năm qua. Những nỗ lực đó đã đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh: Ngành Công Thương cần nhận thức rõ tình hình thế giới, trong nước và các nhiệm vụ quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội của cả nước năm 2013. Theo đó, ngành Công Thương cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, quản lý vấn đề hàng tồn kho bằng nhiều biện pháp thiết thực; Hỗ trợ thị trường trong nước thông qua nhiều giải pháp phù hợp để tiêu thụ hàng hóa trong nước, mở rộng thị trường; Bên cạnh đó cần kiểm soát lạm phát và vấn đề giá cả, muốn vậy phải đảm bảo nguồn hàng hóa trong nước đồng thời tích cực nhân rộng và phát triển hệ thống bình ổn giá; Tiếp tục nâng cao hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt nhập khẩu, đẩy mạnh vấn đề bảo vệ thị trường trong nước và xúc tiến thương mại, v.v...

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, năm 2013 là năm bản lề, năm có ý nghĩa thực hiện kế hoạch 2011-2015 có khía cạnh quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển môt cách toàn diện và bền vững nền kinh tế đất nước, quyết định tới việc thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm và chiến lược kinh tế xã hội 10 năm. Với quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch đó, ngành Công Thương sẽ thực hiện các giải pháp sau: Tham gia tích cực vào việc đảm bảo ổn định thị trường, thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, đặc biệt tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm tạo cơ hội tăng thị phần hàng hoá của Việt Nam trên thị trường nội địa; Tiếp tục thực hiện chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với giá điện, than, xăng dầu, giá dịch vụ công; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xuất khẩu; Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, dự báo thị trường, thường xuyên cập nhật, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới, nhất là những thị trường và mặt hàng xuất khẩu trọng điểm; Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng phân tích và dự báo tình hình trong nước và quốc tế; Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kịp thời chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân; Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Theo Moit.gov.vn

Tin liên quan