Bạn đang ở đây

Đội quản lý thị trường số 1: Nỗ lực đấu tranh chống hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng

23/07/2012 11:54:55

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Yên Bái là đội quản lý địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, tổng số biên chế gồm 8 cán bộ, công chức, quản lý trên 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là lực lượng công an để kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

Tính từ năm 2010 đến nay, Đội đã xử lý 48 vụ, phạt hành chính 121.745.500 đồng, tịch thu tiêu hủy nhiều mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: súng, kiếm nhựa, đường hóa học, bột gặt Omo giả, các chi tiết phụ tùng xe máy (giả mạo nhãn hiệu, vi phạm kiểu dáng), bếp gas giả, sữa tắm giả, dầu gội đầu giả, kem ủ tóc giả, sữa rửa mặt giả, bột ngọt Ajinomoto giả, bánh mứt kẹo kém chất lượng, nước ngọt, thực phẩm tươi sống không đảm bảo an toàn thực phẩm… trị giá hàng hóa tiêu hủy ước đạt 101.359.000 đồng.

6 tháng đầu năm 2012, Đội đã chủ động kiểm tra phát hiện xử phạt hành chính và tiêu hủy 150kg nội tạng trâu bò, 180kg nội tạng, tim động vật, 386 chi tiết phụ tùng xe máy vi phạm kiểu dáng công nghiệp và buộc thực hiện kiểm dịch đối với 24.900 quả trứng gà theo quy định. Đội đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thị xã thanh kiểm tra 22 cơ sở, xử lý tiêu hủy 10kg kẹo, 0,5kg bột đậu, 10 gói mỳ tôm, 5 vỉ sữa không đảm bảo an toàn thực phẩm và hết hạn sử dụng.

Đạt được những kết quả trên là nhờ sự quyết tâm cao của lãnh đạo và tập thể cán bộ, công chức trong Đội, sự chỉ đạo sát sao của Chi cục QLTT tỉnh và UBND thị xã Nghĩa Lộ và không thể thiếu sự phối hợp của các lực lượng chức năng. Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng hoạt động chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế.

Các phương tiện kiểm nghiệm và công cụ hỗ trợ chưa được trang bị nhiều, thủ đoạn, phương thức hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, trong khi đó một số cơ chế, chính sách của Nhà nước còn chưa phù hợp với thực tế…

Để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trong thời gian tới, Đội QLTT số 1 tập trung thực hiện tốt một số việc sau:

Thứ nhất:Thường xuyên bám sát vào sự chỉ đạo của Chi cục, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Đó là nhân tố rất quan trọng hàng đầu trong việc định hướng các kế hoạch phòng chống buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng. Đây vừa là sự chỉ đạo cũng vừa là một kênh thông tin quan trọng về tình hình buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nói chung trên địa bàn cũng như toàn tỉnh.

Thứ hai: Không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn của cán bộ, công chức. Do những quy định về trình tự thủ tục xử lý hàng hoá giả mạo, hàng xâm phạm bản quyền khá phức tạp, không ít cán bộ thực thi đã gặp phải lúng túng khi tham mưu, xử lý các vi phạm. Việc giám định sở hữu trí tuệ có quá nhiều công đoạn, thủ tục, gây mất nhiều thời gian. Việc nâng cao trình độ, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức là rất cần thiết, đóng vai trò then chốt quyết định đến chất lượng và hiệu quả trong xử lý vi phạm.

Thứ ba:Làm tốt công tác điều tra, trinh sát, nhân mối, mua tin. Có thể nói, trong công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng thì khâu trinh sát, nhân mối, mua tin, nắm bắt đối tượng và phát hiện vi phạm đóng vai trò hết sức quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Để có thể phát hiện được những vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng đòi hỏi cán bộ phải có nhiều nguồn thông tin đa chiều, nắm chắc được các quy luật, hành vi thủ đoạn của các đối tượng để từ đó đấu tranh, khai thác thông tin của các đối tượng củng cố chứng cứ làm căn cứ xử lý vi phạm.

Thứ tư:Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng và chủ thể quyền. Trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng thì sự tham gia của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp có hàng hóa bị xâm phạm là rất cần thiết, sự hợp tác tạo nên sức mạnh tổng hợp để đấu tranh với các đối tượng này. Quá trình đấu tranh xử lý các vụ việc có những đơn vị đã phối hợp rất tốt với cơ quan chức năng, song bên cạnh đó cũng không ít các đơn vị, cá nhân ngại va chạm, sợ ảnh hưởng liên luỵ, không cung cấp cho lực lượng thực thi các thông tin về hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng nên ít nhiều cũng làm giảm hiệu quả công tác này.

Thứ năm:Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhà sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Bên cạnh việc kiểm tra và xử lý vi phạm cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng cho thương nhân và người tiêu dùng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các gian hàng triển lãm hàng - thật hàng giả giúp cho mọi người có thể nhận biết để tránh mua phải các loại hàng hoá không đảm bảo chất lượng, hàng giả... ảnh hưởng đến sức khỏe, môi sinh, môi trường.

Nguồn: Chi Cục QLTT

Tin liên quan