Bạn đang ở đây

Dệt - may Việt Nam tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn về xuất khẩu

06/02/2012 11:40:54

Tín hiệu khả quan

Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội dệt-may Việt Nam (Vitas) kiêm Chủ tịch Tập đoàn dệt-may Việt Nam (Vinatex) Vũ Ðức Giang, mặc dù năm 2011 kinh tế thế giới rất khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt-may Việt Nam vẫn tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt-may đạt 13,8 tỷ USD, xuất khẩu xơ sợi các loại ước đạt 1,8 tỷ USD, tổng cộng đạt 15,6 tỷ USD, tăng gần 30% so với năm 2010, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu xuất khẩu của cả nước. Ðặc biệt năm 2011, ngành xuất siêu khoảng 6,5 - 6,8 tỷ USD, tăng thêm 1,5 - 1,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm giảm tỷ lệ nhập siêu của cả nước. Vinatex thể hiện vai trò đầu tàu của mình với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ, lợi nhuận tăng 26%. Nếu như tỷ lệ nội địa hóa toàn ngành đạt 48% thì Vinatex đạt 51%. Nhiều DN thành viên tiếp tục tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu như các Tổng Công ty: Phong Phú (15%), Việt Tiến (33%), Nhà Bè (20%), Dệt-may Nam Ðịnh (22%)...

Bằng nỗ lực, các DN trong ngành đã bám chắc các thị trường trọng điểm Mỹ, EU, Nhật Bản, tận dụng từng cơ hội kinh doanh. Nhờ đó, thị trường Mỹ tăng trưởng 13%, EU tăng 25%, Nhật Bản tăng 43% so cùng kỳ năm trước. Chủ tịch Vũ Ðức Giang cho rằng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt-may Việt Nam năm qua tăng cao là nhờ có sự chỉ đạo kịp thời, sự quan tâm sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành, cùng với sự nỗ lực, tận tâm, nhiệt huyết của các DN trong ngành đã từng bước vượt qua trở ngại, thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, tổ chức hoạt động đầu tư và sản xuất hiệu quả, tạo dựng được niềm tin và mối quan hệ thân thiết với các đối tác, khách hàng, bảo đảm đời sống và công ăn việc làm cho người lao động. Nhiều DN  tiếp tục cải tiến quản lý, tổ chức các hoạt động đầu tư và sản xuất hiệu quả, tạo dựng được niềm tin và mối quan hệ thân thiết với các đối tác, khách hàng. Nhiều DN đã quan tâm khâu thiết kế thời trang và đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá thương hiệu. Nhà máy xơ sợi Polyester Ðình Vũ - Hải Phòng khai thác thương mại từ cuối năm 2011, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu xơ sợi của dệt may Việt Nam, góp phần làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn xơ sợi nhập khẩu khoảng 400 nghìn tấn xơ sợi/năm.

 Các Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... tiếp tục được khai thác chiều sâu góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt-may Việt Nam. Thị trường xuất khẩu hàng dệt-may tiếp tục mở rộng thêm các thị trường mới như Ăng-gô-la, Niu Di-lân, Cu-ba,... Ngoài ra, hàng dệt-may xuất khẩu sang các thị trường châu Á như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Hàn Quốc,... cũng tăng trưởng tốt, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt-may Việt Nam. Thêm vào đó là việc chi phí lao động tại Trung Quốc đã tăng lên tới 22% trong năm 2011, khiến cho khách hàng nhập khẩu hàng dệt-may đang có xu hướng chuyển dịch các đơn hàng sang những nước có giá thành cạnh tranh như Việt Nam.

Năm 2012 hứa hẹn cơ hội cho các DN dệt-may Việt Nam, nhiều DN trong ngành đã thực hiện công nghệ Lean trong quản lý. Ðây là phương pháp tinh gọn nhằm loại bỏ chi  phí lãng phí ra khỏi công nghệ, dây chuyền sản xuất tạo hiệu quả cao, tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh, thu hút được đối tác, khách hàng. Tăng cường làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng). Ðến nay, nhiều DN đã có hợp đồng xuất khẩu cho hết quý II-2012, nhiều khách hàng truyền thống đã ký kết hợp đồng xuất khẩu cả năm. Ngay từ những ngày đầu năm mới, Tổng Công ty may Việt Tiến, may Nhà Bè, may Ðức Giang, Dệt Phong Phú, May 10, may Ðồng Nai, Dệt kim Ðông Xuân... đang tập trung sản xuất những lô hàng xuất khẩu với quyết tâm đạt tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ 17 đến 20% năm 2012.

Các giải pháp tăng trưởng

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012, Bộ Công thương nhận định, tình hình kinh tế ở Mỹ, EU vẫn còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong đó có hàng dệt-may, cho nên hàng dệt-may tiêu thụ tại những thị trường này dự báo sẽ giảm so với cùng kỳ năm 2011. Lượng hàng tiêu thụ giảm, đồng nghĩa với việc đơn hàng ít và mức độ cạnh tranh để giành được đơn hàng sẽ tăng cao, nhất là cạnh tranh về giá sẽ gay gắt hơn. Các DN xuất khẩu trong nước còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về chi phí đầu vào như điện, nước, xăng dầu, tiền lương, lãi suất cho vay... tiếp tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và tăng trưởng của ngành.

Việc tìm kiếm lợi nhuận và tăng trưởng cao trong năm 2012 của các DN dệt-may trong nước sẽ có nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia xuất khẩu dệt-may, xu hướng giảm giá đơn hàng, sức tiêu dùng hàng dệt-may tại các thị trường chính bị giảm sút, thiếu vốn, thiếu nhân lực..., bên cạnh những DN xuất khẩu lớn đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu, có khách hàng ổn định, đến nay đã lo đủ đơn hàng đến hết quý II, III-2012, còn nhiều DN nhất là những DN nhỏ và vừa mới lo được đơn hàng sản xuất hết quý I-2012.

Tuy nhiên, với lợi thế về  ổn định chính trị - xã hội và nguồn lao động, ngành dệt-may Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh để cạnh tranh xuất khẩu và phát triển. Chủ tịch Vũ Ðức Giang cho rằng, để ngành dệt-may Việt Nam tiếp tục dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu trong năm nay thì các DN phải theo kịp tiến trình phát triển chung của ngành dệt-may thế giới, kiên định trong việc lựa chọn thị trường ngách, sản phẩm đặc thù, cũng như có kế hoạch trở thành đối tác chiến lược dài hạn với các nhà cung cấp lớn. Toàn ngành mà trong đó hạt nhân là các DN của Vinatex triển khai nhiều giải pháp.

Một là, thực hiện cổ phần hóa Vinatex và tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý của Vinatex với các đơn vị thành viên trong năm 2012; xây dựng hệ thống các đơn vị mạnh tại cả ba vùng bắc-trung-nam để làm  nòng cốt, trở thành đầu mối, tạo cơ sở thực hiện các chiến lược đột phá, làm chủ về lực lượng sản xuất; chú trọng hơn nữa công tác định hướng, quy hoạch phát triển các hoạt động sản xuất dệt-may theo hướng ổn định bền vững, thân thiện với môi trường. Gắn kết việc chuyển dịch các cơ sở sản xuất ra khỏi các đô thị lớn với công tác xã hội hóa ngành dệt-may, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại các vùng miền trên cả nước, nhất là các vùng còn gặp nhiều khó khăn. Tích cực, chủ động trong việc giải quyết vấn đề biến động lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể, bảo đảm đời sống tinh thần cũng như vật chất nhằm thu hút và giữ chân người lao động.

Hai là, thực hiện chương trình "thời trang hóa ngành dệt-may Việt Nam" nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, phát triển thương hiệu. Các DN dệt-may Việt Nam chuyển dần phương thức sản xuất gia công sang FOB và ODM đạt mục tiêu từ nay đến năm 2015 tăng tỷ lệ FOB từ 38% lên khoảng 50% và ODM từ 5% đến 10%. Tái cơ cấu chất lượng và đẳng cấp sản phẩm, tăng tỷ lệ sản xuất hàng trung, cao cấp từ 10% hiện nay lên 25%, giữ tỷ lệ hàng trung bình khá là 30% và giảm tỷ lệ hàng chất lượng trung bình và thấp xuống dưới 50% vào năm 2015. Quan tâm hơn nữa chất lượng dự báo thị trường, củng cố gia tăng thị phần tại các thị trường dệt-may lớn, nhất là thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản, xây dựng các chương trình nghiên cứu, khai thác các thị trường mới như Nga, Ca-na-đa. Tăng cường hợp tác với ngành dệt-may các nước ASEAN, đặc biệt trong xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng toàn diện dệt-may. Tiếp tục thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm chi phí để hạ giá thành sản phẩm. Sắp xếp lại kế hoạch sản xuất, bảo trì phù hợp, giảm tải giờ cao điểm, đóng mở máy hợp lý để nâng cao hiệu suất máy móc, tiết kiệm điện năng. Phấn đấu tiết kiệm năng lượng 5-10%, tăng năng suất lao động 15-20% trong năm 2012.

Ba là, ngành tập trung đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực dệt, nhuộm hoàn tất nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và tăng tính chủ động trong việc cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành. Mở rộng diện tích trồng bông, phấn đấu cuối năm 2012, diện tích trồng bông đạt 15 nghìn ha; xây dựng nhà máy sản xuất xơ Visco, sợi chun Latex, 300 chuyền may khu vực miền nam, 100 chuyền may khu vực miền bắc, 100 chuyền may tại miền trung, các dự án kéo sợi tại Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Quảng Nam.

 

Theo nhandan.com.vn

Tin liên quan