Bạn đang ở đây

Đề xuất quy định giá trần cho xăng dầu và điện

21/08/2013 11:25:32
Nhiều chuyên gia đề nghị Nhà nước phải có cơ chế hạn chế các doanh nghiệp độc quyền tự do quyết định giá nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đó là đề xuất của chuyên gia Vũ Đình Ánh tại buổi tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất kinh doanh” do Bộ Tài chính tổ chức hôm 20-8. Theo ông Ánh, Nhà nước phải quy định giá trần giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng đối với hai mặt hàng là xăng dầu và điện, do các mặt hàng này được Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) và Tập đoàn Điện lực VN độc quyền kinh doanh. Một khi đã có giá trần, các doanh nghiệp này buộc phải cắt giảm chi phí, tiết kiệm tối đa để có lãi.

* Giá trần được xây dựng trên cơ sở nào, thưa ông?

- Cơ quan quản lý sẽ căn cứ các chi phí đầu vào như thuế, chi phí kinh doanh, lương... để tính giá trần. Đơn cử như trong cơ chế tính giá xăng dầu, cơ quan quản lý tính toán Petrolimex chỉ cần 10.000 nhân viên thôi nhưng lại tuyển đến 15.000 nhân viên thì chắc chắn là khó khăn rồi. Với giá trần đó, Petrolimex hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải chấp hành, dù kinh doanh thua lỗ cũng không được đòi bán vượt giá trần để bù.

Tuy nhiên, khác với cơ chế Nhà nước định giá và yêu cầu doanh nghiệp bán đúng giá đã định, cơ chế giá trần này cho phép chỉ được bán dưới giá trần mà thôi.

* Giá bán sản phẩm phụ thuộc chi phí của mỗi doanh nghiệp, việc áp giá trần sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp?

- Khi Nhà nước đưa ra giá trần, các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh với nhau qua việc giảm chi phí kinh doanh thay vì tăng giá. Giá bán chỉ có từng đó thôi, muốn tăng thị phần thì doanh nghiệp phải bán giá hợp lý và muốn bán giá hợp lý thì phải ép giảm mọi chi phí xuống, chứ Nhà nước cứ kêu gọi họ tiết kiệm thì khó mang lại hiệu quả.

Nói tóm lại, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như tăng hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp độc quyền, Nhà nước phải có cơ chế để ép các doanh nghiệp độc quyền giảm giá thành và chi phí, nâng cao hiệu quả lao động chứ không phải cứ đổ vào giá.

* Liệu quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo nếu áp giá trần?

- Để hài hòa lợi ích giữa các bên, Nhà nước phải đứng ngoài và phải là người phân xử để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Còn điều hành theo kiểu “hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp” như hiện nay là không ổn, bởi hầu hết doanh nghiệp chiếm vị thế độc quyền đều là doanh nghiệp nhà nước.

Theo TTO

 

Tin liên quan