Bạn đang ở đây

Để công nghiệp Huyện Văn Chấn trở thành động lực phát triển khu vực phía tây tỉnh Yên Bái

10/09/2011 15:57:11
Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII đã xác định: “Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.” “...đưa huyện Văn Chấn trở thành trung tâm động lực phát triển khu vực phía Tây của tỉnh.”.
 
Nhằm nhanh chóng đưa nghị quyết của Đảng vào thực hiện, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ngành Công Thương tỉnh Yên Bái đã tham mưu xây dựng đề án phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015, dự thảo những định hướng lớn, những giải pháp chủ yếu đưa TP Yên Bái trở thành động lực, đầu tầu kinh tế của tỉnh; đưa Huyện Văn Chấn trở thành động lực phát triển khu vực phía tây tỉnh. Trong bài viết này xin đề cập đến những nội dung chủ yếu cần tổ chức thực hiện trên địa bàn Huyện Văn Chấn.
 
Trên cơ sở tiềm năng lợi thế của huyện và các quy hoạch có liên quan, theo ngành Công thương, trong giai đoạn đến 2015 cần thực hiện tốt một số công việc chủ yếu: Tập trung đầu tư các cụm công nghiệp, gắn với chế biến các sản phẩm trong vùng có thế mạnh, thu mua và chế biến hết các SP sơ chế, bán thành phẩm, nguyên liệu của các cơ sở trong vùng: Chè, gỗ, đá nguyên liệu, vật liệu xây dựng...Phát triển các cơ sở chế biến hoa quả, lương thực nhằm bảo quản tốt sản phẩm nông sản sau thu hoạch: Cam Quýt, Sơn tra, Nhựa thông, Thảo quả, Chế biến gạo v.v...Cung cấp cho vùng phía tây những vật tư máy móc cần thiết, phát triển cơ khí sửa chữa và công nghiệp phụ trợ. Thu hút lao động và đào tạo tay nghề phù hợp với các ngành sản xuất trong vùng. Là trung tâm giới thiệu và tiêu thụ những sản phẩm trong vùng làm ra.
 
Về chế biến nông lâm sản, thực phẩm: Tập trung đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến chè xanh, chè sạch, chè chất lượng cao, chè tinh chế nhằm nâng cao thương hiệu chè Yên Bái trên thị trường trong nước và nước ngoài. Mục tiêu đến 2015 chế biến 13.000 tấn chè chế biến, trong đó có 5.000 tấn chè với chất lượng cao, chè xanh chất lượng chiếm 20%; Mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nước hoa quả, hoặc rượu từ quả cam, quýt và quả Sơn Tra; Mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy vệ sinh công suất 10.000 tấn/năm;Mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đồ mộc dân dụng cao cấp công suất 50.000m3/năm, giữ nguyên và nâng cao chất lượng sản phẩm ván ghép thanh, ván ép của các cơ sở hiện có trên địa bàn trở thành vệ tinh cung cấp nguyên liệu; Chế biến các sản phẩm từ Quế: hoàn thành nhà máy tinh dầu quế tại huyện Văn Chấn công suất 40 tấn sản phẩm/năm vào năm 2011.
 
Phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Đầu tư các nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ lò tuynel, lò đứng liên tục để đáp ứng nhu cầu phát triển về xây dựng tại các huyện Văn Chấn, Trạm  tấu, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ và tỉnh Lai Châu, Sơn la Phấn đấu sản lượng sản xuất đến năm 2015 đạt 70 triệu viên; Khuyến khích phát triển gạch không nung áp dụng công nghệ tiên tiến đưa tỷ lệ gạch không nung đến năm 2015 tăng từ 15-20% tổng sản lượng vật liệu xây dựng trên địa bàn.
 
Tiếp tục mời gọi đầu tư và đẩy nhanh tiến độ những dự án đang xây dựng trên địa bàn để đạt sản lượng các sản phẩm chế biến khoáng sản: Đá ốp lát: 2.000.000m2; Đá thạch anh: 5.000 tấn; Quặng Sắt 500.000 tấn; quặng Chì Kẽm 50.000 tấn;  Đồng 5.000 tấn; khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường 200.000 m3...vào năm 2015
 
Phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp, sửa chữa cơ khí điện tử, công nghiệp phụ trợ: Củng cố và mở rộng sản xuất các cơ sở sản xuất cơ khí hiện có; Chú trọng đầu tư chiều sâu phát triển sản xuất các chi tiết máy và phụ kiện phục vụ cho sửa chữa, thay thế, dịch vụ bảo dưỡng, bảo trì trên địa bàn; đẩy mạnh sản xuất thiết bị chế biến nông lâm sản và sửa chữa ôtô xe máy.
 
Phát triển công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước: Giai đoạn 2011 - 2015 dự báo nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh, một số thủy điện trong khu vực sẽ hoàn thành phát điện, vì vậy cần tập trung triển khai xây dựng mới và nâng cấp các trạm biến áp, hệ thống lưới điện truyền tải trong đó: Nâng công suất TBA 110kv Nghĩa Lộ; Xây dựng TBA 110kv Mù Cang Chải; Xây dựng đường dây 110kv mạch kép Nghĩa Lộ - Ba Khe; Xây dựng đường dây mạch đơn 110kv mạch đơn Ba Khe - TBA 220kv Yên Bái; Xây dựng đường dây 110kv mạch kép thuỷ điện Văn Chấn - TBA 110kv Nghĩa Lộ; Xây dựng đường dây 110kv mạch kép thuỷ điện Văn Chấn - thuỷ điện Ngòi Hút 2.
 
Hoàn thành đưa vào sử dụng 05 công trình thủy điện nhỏ: Văn Chấn 57MW, Ngòi Hút II 48MW, Nậm Đông IV 5,4MW, Nậm Tăng 6,5MW, Chấn Thịnh 10MW, Vực Tuần 3MW.Tăng công suất cấp nước nhà máy nước Sơn Thịnh lên 5.000 m3/ngày đêm.
 
Phát triển các khu, cụm công nghiệp: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư, Trong giai đoạn đến 2015 cần tăng cường đầu tư hạ tầng cho cụm: Cụm Sơn Thịnh, một cụm công nghiệp vùng ngoài ở Cát Thịnh, một cụm vùng thượng huyện ở Nậm Búng, huyện Văn Chấn; Đảm bảo bố trí bình quân vốn đầu tư từ ngân sách địa phương cho một cụm công nghiệp mỗi năm phải từ 5-6 tỷ đồng.
 
Để hoàn thành được những nhiệm vụ đã đề ra Ngành công thương đề xuất một số giải pháp chủ yếu:  
 
1. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, bao gồm nhiều nguồn từ hệ thống ngân hàng, từ thị trường tài chính phi chính thức; phối hợp lống ghép các nguồn vốn đầu tư; Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo thành TSCĐ; Tạo môi trường thông thoáng thu hút các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp lớn vào đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển; Duy trì và tăng cường sự hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách Nhà nước (cả Trung ương và địa phương) đủ lớn để hỗ trợ phát triển công nghiệp qua các chương trình: Khuyến công; xúc tiến thương mại; xúc tiến đầu tư; đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; Mời gọi đầu tư các khu cụm công nghiệp có lợi thế theo hình thức đấu thầu.
 
2. Tập trung các nguồn lực mà tỉnh có lợi thế cho các tập đoàn doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực vào đầu tư, Nhất là tài nguyên khoáng sản, nông lâm sản, thuỷ điện. Nhanh chóng đưa tiềm năng vào khai thác có hiệu quả. Rà soát và kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm quy định về đầu tư để giao cho các nhà đầu tư đủ năng lực. Chú trọng và ưu tiên thu hút các doanh nghiệp lớn, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài có năng lực vào đầu tư.
 
3. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới; hiện đại hóa dây chuyền sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đổi mới công nghệ; Tranh thủ tối đa công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài;
 
4. Chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực: Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực căn cứ vào quy hoạch phát triển công nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài cho phát triển công nghiệp. Đa dạng hóa phương thức và loại hình đào tạo. Tiếp tục xã hội hóa đào tạo nghề, đặc biệt ưu đãi cho các tổ chức đào tạo nghề ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các khu, cụm công nghiệp.
 
Nguồn: QLCN-SCT

Tin liên quan