Bạn đang ở đây

Cú hích đưa hàng Việt lên sàn giao dịch quốc tế

02/09/2013 22:40:35

Hoạt động trầm lắng

Hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa (GDHH) trên thế giới đã có lịch sử lâu đời, mức độ phát triển cao, chi phối thị trường thế giới và tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện trên toàn thế giới đang có khoảng 50 sàn giao dịch hàng hóa. Các sàn giao dịch này chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á với khoảng 30 sàn.

Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động ngày càng nhiều trước biến động thị trường thế giới, nhất là diễn biến trên thị trường giao dịch qua các Sở GDHH. Do vậy, nhu cầu phòng hộ, ngăn ngừa rủi ro của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản, nhiên liệu, kim loại, trong đó có cả lĩnh vực như dệt may, chế biến thức ăn chăn nuôi, hàng không, v.v…

Luật Thương mại 2005 và Nghị định số 158/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH đã đặt nền móng đầu tiên về các quy định quản lý nhà nước đối với Sở GDHH. Tuy nhiên, hiện nay loại hình sàn GDHH tại Việt Nam vẫn còn mới mẻ đối với người dân, doanh nghiệp và hoạt động ảm đảm. Đến thời điểm này, mới chỉ có Sở GDHH Việt Nam, Sở GDHH INFO và Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động nhưng mới chỉ tồn tại theo hình thức mô hình thí điểm.

Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) hoạt động bắt đầu từ ngày 1/4/2011 với 4 mặt hàng trên sàn giao dịch là cà phê (robusta), cà phê (arabica), cao su và thép cuộn cán nóng. Hiện nay tổng khối lượng giao dịch hợp đồng rất thấp, chủ yếu là giao dịch cà phê, các giao dịch cao su ít, còn đối với nhóm thép gần như chưa có giao dịch. Số lượng tài khoản mở tại các thành viên của VNX đến nay cũng chỉ hơn 2.000 tài khoản, tổng mức giao dịch các hợp đồng trong 6 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt gần 849 tỷ đồng. Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột (BCEC), giao dịch cà phê robusta trên BCEC đạt 696,97 tỷ đồng trong năm 2011 thì đến năm 2012, giao dịch đã giảm 173,14 tỷ đồng. Không những vậy, hiện nay với việc các cơ quan chức năng mới chỉ cấp phép giao dịch 3 mặt hàng là thép, cà phê và cao su đã khiến cho các hoạt động giao dịch qua Sở GDHH bị bó hẹp, người bán, người mua và các nhà đầu tư không mặn mà tham gia.

Cú hích đưa hàng Việt lên sàn giao dịch quốc tế

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phát biểu khai mạc Hội thảo

Trước thực tế trên, nhiều doanh nghiệp và thương nhân cho rằng, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý nhằm đưa những mặt hàng chủ lực của Việt Nam lên sàn GDHH nước ngoài. Tại Hội thảo “Đánh giá thực trạng và đề xuất góp ý việc xây dựng ban hành thông tư quy định phạm vi điều kiện đối với thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua sở GDHH nước ngoài”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: “Việc ban hành Thông tư quy định phạm vi, điều kiện đối với thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán qua Sở GDHH nước ngoài nhằm hướng dẫn cụ thể, chi tiết Nghị định 158/2006/NĐ-CP, qua đó hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở GDHH; tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp có điều kiện tham gia hội nhập tốt hơn sân chơi quốc tế, đáp ứng nhu cầu phòng hộ, ngăn ngừa rủi ro của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận, nắm bắt sâu hơn được thị trường, đồng thời giúp phát triển bền vững các ngành hàng sản xuất”.

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc công ty kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB)

Các đại biểu tham dự đã cùng phân tích thực trạng và đề xuất góp ý cho việc xây dựng ban hành thông tư. Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc công ty kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB), nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã có uy tín và thương hiệu trên thế giới, việc lựa chọn những mặt hàng trên tham gia sàn GDHH quốc tế là một chính sách đúng đắn. Điều này không chỉ giải quyết bài toán về đầu ra cho nông dân mà còn giúp hàng nông sản của Việt Nam cạnh tranh tốt hơn. Muốn làm được việc này cần phải hoàn thiện khung pháp lý để thương nhân có thể tham gia Sở GDHH nước ngoài, trong đó sàn GDHH trong nước là một đối tác của sàn GDHH nước ngoài để thương nhân đầu tư qua đây có thể hạn chế rủi ro, các lệnh mua bán được minh bạch. Ông Phạm Đình Thưởng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cho rằng: Cần phải nghiên cứu mô hình Sở GDHH và mô hình quản lý đối với hoạt động này, tuy nhiên việc lựa chọn mô hình nào thì phải căn cứ vào trình độ phát triển thực tế của Việt Nam.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, thời gian tới, việc tiến hành sửa đổi Nghị định 158/2006/NĐ-CP là điều cần thiết, đồng thời xây dựng một đạo luật về hàng hóa trong tương lai để giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực trên. Qua quá trình nghiên cứu năng lực của các Sở GDHH trong nước, Bộ Công Thương sẽ mở rộng ra các nhóm hàng mới nhằm tạo cú hích mạnh mẽ đưa hàng Việt lên sàn giao dịch quốc tế. Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách, bản thân các doanh nghiệp tham gia Sở GDHH trong nước phải làm tốt về kho vận, kiểm định, xây dựng tiêu chuẩn, hợp đồng, phải khẳng định năng lực đủ khả năng đứng ra giao dịch loại hàng hóa này. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét phê duyệt. 

Theo Moit.gov.vn

Tin liên quan