Bạn đang ở đây

Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp

24/04/2012 09:09:26

Tuy nhiên, theo đánh giá sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm đang có xu hướng giảm sâu, đạt thấp so với kế hoạch và có mức tăng trưởng thấp  so với các năm trước đây. Để đạt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đã đề ra, việc tháo gỡ khó khăn do doanh nghiệp là cấp thiết.

Ông Trương Ngọc Biên - Giám đốc Sở Công thương Yên Bái cho biết : “Chỉ một số sản phẩm chủ yếu duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2011 là điện thương phẩm đạt 104,3 triệu Kwh tăng 85,7%, đá CaCO3 bột 103,5 ngàn tấn, tăng 8,9%, gạch xây đạt 55.149 ngàn viên, tăng 35,7%, Pen Fats phong hoá đạt 11.095 tấn, tăng 48,2%... Tuy nhiên một số sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh lại đạt thấp so với cùng kỳ, từ đó ảnh hưởng đến giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh như: xi măng bao đạt 163 ngàn tấn, bằng 73,2%, Calanh ke thương phẩm đạt 7.157 tấn, bằng 24,5%, quặng sắt đạt 22.803 tấn bằng 70,7%”.

Nguyên nhân sản xuất công nghiệp đạt thấp một mặt do Yên Bái là tỉnh miền núi, vị trí địa lý không thuận lợi cho mời gọi thu hút đầu tư, xa các trung tâm kinh tế, các thị trường lớn của cả nước; kết cấu hạ tầng cơ sở vẫn còn hạn chế, các khu cụm công nghiệp mới hình thành, chậm được đầu tư hoàn thiện.

Mặt khác do nền kinh tế của tỉnh có điểm xuất phát thấp, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hiện có quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ, thiết bị lạc hậu, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường yếu... nên tình trạng lạm phát và những mặt trái của những giải pháp kiềm chế lạm phát đã ảnh hưởng lớn đến ngành công thương. Cụ thể là lạm phát đã đẩy chi phí sản xuất, lưu thông tăng cao.

Hầu hết các loại nguyên liệu chính đều tăng, nhất là nhiên liệu, năng lượng như điện, xăng dầu, than, chi phí nhân công, chi phí vận chuyển tăng mạnh... trong khi giá bán đầu ra không tăng tương xứng thị trường bị thu hẹp. Các chính sách và giải pháp của Nhà nước về kiềm chế lạm phát đã phát huy tác dụng tích cực, song mặt trái đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất công nghiệp do lãi suất huy động và cho vay đều tăng cao, các ngân hàng hạn chế cho vay, tăng cường thu nợ đã làm nhiều doanh nghiệp không vay được vốn đầu tư dài hạn và ngắn hạn, dẫn tới khó duy trì sản xuất ổn định, kéo dài tiến độ đầu tư các dự án,  nhất là với hầu hết các doanh nghiệp hoạt động phụ thuộc vào nguồn vốn vay như hiện nay.

Bên cạnh đó việc thắt chặt chi tiêu công của Chính phủ đã ảnh hưởng tới đầu tư xây dựng cơ bản do nguồn ngân sách Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó trong quý I, thời gian nghỉ tết kéo dài, sau nghỉ tết lại bước vào vụ sản xuất nông nghiệp nên nhiều cơ sở sản xuất, nhất là công nghiệp nông thôn, nguyên liệu và nhân công chậm đi vào sản xuất đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển công nghiệp.

Cụ thể như ngành chế biến chè, do chưa vào vụ thu hái và chế biến, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào tiêu thụ sản phẩm tồn kho, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc cho kỳ sản xuất mới nên sản lượng chè quí I chỉ đạt 786 tấn, bằng 99% so với cùng kỳ.

Cùng với đó nhiều nhà đầu tư đã có giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh, song do năng lực tài chính hạn chế hoặc không phải là nhà đầu tư đích thực, lại không vay được vốn ngân hàng đã làm chậm tiến độ dự án nhất là trong ngành khai thác chế biến khoáng sản, thuỷ điện.

Qua công tác rà soát các doanh nghiệp cuối năm 2011, trong tổng số 719 doanh nghiệp ngành công thương và thương mại thì chỉ có 340 doanh nghiệp số doanh nghiệp hoạt động sản xuất có hiệu quả, đạt 47%, số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và dừng hoạt động chiếm 53%, trong đó số doanh nghiệp dừng hoạt động theo thống kê chưa đầy đủ là 40 doanh nghiệp. Hết quý I của năm nay, số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và dừng hoạt động chiếm 65%, tăng thêm 10%. 

Để đạt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 bằng 3.900 tỷ đồng, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp là vấn đề cấp thiết. Do đó bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, tỉnh cần có những giải pháp cụ thể như lĩnh vực khai khoáng cần kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp khai thác đá vôi trắng, đặc biệt là đá Block được phép xuất khẩu vì theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp phép tỷ lệ khai thác đá Block chiếm 20% trong tổng số lượng đã khai thác.

Có định hướng cho các  doanh nghiệp  khai thác và tuyển quặng, chì, kẽm và các khoáng sản kim loại khác trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc được xuất khẩu để giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất. Tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các mỏ được cấp phép, trong quá trình kiểm tra rà soát nếu chủ đầu tư đã được cấp phép không tiến hành đầu tư để đưa vào khai thác đúng quy định sẽ thu hồi cấp cho các chủ đầu tư có năng lực khác. Với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, cần có giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm thông qua các công trình xây dựng cơ hạ tầng giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm xi măng, gạch, cát sỏi...

Trong lĩnh vực chế biến chè, cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ cơ sở chế biến chè hiện có, trên cơ sở phân xếp loại, để cơ cấu lại, các cơ sở sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, đảm bảo về chất lượng, cơ sở nào không đảm bảo cần kiên quyết dừng sản xuất. Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm gỗ, tiết kiệm nguyên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, cần rà soát, sắp xếp lại. Các cơ sở chế biến gỗ, HTX và hộ cá thể kinh doanh. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy chế biến ván MĐF, cần tăng cường mời gọi đầu tư chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao.

Đối với các công trình thuỷ điện, cần đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng để phát điện sớm, riêng công trình Thuỷ điện Văn Chấn có công suất lớn sau thuỷ điện Thác Bà, UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND thị xã Nghĩa Lộ khẩn trương giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư xây dựng đường điện 110 kv để phát điện lên lưới quốc gia khi dự án đi vào sản xuất.

 

Ông Trương Ngọc Biên -  Giám đốc Sở Công thương

Với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành Công thương đã chủ động nắm bắt những khó khăn của các doanh nghiệp để phối hợp với các địa phương và ngành chức năng cùng tháo gỡ.

Bên cạnh đó, ngành đã chỉ đạo các doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất để giữ việc làm, khách hàng và đảm bảo đời sống người lao động.

Trong  một loạt những giải pháp và kiến nghị ngành đã kiến nghị với trung ương và tỉnh thì việc tỉnh triển khai nhanh việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp năm 2012 là cần thiết, bên cạnh đó tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách theo hướng tăng thêm cho công tác khuyến công, hỗ trợ đầu tư cụm công nghiệp, xúc tiến thương mại...

Tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp thì mục tiêu sản xuất công nghiệp năm 2012 mới có thể thực hiện được.

Theo YBĐT

Tin liên quan