Bạn đang ở đây

Các doanh nghiệp tăng tốc cuối năm: Kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 20%

09/09/2011 15:25:18
Nếu như HTX mành trúc Bình Minh gần 10 năm qua trở thành một vệ tinh sản xuất chủ lực cho các DN xuất khẩu hàng đầu như Hapro, thì HTX Ba Nhất vẫn “một mình một ngựa” với những đơn hàng đầy ắp đến từ 50 nước. Tại phân xưởng sản xuất đặt tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, hàng trăm công nhân miệt mài làm ra những chiếc bình hoa, thảm lót chân, bàn ghế, giỏ xách xinh xắn từ những nguyên liệu sẵn có như lục bình, dây chuối, cói, đay, rơm rạ, mây tre. Với việc dồn sức cho các đơn hàng cuối năm, nhiều khả năng doanh thu của HTX Ba Nhất sẽ đạt hơn 10 triệu USD.
 
Tương tự, các DN ngành gỗ cũng khẩn trương hoàn tất đơn hàng, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD trong năm 2010, trong khi tiếp tục ký được những đơn hàng đến quý 2-2011. Trong khi đó, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cho biết, nhiều DN nhận được những đơn hàng lớn nên năm 2010, ngành dệt may có thể đạt mức tăng trưởng từ 18% - 20%, da giày 15% - 16%.
 
Trong 7 tháng năm 2010, 11 mặt hàng (dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gạo, cà phê, sắt thép, đồ gỗ, máy móc thiết bị, máy vi tính và linh kiện, đá quý và kim loại quý) có kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1 tỷ USD.
 
So với cùng kỳ, “câu lạc bộ xuất khẩu trên 1 tỷ USD” có thêm 2 thành viên là máy móc thiết bị và sắt thép. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm chủ yếu nhờ sự tăng giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dầu thô, than đá, cao su, gạo, chè, sắn, hạt tiêu, hạt điều. Hàng hóa xuất khẩu của VN vào thị trường các nước cũng tăng trưởng cao và khá đồng đều. Tỷ trọng hàng xuất khẩu của VN sang thị trường châu Á chiếm khoảng 48%, sang châu Mỹ 23%, sang EU 15%... Theo Bộ Công thương, thông thường kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh trong quý 4 và nhiều khả năng giá các mặt hàng chủ lực tiếp tục được cải thiện. Đó là thời điểm để các DN tăng tốc xuất khẩu hoàn thành kế hoạch năm.
 
Đối mặt thách thức
 
Theo ông Diệp Thành Kiệt, dù ngành dệt may đang có tốc độ tăng trưởng cao nhưng thực tế mức tăng này không phải do nhu cầu thị trường tăng, mà vì việc chuyển giao các đơn hàng từ Trung Quốc. Trong khi đó, khả năng đáp ứng các đơn hàng của DN hiện nay rất đáng lo ngại vì thiếu lao động. Tại một số thị trường trọng điểm, hàng dệt may của VN chiếm một tỷ trọng tương đối lớn, đã được Cục Quản lý cạnh tranh đưa vào hệ thống cảnh báo sớm nhằm hạn chế mức thấp nhất khả năng có thể xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá.
 
Tương tự với ngành gỗ, dù kim ngạch đã đạt 1,8 tỷ USD, tăng 33,4% nhưng biến động về lao động cùng các chi phí đầu vào tăng khá cao (nhập tới 80% nguyên liệu sản xuất) khiến lợi nhuận của các DN giảm mạnh. Do vậy, một số DN VN đã tính đến việc liên kết lập kho ngoại quan tại các nước để bán hàng trực tiếp, thay vì qua trung gian để giảm chiết khấu và giữ giá. Dĩ nhiên, các DN đang trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước để quyết tâm thực hiện được dự án này. Dù đang có nhiều lợi thế về giá và thị trường, nhưng nhiều DN thủy sản, xuất khẩu nông sản cũng đang gặp khó do nguồn vốn hạn hẹp và khả năng huy động nguồn nguyên liệu còn yếu.
 
Để đạt được tốc độ tăng trưởng 20%, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò “bà đỡ” cho các DN trong việc xúc tiến, khai thông thị trường. Công tác dự báo thị trường và giá cả cần phải đi trước nhiều bước, đặc biệt là việc theo dõi diễn biến, động thái từ các nước nhập khẩu để kịp thời cảnh báo cho các DN trong việc phòng vệ thương mại.
 
Bên cạnh việc khơi thông các nguồn vốn cần được đẩy mạnh, chính sách điều hành tỷ giá cũng cần ổn định đến cuối năm để các DN yên tâm với những hợp đồng đã ký. Chỉ khi nào Nhà nước và DN kết hợp chặt chẽ, xuất khẩu của VN mới thực sự tăng tốc, góp phần thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Chính phủ đề ra.
 
(Theo SGGP)

Tin liên quan