Bạn đang ở đây

4 xu hướng chuyển dịch của ngành viễn thông năm 2023

30/01/2023 08:50:59

Sau 2 năm bị ảnh hưởng do gián đoạn chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng vọt và áp lực kinh tế, các hãng viễn thông vẫn sẽ tiếp tục phải thay đổi để tồn tại.

Các nhà mạng sẽ tiếp tục thay đổi trong năm 2023. (Ảnh: Shutterstock)

Các nhà mạng sẽ tiếp tục thay đổi trong năm 2023. (Ảnh: Shutterstock)

Adolfo Hernandez, Phó Chủ tịch bộ phận kinh doanh viễn thông tại Amazon Web Services đã có những dự đoán về các xu hướng của ngành trong năm nay. Đó là sự trỗi dậy của kiến trúc lưới dữ liệu (data mesh), hợp tác để phát triển 5G và sự chuyển dịch từ viễn thông sang công nghệ.

Sự trỗi dậy của kiến trúc lưới dữ liệu

Các quyết định dựa trên dữ liệu sẽ giúp các hãng viễn thông giảm chi phí vận hành, tái tạo trải nghiệm khách hàng và dẫn dắt đổi mới. Những doanh nghiệp như T-Mobile và Telia đã tận dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao trải nghiệm khách hàng và tự động hóa các chiến dịch. Tuy nhiên, ngành viễn thông vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai phá dù các nhà mạng sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ, phần lớn còn phân mảnh và bị cô lập. 

Giải pháp cho điều này là ứng dụng kiến trúc data mesh. Mỗi bộ dữ liệu sẽ được xem như một sản phẩm và do các bộ phận quản lý. Sau đó, dữ liệu được chia sẻ đến danh mục tập trung, nơi nó được dùng để chuyển đổi kinh doanh.

 

Một lưới dữ liệu bảo đảm rằng các phòng ban sẽ có công cụ phù hợp để làm việc. Chẳng hạn, nó giúp các nhà khoa học dữ liệu xây dựng, đào tạo và triển khai các mô hình máy học (ML), tăng cường ứng dụng ML trong toàn bộ tổ chức để thúc đẩy đổi mới.

Hợp tác để phát triển hệ sinh thái 5G

Theo ông Hernandez, năm nay sẽ đánh dấu điểm khởi đầu của việc kiếm tiền từ 5G. Hiệp hội GSM cho biết, 34/50 quốc gia đã triển khai 5G và ngày càng nhiều smartphone hỗ trợ mạng di động thế hệ mới.

Trở ngại cuối cùng chính là hệ sinh thái 5G. Cần phải có nhiều quan hệ hợp tác liên ngành và liên chức năng để tạo ra các dịch vụ mới, loại bỏ rào cản để xây dựng và quản lý mạng lưới. Trong năm nay, chúng ta có thể chứng kiến nhiều nhà mạng bắt tay với nhau hơn, tương tự cách Verizon và Vodafone đã làm để thúc đẩy điện toán biên.

Chi phí năng lượng ảnh hưởng đến quyết định kinh doanh

Theo GSMA Intelligence, tiêu thụ năng lượng chiếm khoảng 15% đến 40% chi phí vận hành năm 2021 của các nhà mạng. Báo cáo từ McKinsey và Ericsson ước tính 60% đến 75% tiêu thụ năng lượng của nhà mạng di động đến từ mạng RAN. Do lưu lượng dữ liệu không tải liên tục, nhiều phần của RAN có thể đưa vào trạng thái "ngủ”. Sử dụng dữ liệu và ứng dụng AI/ML, các nhà mạng sẽ quản lý và tự động hóa quy trình thông minh hơn.

Các công ty châu Âu đã giảm gần 80% năng lượng sử dụng bằng cách chuyển lượng công việc điện toán từ trung tâm dữ liệu tại chỗ sang AWS. Họ cũng có thể giảm khí thải carbon một khi AWS đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025.

Từ viễn thông sang công nghệ

Mối quan hệ giữa nhà mạng và khách hàng cũng như cách thức vận hành của nhà mạng có thể thay đổi trong năm nay.

Đầu tiên, nhà mạng phải chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ kết nối sang nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số. Một ví dụ nổi bật là Swisscom, công ty không ngừng đào tạo nhân viên kỹ thuật, bán hàng để tư vấn cho khách hàng về lộ trình "lên mây”. Thứ hai, ngày càng nhiều nhà mạng thử nghiệm vận hành mạng lưới như một nền tảng, cung cấp một con đường khác để kiếm tiền từ mạng lưới của mình.

Theo đuổi 4 xu hướng nói trên không hề dễ. Nó đòi hỏi phải nâng cấp kỹ năng và thay đổi kỹ năng, và quan trọng hơn, đòi hỏi sự cam kết từ ban lãnh đạo. Tuy nhiên, 2023 sẽ là một năm thay đổi đáng kể và những sự chuyển dịch như vậy sẽ giúp mở khóa cơ hội và tăng trưởng mới.

(Theo ictnews)