Bạn đang ở đây

Chuyển đổi số 2023

Tiếng Việt

Câu chuyện xây dựng thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Chuyển đổi số đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã mang lại giá trị và ý nghĩa hết sức to lớn.

Đồng chí Hoàng Minh Tiến - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái

Đồng chí Hoàng Minh Tiến - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái

 

CÁCH LÀM ĐI ĐẾN KẾT QUẢ

Sự cần thiết ban hành Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND

Yên Bái là một tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có 30 dân tộc cùng chung sống, nhiều địa phương trong tỉnh còn rất khó khăn. Trong quá trình triển khai chuyển đổi số, tỉnh Yên Bái sớm xác định: chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, tạo nên giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng và sử dụng thì chuyển đổi số sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số.

Bên cạnh đó, cần xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công nghệ thông tin, an toàn thông tin, chuyển đổi số có đủ năng lực, trình độ chuyên sâu tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền; mặt khác, cũng cần quan tâm thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh. 

Đồng chí Lê Trung Đính - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Sơn Thịnh kiểm tra việc tổ chức sinh hoạt Đảng của chi bộ trực thuộc trên ứng dụng

Đồng chí Lê Trung Đính - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn kiểm tra việc tổ chức sinh hoạt Đảng của chi bộ trực thuộc trên ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”.

Tuy nhiên thực tế lại cho thấy, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin của tỉnh Yên Bái còn nhiều hạn chế, bất cập: Số lượng nhân lực về công nghệ thông tin còn thiếu, chất lượng nhân lực công nghệ thông tin còn thấp, mức thu nhập của những người đang hoạt động chuyên trách về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại các cơ quan trong hệ thống chính trị tỉnh thấp hơn so với mặt bằng chung và quá chệnh lệch giữa lao động trong biên chế (5 triệu đồng/tháng) và lao động tại các doanh nghiệp (khoảng 15 triệu đồng/tháng). 

Điều này dẫn đến công chức, viên chức không tâm huyết thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trách nhiệm chưa cao, không tự học tập nâng cao trình độ trong khi lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số liên tục thay đổi cần phải kịp thời cập nhật.

Tỉnh đã thực hiện thành công 7 mô hình chuyển đổi số, đã mang đến luồng gió mới trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, từng bước đem lại lợi ích cho người dân và hệ thống các cơ quan từ cấp tỉnh, đến huyện, xã như: Hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền được nhanh chóng, kịp thời, nâng cao hiệu lực hiệu quả; quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương trên môi trường mạng, nhân dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, khách du lịch biết đến tỉnh Yên Bái nhiều hơn… Với những nỗ lực và kết quả đạt được, cần có chính sách khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị, địa phương trong xây dựng chuyển đổi số đảm bảo thiết thực và đúng quy định hiện hành. 

Để phần nào giải quyết những khó khăn từ thực tiễn, đồng thời khen thưởng, động viên đối với những thành tích xuất sắc của các đơn vị, địa phương trong thực hiện chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái xây dựng chính sách hỗ trợ đối với công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông tin, an toàn thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025. 

Sau bao nỗ lực, kết quả: ngày 09/12/2022, tại kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã thông qua Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND Quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025.

Quan điểm xây dựng Nghị quyết

Mức thưởng trong chuyển đổi số: Quy định cụ thể mức thưởng cho các tập thể trên cơ sở thành tích đạt được trong chuyển đổi số theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái. Khi các đối tượng được công nhận thì được thưởng mức tiền để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật số, mua sắm trang thiết bị góp phần nâng cao chất lượng trong chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Quy định hỗ trợ cho Tổ chuyển đổi số cộng đồng: Hỗ trợ hoạt động của Tổ chuyển đổi số cộng đồng tham gia các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh; trong đó, tập trung hỗ trợ hoạt động của Tổ chuyển đổi số cộng đồng đến cấp thôn tại các xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi số nâng cao. 

Mức hỗ trợ xây dựng trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương, kinh phí hỗ trợ được thực hiện để mua sắm, thuê trang thiết bị, phần mềm hỗ trợ nhiệm vụ chuyển đổi số, mua gói cước di động, data… các nhiệm vụ khác hỗ trợ hoạt động của Tổ chuyển đổi số cộng đồng.

Quy định chế độ đãi ngộ hàng tháng bằng số tiền cụ thể đối với công chức, viên chức chuyên trách làm công nghệ thông tin, an toàn thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các lĩnh vực quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và chuyển đổi số, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực ông nghệ thông tin… 

Mức hỗ trợ xây dựng trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương, có so sánh với mức ưu đãi của các đối tượng khác như nhà giáo, nhân viên y tế và so sánh với mức hỗ trợ của một số tỉnh thành, thành phố khác trong cả nước. Chỉ hỗ trợ cho đối tượng chuyên trách (theo vị trí việc làm, có trình độ đào tạo công nghệ thông tin hoặc gần đào tạo công nghệ thông tin).

Người dân phường Minh Tân, thành phố Yên Bái tìm kiếm các thông tin cần thiết qua việc quét tra cứu trên các cột đèn trang trí.  

Các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết

Nghị quyết gồm 3 chính sách: 

(1) Quy định mức thưởng đối với các sở, ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Yên Bái được công nhận đạt chuẩn chuyển đổi số hoặc chuyển đổi số nâng cao giai đoạn 2022 - 2025. 

Mức thưởng đối với sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được cơ quan có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn chuyển đổi số được thưởng 100 triệu đồng/1 đơn vị; công nhận đạt chuẩn chuyển đổi số nâng cao được thưởng 150 triệu đồng/1 đơn vị.

Mức thưởng đối với huyện, thị xã và thành phố được cơ quan có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn chuyển đổi số được thưởng 500 triệu đồng/1 đơn vị; công nhận đạt chuẩn chuyển đổi số nâng cao được thưởng 1 tỷ đồng/1 đơn vị.

Mức thưởng đối với xã, phường, thị trấn được cơ quan có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn chuyển đổi số được thưởng 100 triệu đồng/1 đơn vị; công nhận đạt chuẩn chuyển đổi số nâng cao được thưởng 150 triệu đồng/1 đơn vị.

(2) Quy định chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực chuyển đổi số đối với các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2025. Mức hỗ trợ là 500 nghìn đồng/01 Tổ/tháng.

(3) Quy định chính sách hỗ trợ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh Yên Bái.

Mức hỗ trợ đối với công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ đại học được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng; có trình độ thạc sĩ trở lên được hỗ trợ 2,0 triệu đồng/người/tháng.

Mức hỗ trợ đối với công chức cấp xã được hỗ trợ 1,0 triệu đồng/người/tháng.

Đoàn viên thanh niên phường Đồng Tâm thành phố Yên Bái tổ chức cài đặt, hướng dẫn giúp người dân cài đặt tài khoản dịch vụ công quốc gia, sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đoàn viên thanh niên phường Đồng Tâm thành phố Yên Bái tổ chức cài đặt, hướng dẫn giúp người dân cài đặt tài khoản dịch vụ công quốc gia, sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Hiệu quả mang lại

Chuyển đổi số đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã mang lại giá trị và ý nghĩa hết sức to lớn:

(1) Là cơ sở pháp lý để áp dụng thưởng đối với các sở, ban, ngành; cấp huyện và xã, phường, thị trấn; hỗ trợ cho Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, thôn; công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

 

(2) Tạo động lực, động viên, khích lệ công chức, viên chức chuyên trách về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại các cơ quan của tỉnh Yên Bái yên tâm công tác, cống hiến; các tập thể phấn đấu hoàn thành nhanh nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Góp phần cùng toàn hệ thống chính trị đẩy nhanh xây dựng Chính quyền điện tử thành công ở các cấp, các ngành trên địa bàn hướng tới Chính quyền số.

(3) Chính sách là minh chứng thuyết phục tốt nhất để thu hút nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao làm việc tại tỉnh Yên Bái.

Bài học kinh nghiệm

Trong quá trình xây dựng tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 Quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Yên Bái rút ra 3 bài học kinh nghiệm sau:

(1) Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của tỉnh quan tâm, cho chủ trương, tạo cơ chế; Sở Thông tin và Truyền thông xác định trách nhiệm là cơ quan chủ động tham mưu chính sách, dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.

(2) Trong chuyển đổi số, việc lấy người dân làm trung tâm là yêu cầu bắt buộc nhưng cũng phải quan tâm đến cán bộ, công chức, viên chức. Khối lượng công việc trong thực hiện chuyển đổi số là vô cùng lớn, đòi hỏi trách nhiệm cao của mỗi người nhưng nếu không có một chế độ đãi ngộ đối với nhân lực làm công tác chuyển đổi số thì việc chuyển đổi số sẽ khó đạt yêu cầu và thành công được. 

(3) Quan tâm khen thưởng kịp thời, khích lệ động viên đối với những thành tích xuất sắc mà các cơ quan, đơn vị, địa phương đã vất vả huy động nhân lực, vật lực cho công cuộc chuyển đổi số. 

Nguồn: Báo Yên Bái

Thúc đẩy năng suất cần cú huých từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, nhất là sau đại dịch Covid-19. Và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó, thậm chí đã có doanh nghiệp phần mềm của nước ta đạt năng suất lao động tiệm cận với mức trung bình trên thế giới nhờ vào internet, AI và Big Data.

Những thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn của chuyển đổi số trong mọi mặt đời sống xã hội.

Dây chuyền sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty TNHH 4P (tỉnh Hưng Yên). (Ảnh MINH HÀ)

Kiếm tiền từ nguồn lực dữ liệu

Chia sẻ về bài học thành công trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho biết, hiện nay, năng suất lao động của doanh nghiệp này cao gấp khoảng hơn từ bốn đến năm lần năng suất lao động trung bình của cả nước. Trong đó, riêng đội ngũ phần mềm chuyên làm về AI có năng suất lao động cao gấp chín lần và đã tiệm cận năng suất lao động trung bình cả thế giới, tức đạt khoảng từ 38.000 USD đến 42.000 USD/người. Có được thành công này là nhờ vào internet, AI và Big Data.

Thông qua kết nối dữ liệu, nhân viên FPT hoàn toàn có thể làm việc như những kỹ sư ở Tokyo, Singapore và các nước khác với sự trợ giúp của khoa học. “Internet đã trở thành một phần rất cơ bản của cuộc sống. Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, các công ty viễn thông nhận ra sứ mệnh của mình không chỉ là kinh doanh mà là kết nối con người, đây chính là cơ hội rất lớn. Cùng với tiền bạc, con người thì dữ liệu đã trở thành nguồn lực chính để cạnh tranh và phát triển”, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), không có giải pháp chung về chuyển đổi số cho mọi doanh nghiệp. Là doanh nghiệp quy mô lớn, có sự phân tán về địa bàn và khác biệt về công nghệ giữa các công ty thành viên, Vinatex thực hiện chuyển đổi số trước tiên ở các công ty ngành sợi vì đó là khu vực có nhiều tài sản nhất, có lợi thế cạnh tranh nhất và có điều kiện tốt hơn về trang thiết bị công nghệ. Đơn cử, năm 2020, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài quyết định đầu tư nhà máy sợi hai tầng đầu tiên trong hệ thống các đơn vị ngành sợi của Vinatex với quy mô 30 nghìn cọc sợi, công nghệ mới nhất của Thụy Sĩ, tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng.

Đây là dây chuyền tự động, được số hóa và quản trị tập trung nhưng chỉ sử dụng 130 công nhân (trung bình 35 công nhân/10 nghìn cọc sợi), diện tích xây dựng 9.000m2. So quy mô của một nhà máy sợi tương tự, dự án giảm 84% số lao động, giảm khoảng 50% diện tích đất xây dựng, tiết kiệm chi phí lao động bằng 120% chi phí khấu hao tăng thêm và còn lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái để bắt kịp xu hướng xanh hóa ngành dệt may.

Tư duy và hành động mới

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chuyển đổi số sẽ trở thành cú huých thúc đẩy năng suất lao động của khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Điểm thuận lợi là châu Á đóng góp 60% số lượng bằng sáng chế của toàn thế giới và chiếm gần 60% tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến nhờ chi tiêu cho thương mại điện tử gia tăng mạnh mẽ. Mức tăng trưởng vượt bậc cũng có được ở tỷ lệ đơn xin cấp bằng sáng chế cho các công nghệ thương mại điện tử và làm việc từ xa. Đáng lưu ý, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ tăng vượt trội so với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới, lên đến 40%-50% trong năm 2020.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là đổi mới sáng tạo lại không dẫn đến tăng năng suất ở châu Á. Điều này cho thấy, chất lượng đổi mới sáng tạo không phải lúc nào cũng cao một cách nhất quán và đòi hỏi phải có sự cải thiện về chất lượng các sáng chế để chuyển hóa thành năng suất cao hơn. Đồng thời, tốc độ truyền bá công nghệ từ doanh nghiệp đi đầu và các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm, không có được sự chuyển giao công nghệ, truyền bá tri thức mạnh mẽ khiến hoạt động đổi mới sáng tạo đang tập trung vào một nhóm các doanh nghiệp lớn, trong khi số đông gồm các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang tụt hậu phía sau.

Để thúc đẩy chuyển đổi số tăng năng suất lao động, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Worldbank tại Việt Nam cho rằng, cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục. Cùng với đó là tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp, nhất là đầu tư mạo hiểm; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng, hiệu quả hơn với khu vực tư nhân, giảm bớt các rào cản hành chính đối với việc thành lập doanh nghiệp và tăng cường khả năng dự báo chính sách.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần có tư duy và hành động mới để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hướng đến chiều sâu. Cụ thể là đánh giá mức độ chuyển đổi số chi tiết theo các tiêu chí khoa học, rõ ràng, để từ đó có những thay đổi, chiến lược và kế hoạch phát triển phù hợp. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định, chuyển đổi số trong khu vực sản xuất, kinh doanh sẽ chậm và khó khăn hơn so với các ngành có mức độ chuyển đổi số cao như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông...

Khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp luôn trăn trở giữa lựa chọn phương án mua công nghệ mới hoàn toàn hay cải tạo công nghệ cũ, điều này phụ thuộc rất nhiều về nguồn tài chính và nhân lực của doanh nghiệp và của cả ngành kinh tế. Vì vậy, để chuyển đổi số thành công phải có tầm nhìn xa nhưng bước đi nhỏ.

Tầm nhìn xa là phải có chiến lược phát triển, có bộ chỉ số thể hiện mức độ trưởng thành số trong từng ngành và bước đi nhỏ là để nếu phải làm lại thì chi phí cũng không lớn. Quan trọng hơn cả là cần có thể chế đi trước mở đường, vì chuyển đổi số và kinh tế số không đơn thuần chỉ là bài toán công nghệ mà liên quan đến cái mới. Trong quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp, thể chế có tính chất mở đường, công nghệ giữ vai trò quan trọng, con người là yếu tố quyết định.

Nguồn: Báo Nhân dân

4 xu hướng chuyển dịch của ngành viễn thông năm 2023

Sau 2 năm bị ảnh hưởng do gián đoạn chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng vọt và áp lực kinh tế, các hãng viễn thông vẫn sẽ tiếp tục phải thay đổi để tồn tại.

Các nhà mạng sẽ tiếp tục thay đổi trong năm 2023. (Ảnh: Shutterstock)

Các nhà mạng sẽ tiếp tục thay đổi trong năm 2023. (Ảnh: Shutterstock)

Adolfo Hernandez, Phó Chủ tịch bộ phận kinh doanh viễn thông tại Amazon Web Services đã có những dự đoán về các xu hướng của ngành trong năm nay. Đó là sự trỗi dậy của kiến trúc lưới dữ liệu (data mesh), hợp tác để phát triển 5G và sự chuyển dịch từ viễn thông sang công nghệ.

Sự trỗi dậy của kiến trúc lưới dữ liệu

Các quyết định dựa trên dữ liệu sẽ giúp các hãng viễn thông giảm chi phí vận hành, tái tạo trải nghiệm khách hàng và dẫn dắt đổi mới. Những doanh nghiệp như T-Mobile và Telia đã tận dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao trải nghiệm khách hàng và tự động hóa các chiến dịch. Tuy nhiên, ngành viễn thông vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai phá dù các nhà mạng sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ, phần lớn còn phân mảnh và bị cô lập. 

Giải pháp cho điều này là ứng dụng kiến trúc data mesh. Mỗi bộ dữ liệu sẽ được xem như một sản phẩm và do các bộ phận quản lý. Sau đó, dữ liệu được chia sẻ đến danh mục tập trung, nơi nó được dùng để chuyển đổi kinh doanh.

 

Một lưới dữ liệu bảo đảm rằng các phòng ban sẽ có công cụ phù hợp để làm việc. Chẳng hạn, nó giúp các nhà khoa học dữ liệu xây dựng, đào tạo và triển khai các mô hình máy học (ML), tăng cường ứng dụng ML trong toàn bộ tổ chức để thúc đẩy đổi mới.

Hợp tác để phát triển hệ sinh thái 5G

Theo ông Hernandez, năm nay sẽ đánh dấu điểm khởi đầu của việc kiếm tiền từ 5G. Hiệp hội GSM cho biết, 34/50 quốc gia đã triển khai 5G và ngày càng nhiều smartphone hỗ trợ mạng di động thế hệ mới.

Trở ngại cuối cùng chính là hệ sinh thái 5G. Cần phải có nhiều quan hệ hợp tác liên ngành và liên chức năng để tạo ra các dịch vụ mới, loại bỏ rào cản để xây dựng và quản lý mạng lưới. Trong năm nay, chúng ta có thể chứng kiến nhiều nhà mạng bắt tay với nhau hơn, tương tự cách Verizon và Vodafone đã làm để thúc đẩy điện toán biên.

Chi phí năng lượng ảnh hưởng đến quyết định kinh doanh

Theo GSMA Intelligence, tiêu thụ năng lượng chiếm khoảng 15% đến 40% chi phí vận hành năm 2021 của các nhà mạng. Báo cáo từ McKinsey và Ericsson ước tính 60% đến 75% tiêu thụ năng lượng của nhà mạng di động đến từ mạng RAN. Do lưu lượng dữ liệu không tải liên tục, nhiều phần của RAN có thể đưa vào trạng thái "ngủ”. Sử dụng dữ liệu và ứng dụng AI/ML, các nhà mạng sẽ quản lý và tự động hóa quy trình thông minh hơn.

Các công ty châu Âu đã giảm gần 80% năng lượng sử dụng bằng cách chuyển lượng công việc điện toán từ trung tâm dữ liệu tại chỗ sang AWS. Họ cũng có thể giảm khí thải carbon một khi AWS đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025.

Từ viễn thông sang công nghệ

Mối quan hệ giữa nhà mạng và khách hàng cũng như cách thức vận hành của nhà mạng có thể thay đổi trong năm nay.

Đầu tiên, nhà mạng phải chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ kết nối sang nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số. Một ví dụ nổi bật là Swisscom, công ty không ngừng đào tạo nhân viên kỹ thuật, bán hàng để tư vấn cho khách hàng về lộ trình "lên mây”. Thứ hai, ngày càng nhiều nhà mạng thử nghiệm vận hành mạng lưới như một nền tảng, cung cấp một con đường khác để kiếm tiền từ mạng lưới của mình.

Theo đuổi 4 xu hướng nói trên không hề dễ. Nó đòi hỏi phải nâng cấp kỹ năng và thay đổi kỹ năng, và quan trọng hơn, đòi hỏi sự cam kết từ ban lãnh đạo. Tuy nhiên, 2023 sẽ là một năm thay đổi đáng kể và những sự chuyển dịch như vậy sẽ giúp mở khóa cơ hội và tăng trưởng mới.

(Theo ictnews)