Bạn đang ở đây

sản phẩm OCOP

Tiếng Việt

Phú Thọ: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP qua thương mại điện tử

Việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử được các ngành, địa phương tỉnh Phú Thọ coi giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm này.

Hàng trăm gian hàng, hàng nghìn sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh phối hợp với các ngành như Công Thương, Thông tin và Truyền thông để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) lên các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo động lực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, các ngành, địa phương trong tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và đặc biệt là các chủ thể OCOP cài đặt, sử dụng phần mềm nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa, dán tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản.

Đi vào hoạt động từ năm 2018, đến nay Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ - giaothuong.net.vn đã có 302 gian hàng với 945 sản phẩm dịch vụ và trên 5,53 triệu lượt truy cập. Các sản phẩm được lựa chọn đưa lên sàn hầu hết đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như: Bưởi Đoan Hùng, cam lòng vàng, chè xanh, mì gạo Hùng Lô, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, thịt chua, tương, nón lá... Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh đạt từ 350 - 400 doanh nghiệp tham gia.

Được khai trương từ tháng 7/2019, Sàn thương mại điện tử voso.vn của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel cũng có nhiều tính năng nổi bật để hỗ trợ khách hàng trong mua sản phẩm như: Quét mã QR để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và minh bạch thông tin của sản phẩm đã trở thành địa chỉ giao dịch thương mại có uy tín với nhiều khách hàng. Bên cạnh đó, sàn voso.vn còn trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp cách chụp ảnh sản phẩm, livestream bán hàng… ngay tại cơ sở sản xuất, tạo thuận lợi cho cả người bán và người mua.

Phú Thọ: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP qua thương mại điện tử
Sản phâm chè Đá Hen được đông đảo khách hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn tin dùng

 

Đến thời điểm này trên sàn Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam có 28 sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ bao gồm 9 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm 3 sao. Ngoài 28 sản phẩm OCOP, Phú Thọ còn thiết lập gần 90.000 tài khoản được active trên sàn Postmart với hơn 1.500 sản phẩm đa dạng từ nông sản, thực phẩm đến ngành hàng tiêu dùng. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của Phú Thọ được quảng bá rộng rãi, tiếp cận được nhiều đối tượng và dần mở rộng thị phần, từng bước chinh phục thị trường trong nước và nước ngoài. Qua đó, số lượng hàng hoá bán, giao dịch qua kênh online cũng có bước tăng trưởng nhanh so với cách bán hàng truyền thống trước kia.

Đòn bẩy đưa OCOP “xuất ngoại”

Anh Cao Đăng Duy - Giám đốc hợp tác xã mì gạo Hùng Lô cho biết: Nếu như trước đây, sản phẩm mỳ gạo được bày bán chủ yếu ở các chợ truyền thống, cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm nông sản nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh, thì nay khách hàng ở khắp mọi nơi đều có thể cập nhật được thông tin, giá cả, mẫu mã và chất lượng sản phẩm thông qua những “cú click” đơn giản trên Sàn giao dịch thương mại điện tử với tên miền là giaothuong.net.vn và đặt mua dễ dàng.

Hiện nay, Sàn giao dịch thương mại điện tử đã là một trong những kênh bán hàng hiệu quả của hợp tác xã, đã có 30% sản lượng sản phẩm tiêu thụ thông qua Sàn giao dịch thương mại điện tử. “Đây không những là kênh bán hàng hiệu quả, mà chúng tôi còn có thể cập nhật được thông tin, phản hồi của khách hàng, từ đó rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người mua” - anh Duy nói.

Phú Thọ: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP qua thương mại điện tử
Sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô được nhiều người tiêu dùng biết đến nhờ kênh tiêu thụ từ sàn thương mại điện tử

 

Còn ông Nguyễn Tuấn Oanh - Giám đốc Hợp tác xã bưởi và dịch vụ tổng hợp xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng cho biết: Sàn thương mại điện tử là nơi giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Việc đưa sản phẩm lên sàn đã giúp hợp tác xã mở rộng thị trường, doanh thu không ngừng tăng lên. Hơn 50% sản lượng sản phẩm tiêu thụ của hợp tác xã thông qua Sàn giao dịch thương mại điển tử, website của hợp tác xã và các kênh bán hàng online.

Anh Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc hợp tác Sản xuất và chế biến chè Đá Hen (xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê) chia sẻ: Nhận thức của hội viên hợp tác xã trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm ngày càng nâng cao, từ đó chấp hành nghiêm các quy định về sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, củng cố chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm của mình trên thị trường. Với sự nỗ lực cố gắng, hợp tác xã sản xuất chế biến chè Đá Hen đã được cấp chứng nhận OCOP sản phẩm đạt hạng 4 sao cho sản phẩm chè. Qua kênh bán hàng, giới thiệu trên Sàn thương mại điện tử Postmart, sản phẩm chè Đá Hen không những có mặt trên thị trường nhiều thành phố lớn của Việt Nam mà bắt đầu nhận được sự quan tâm đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan…

Năm 2022, các cấp, ngành tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể OCOP đưa sản phẩm lên các nền tảng thương mại điện tử, góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm. Sở Công Thương Phú Thọ đã hỗ trợ xây dựng 5 bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai ứng dụng thương mại điện tử. Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thương mại điện tử cho gần 500 lượt cán bộ doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ đoàn viên thanh niên tại các huyện Yên Lập, Cẩm Khê...

Với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 55% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng, website bán hàng, 50% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, 70% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử và 50% số xã, phường, thị trấn có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến... Phú Thọ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho đội ngũ doanh nghiệp và người dân bằng nhiều hình thức. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn sâu về thương mại điện tử, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao hoạt động về thương mại điện tử tại các cơ quan, đơn vị.

Phú Thọ: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP qua thương mại điện tử
Giao diện của Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ giaothuong.net.vn

 

Cùng với đó, tỉnh Phú Thọ cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh: Hỗ trợ xây dựng bộ giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến; sử dụng email riêng; chữ ký số; hóa đơn điện tử; tem điện tử; mã QR… nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị đang cố gắng để khai phá hết tiềm năng, thế mạnh của những sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Nhờ sự quan tâm của các sở ban ngành, địa phương đã tổ chức các chương trình giới thiệu sản phẩm OCOP cũng như tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như chú trọng vào công tác thị trường, qua đó đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội cũng như trên sàn thương mại điện tử Postmart của Bưu điện Việt Nam.

Bưu điện tỉnh Phú Thọ cùng các sở ban ngành đã phối hợp với các chủ thể OCOP lựa chọn các sản phẩm đạt yêu cầu để đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart bằng các hoạt động như: Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn các kiến thức về thương mại điện tử cho các hộ sản xuất; hỗ trợ kích hoạt tài khoản trên sàn và tài khoản thanh toán trực tuyến cho các hộ có nhu cầu đưa các sản phẩm đủ điều kiện. Các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP chủ động đầu tư cải tiến mẫu mã, bắt nhịp nhu cầu chuyển đổi số để đưa các sản phẩm lên sàn…

Những mô hình thành công trong việc ổn định thị trường trong nước, phát triển thị trường quốc tế thông qua thương mại điện tử như của các hợp tác xã trong tỉnh đã thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Và chính từ phong trào này đã xuất hiện nhiều nông dân thành công, dám nghĩ, dám làm, tự tin đi đầu tiếp cận thị trường mới. Đây chính là đòn bẩy để sản phẩm nông nghiệp Phú Thọ được mở đường xuất ngoại, góp phần đưa kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Nguồn: Báo Công Thương

OCOP nâng tầm nông sản

Sau 4 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả, thành công và trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đặc biệt, qua chương trình OCOP, các sản vật của Yên Bái được “chắp cánh bay xa”…

Các sản phẩm OCOP của Yên Bái được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền và văn hóa ẩm thực năm 2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Các sản phẩm OCOP của Yên Bái được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền và văn hóa ẩm thực năm 2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Mật ong Mù Cang Chải là đặc sản quý giá của núi rừng đã được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng từ lâu. Tại những bản làng người Mông các xã: Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình, Lao Chải, Nậm Có, Khao Mang, La Pán Tẩn… có khoảng trên 12.000 đàn ong với sản lượng mật trên 80.000 lít/năm. Để đưa sản phẩm này đến với người tiêu dùng luôn là trăn trở của chính quyền các cấp cũng như người dân. 

Là người gắn bó với nghề nuôi ong từ lâu, năm 2018 anh Nguyễn Văn Toản thành lập Hợp tác xã (HTX) Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải để xây dựng sản phẩm mật ong Mù Cang Chải thành OCOP. Khi chúng tôi đến HTX, cũng là lúc anh Toản vừa mới đầu tư máy hạ thủy phần là loại máy tách nước từ mật ong.

Giới thiệu về dòng mật ngọt sánh đặc, tỏa mùi thơm đặc trưng của muôn loài hoa trên vùng núi cao, anh Toản chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi đã sản xuất ra sản phẩm rất chất lượng nhưng chưa được nhiều người biết đến. Chương trình OCOP như "chắp thêm cánh” để HTX nâng tầm thương hiệu, hoàn thiện quy trình sản xuất. Hiện, sản phẩm mật ong hoa tự nhiên của Mù Cang Chải được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý và sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP cũng như đạt chuẩn OCOP. Đây là tấm vé thông hành để đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng. Hiện, sản phẩm của chúng tôi được bán khắp nơi: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng…”. 

Không chỉ nâng tầm giá trị sản phẩm, thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một "đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Huyện Văn Yên là địa phương có vùng chuyên canh quế lớn nhất, nhì cả nước và cây quế đã gắn liền với cuộc sống của người Dao. 

Để khai thác tối đa giá trị của loại cây này, huyện đã có nhiều giải pháp phát triển đa dạng các sản phẩm từ quế. Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp, HTX nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ quế. 

Bà Nguyễn Kim Thoa - Giám đốc Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát chia sẻ: "Đơn vị đã đưa vào thị trường 5 sản phẩm OCOP gồm: nước rửa chén tinh dầu quế; nước lau sàn tinh dầu quế; trà quế; Quế Phát hương quế Văn Yên, Quế Phát tinh dầu quế. Các sản phẩm này đều tích các câu chuyện phong phú được ứng dụng triệt để trong lịch sử văn hóa dân tộc Dao để quảng bá giá trị văn hóa quê hương. Khi đạt chuẩn OCOP đưa ra thị trường người tiêu dùng dễ nhận diện hơn, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao”. 

Đến hết năm 2021, tỉnh đã có 138 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao; trong đó, có 20 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh và trong số đó còn có 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Chương trình OCOP của tỉnh đã lan tỏa, huy động được nhiều chủ thể tham gia; trong đó, có 86 chủ thể có sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. 

Năm 2022, toàn tỉnh có 35 sản phẩm mới được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao, 33 sản phẩm 3 sao. Lũy kế hết năm 2022 toàn tỉnh có 173 sản phẩm OCOP được xếp hạng; trong đó có 22 sản phẩm 4 sao. Sau khi tham gia Chương trình OCOP các chủ thể trên địa bàn đã chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, bao bì nhãn mác đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. 

Nhiều sản phẩm sau khi được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng đó, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được hỗ trợ từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại tại các địa phương: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái. Ngoài ra, các chủ thể đã chủ động trong việc xây dựng hệ thống bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh. 

Một số sản phẩm OCOP đã đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tại các tỉnh: Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Lai Châu...; đưa lên các sàn thương mại điện tử: Voso, Postmart. Các sản phẩm như bưởi Đại Minh, chè Bát Tiên Bảo Hưng, trà Tuyết Sơn Trà, gạo Séng cù, quế điếu thuốc, dầu lạc đỏ, dầu lạc trắng, lạc ri vỏ đỏ, miến đao... đang là những sản phẩm làm nên "thương hiệu" OCOP Yên Bái. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất, doanh thu. 

Kết quả đánh giá của các đơn vị cấp huyện cho thấy, 80,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 15%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho hay: Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. 

Cụ thể, đã góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. 

Nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một "đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền; thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.

Thời gian tới, Chương trình OCOP tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Bên cạnh những giải pháp về tuyên truyền, nâng cao năng lực trong tổ chức triển khai chương trình, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình OCOP linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. 

Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. 

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế. Đặc biệt, tập trung xây dựng để hình thành các "điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm du lịch, các hoạt động văn hóa nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước cũng như xuất khẩu.

Nguồn: Báo Yên Bái