Công tác rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn vẫn tiếp tục là nhiệm vụ cần được tập trung thực hiện ở tất cả các bộ, ngành, địa phương.
.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ, ông Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, thông qua hoạt động rà soát thường xuyên, rà soát theo chuyên đề và lĩnh vực, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát số lượng lớn văn bản, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền các giải pháp hoàn thiện pháp luật; qua đó nhiều quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập, không phù hợp thực tiễn đã được xử lý.
Trong lĩnh vực pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đất đai, môi trường, xây dựng, nhà ở và quy hoạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện rà soát, phát hiện các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và có nhiều báo cáo kết quả rà soát gửi Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật; nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn đã được xử lý tại các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác được ban hành trong những năm gần đây.
Năm 2020, thực hiện ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc rà soát văn bản QPPL, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện rà soát văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước. Phạm vi rà soát là các văn bản QPPL của các cơ quan Trung ương đang còn hiệu lực (tính đến ngày 30/6/2020), trọng tâm là các lĩnh vực tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Số văn bản đã được rà soát là 8.779 (bao gồm: 249 bộ luật, luật; 43 nghị quyết của Quốc hội; 44 pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1.163 nghị định của Chính phủ; 866 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6.414 văn bản của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ). Qua đó, đã phát hiện 20 nội dung quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản; 55 nội dung quy định pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp thực tiễn (chủ yếu ở luật và nghị định).
Năm 2021, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL tiếp tục thực hiện rà soát chuyên sâu đối với 5 nhóm văn bản QPPL còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, bao gồm: Quy định pháp luật về đất đai; tiếp tục rà soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch COVID-19; tiếp tục rà soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; quy định pháp luật về giáo dục, đào tạo (không bao gồm giáo dục nghề nghiệp); quy định pháp luật về quản lý giá và thẩm định giá, quy định pháp luật về chi phí trong hoạt động giám định tư pháp.
Đẩy mạnh hoạt động tiền kiểm, hậu kiểm trong kiểm tra văn bản
Trong công tác xây dựng pháp luật, hoạt động thẩm định, thẩm tra văn bản mang ý nghĩa là công cụ có tính chất “tiền kiểm” nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản trước khi ban hành. Cùng hướng đến mục đích tương tự, hoạt động rà soát văn bản là công cụ có tính chất “hậu kiểm” để xem xét, đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản sau khi ban hành nhằm phát hiện văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn để xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền. Các công cụ quan trọng này có mối quan hệ tương hỗ với nhau và được đặt trong tổng thể chu trình từ xây dựng pháp luật đến tổ chức thi hành pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Có thể thấy hoạt động rà soát văn bản là thước đo chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, giúp ngăn chặn kịp thời các văn bản không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi được thi hành trong thực tiễn, tránh được nguy cơ xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước và xã hội, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Hoạt động rà soát văn bản giúp cơ quan trực tiếp xây dựng, ban hành văn bản nhìn nhận, đánh giá, khắc phục những bất cập, hạn chế để hoàn thiện pháp luật. Thông qua hoạt động rà soát văn bản, các văn bản, quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội được các cơ quan phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý, phục vụ trực tiếp công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Cùng với các hoạt động có tính chất “tiền kiểm” và “hậu kiểm” khác (thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, giám sát thi hành văn bản QPPL…), công tác rà soát văn bản QPPL ngày càng được các bộ, ngành quan tâm chú trọng nhằm nâng cao chất lượng văn bản. Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định, kiểm tra, rà soát, tập trung nguồn lực, các điều kiện bảo đảm cho công tác này, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Các bộ, ngành, địa phương xử lý hoặc kiến nghị, đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật
Trên cơ sở các báo cáo rà soát, đề xuất, kiến nghị xử lý các vướng mắc, bất cập tại các văn bản quy phạm pháp luật của 63 tỉnh, thành phố theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đã tổng hợp, phân loại các kiến nghị, đề xuất gửi các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý. Trước mắt, tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: đầu tư, quy hoạch, xây dựng, quản lý tài sản công, thuế, phí… quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 bộ.
Với các kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung tại các luật khác và các văn bản dưới luật, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền và gửi kết quả thực hiện về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Nguồn: Cổng TTĐT