Chị G.T.M, bản Xéo Mả Pán, nạn nhân mua bán người trở về, chia sẻ: "Mình có đứa em rủ đi làm ăn xa, với mức thu nhập cao nên hai mẹ con cùng đi. Nhưng khi qua biên giới mới biết đã bị lừa nên mình tìm cách trốn về”. Nạn nhân mua bán người còn là những phụ nữ yếu thế, phụ nữ bị bạo lực gia đình, phụ nữ trẻ nhẹ dạ, thiếu hiểu biết.
Phụ nữ xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải được tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trong các buổi họp thôn bản.
Thực tế phụ nữ và trẻ em trên địa bàn vùng cao đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế và nguy cơ mất an toàn như: bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên hay xuất cảnh trái phép; trong đó có tình trạng mua bán người (MBN), đưa phụ nữ ra khỏi địa phương, ra nước ngoài để lấy chồng hoặc làm thuê, làm mại dâm, cưỡng ép lao động… Đã có rất nhiều người trên địa bàn xã Khao Mang (Mù Cang Chải) trở thành nạn nhân của tội phạm MBN.
Chị G.T.M, bản Xéo Mả Pán, nạn nhân MBN trở về, chia sẻ: "Mình có đứa em rủ đi làm ăn xa, với mức thu nhập cao nên hai mẹ con cùng đi. Nhưng khi qua biên giới mới biết đã bị lừa nên mình tìm cách trốn về”.
Ngoài ra cũng có trường hợp bị lừa bán do các đối tượng người địa phương câu kết với người nơi khác nhắm vào những phụ nữ yếu thế, phụ nữ bị bạo lực gia đình, phụ nữ trẻ nhẹ dạ, thiếu hiểu biết.
Với các chiêu lừa: đưa đi lấy chồng, kiếm việc làm ổn định thu nhập cao...; hay lợi dụng công nghệ thông tin như: Internet, điện thoại di động để tán tỉnh giả vờ yêu đương, giả vờ kết hôn đưa đi du lịch, đi làm ăn xa rồi bán cho các tổ chức, cá nhân ở địa phương khác hoặc người nước ngoài, tổ chức cho họ xuất cảnh trái phép.
Chị Giàng Thị Xá - Chủ tịch HPN xã Khao Mang cho biết: "Trước tình hình tội phạm MBN diễn biến phức tạp, đã có nhiều phụ nữ địa phương bị lừa bán, thời gian qua, HPN xã đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện công tác Hội, thực hiện Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy; đồng thời, phối hợp với cơ quan công an để nắm tình hình, phòng ngừa, triệt phá các đường dây phạm tội MBN; phối hợp với các cơ quan ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến MBN”.
Hội còn nhờ các nạn nhân trực tiếp nói về các thủ đoạn của tội phạm MBN, các nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm MBN, cuộc sống sau khi trở thành nạn nhân của tội phạm MBN, cách trở về... trong các buổi họp của bản, sinh hoạt chi hội... để hội viên nâng cao hiểu biết, từ đó đề cao cảnh giác.
Bên cạnh đó, để nâng cao đời sống cho hội viên, Hội cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp chị em vay vốn, tạo điều kiện để chị em được tham gia đào tạo nghề, tập huấn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi.
Nhờ đó, đến nay Hội Phụ nữ xã Khao Mang đã triển khai thực hiện 49 mô hình phát triển kinh tế có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, vận động thành lập 5 tổ hợp tác kinh tế trên địa bàn xã. Đáng mừng là 3 năm trở lại đây, Khao Mang không có trường hợp nào bị lừa bán hoặc đi làm ăn xa không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, đối với xã còn nhiều khó khăn như Khao Mang, rất cần sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức phòng, chống MBN.
Cùng đó, là các hoạt động giúp phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng để các nạn nhân bị MBN trở về được học nghề, tư vấn tâm lý, khám chữa bệnh miễn phí, có công ăn việc làm để họ nhanh chóng xóa đi mặc cảm khắc phục những khó khăn về kinh tế, ổn định cuộc sống.
Nguồn: Cổng TTĐT