Bạn đang ở đây

Kỳ họp lần thứ ba tiểu ban thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ

21/03/2016 08:23:31

Tại Kỳ họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã điểm lại tình hình hợp tác và quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư trong lĩnh vực giữa hai nước và hài lòng ghi nhận những tiến triển tốt đẹp trong năm vừa qua. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước năm 2015 đạt 5,13 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ là 2,47 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 2,66 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục được thu hẹp theo hướng có lợi cho Việt Nam. Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp cũng có những bước phát triển mạnh với việc Tập đoàn TATA được chấp thuận đẩy nhanh tiến độ vận hành thương mại của dự án Nhiệt điện Long Phú II vào năm 2021 và 2022, Tập đoàn ONGC tiếp tục tham gia và khai thác dầu khí tại Biển Đông, Tập đoàn TATA Motor hợp tác với Công ty CP TMT liên doanh lắp ráp ô tô tại Việt Nam, Ngân hàng Ấn Độ đã mở Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu năm 2016, v.v...

Cùng quan điểm đó, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Rita Teaotia đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước và cho biết tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại trong năm qua đã đưa Việt Nam Nam trở thành đối tác thương mại thứ 28 của Ấn Độ. Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, mối quan hệ này càng trở nên mật thiết khi Việt Nam giữ vai trò nước điều phối viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2018. Bà Teaotia nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong chiến lược “hành động hướng Đông” của Ấn Độ và trong chiến lược hội nhập với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), trong đó vai trò của Việt Nam được Ấn Độ đặc biệt quan tâm.

Nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác đa phương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh việc Việt Nam và Ấn Độ cùng với các quốc gia khác đã hoàn tất phiên thứ 11 Hiệp định RCEP và bày tỏ hy vọng Ấn Độ sẽ hợp tác tích cực và chặt chẽ hơn với ASEAN để sớm ký kết RCEP. Việt Nam luôn ủng hộ các đề xuất của Ấn Độ tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN.

Tại Kỳ họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã nêu một số đề xuất cụ thể nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương được phía Ấn Độ đánh giá cao gồm: (1) hợp tác tăng cường hiệu quả chuỗi giá trị khu vực, xác định những lĩnh vực cụ thể Việt Nam và Ấn Độ có lợi thế so sánh để có thể tạo ra sự bổ sung lẫn nhau về kinh tế; (2) từng bước giảm dần và tiến tới dỡ bỏ rào cản thuế và phi thuế như giảm thuế đối với điều nhân, cao su, cà phê, hạt tiêu, chè của Việt Nam và giảm số lượng các vụ việc chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam; (3) sớm thực hiện gói tín dụng 300 triệu USD Ấn Độ dành cho Việt Nam để phát triển hợp tác dệt may; (4) thành lập kho ngoại quan dệt may Ấn Độ tại Việt Nam và thành lập Khu công nghiệp dệt may Ấn Độ tại Việt Nam để thu hút đầu tư Ấn Độ vào ngành dệt may của Việt Nam, tận dụng các lợi thế do các FTAs Việt Nam tham gia đem lại.

Trong thời gian làm việc tại Ấn Độ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có buổi làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Dệt may Ấn Độ. Thứ trưởng cho biết Việt Nam đã nhập khẩu 402 triệu USD bông, sợi, vải và nguyên phụ liệu dệt may từ Ấn Độ trong năm 2015. Việt Nam có nhu cầu lớn về bông, vải, sợi, nguyên phụ liệu dệt may và Ấn Độ hoàn toàn có khả năng trở thành nguồn cung cấp chính cho Việt Nam với lợi thế giá cả cạnh tranh và chất lượng phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay, ngày càng có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Ấn Độ tại trong lĩnh vực dệt may thị trường Việt Nam, nhất là cơ hội do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại. Quốc vụ khanh Bộ Dệt may Ấn Độ hoàn toàn nhất trí với những đánh giá của phía Việt Nam về những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dệt may giữa hai nước cũng như một số đề xuất về việc sớm triển khai gói tín dụng dệt may trị giá 300 triệu USD và dự án thành lập Khu công nghiệp dệt may Ấn Độ tại Việt Nam. Để triển khai, hai bên cũng đã thông báo thành phần Nhóm Công tác chung về dệt may Việt Nam - Ấn Độ và nhất trí sớm tổ chức phiên họp đầu tiên để thúc đẩy hơn nữa hợp tác dệt may giữa hai nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đã đến chào xã giao Bà Preeti Saran, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ phụ trách khu vực các nước phía Đông, nguyên Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam. Thứ trưởng đã chúc mừng và đánh giá cao những đóng góp của Bà Preeti Saran đối với sự phát triển của mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Thứ trưởng cũng mong muốn Bà Preeti Saran tiếp tục dành những tình cảm tốt đẹp và sự hỗ trợ của Bà Preeti Saran đối với sự phát triển quan hệ song phương. Đáp lại những tình cảm và mong muốn đó, Bà Preeti Saran cho biết sẽ luôn quan tâm thúc đẩy, đề ra những sáng kiến để mối quan hệ đó ngày càng tốt đẹp hơn, nhất là về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế phủ gầm xe ô tô chống rỉ sét, thương mại, đầu tư, quốc phòng.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ. Thứ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của Đại sứ quán và Thương vụ trong việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước và mong muốn Đại sứ quán tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương trong các hoạt động xúc tiến thương mại và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương như năng lượng, dệt may, dầu khí, cơ khí chế tạo… đáp ứng sự mong mỏi của Lãnh đạo cấp cao hai nước, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2016.

Trong khuôn khổ Kỳ họp, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã phối hợp với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam Ấn Độ với sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp hai nước. Tại Diễn đàn, doanh nghiệp hai bên đã thảo luận để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, nông sản, thực phẩm, thức ăn gia súc, v.v…

 
Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á

 

Tin liên quan