Bạn đang ở đây

Đặc sản ở Viễn Sơn

12/08/2015 13:02:54

Từ trung tâm huyện Văn Yên qua hơn chục cây số đường, chúng tôi có mặt ở xã Viễn Sơn, cái nôi của cây quế Văn Yên. Dẫu chưa vào chính vụ nhưng trên đường vào xã, chúng tôi gặp những chiếc xe máy nối tiếp nhau chạy vào các thôn, bản để thu mua quế. Năm nay, quế lại được giá. Giá 1kg quế khô có thể đổi được 3kg gạo ngon.

Ông Bàn Kim Vạn, thôn Khe Dứa phấn khởi cho biết: “Giờ cây quế không phải bỏ bất cứ thứ gì từ thân, cành đến lá. Tất cả đều bán được tiền. Năm nay, quế được giá. Nhà nào cũng có quế bán. Thế là, nhiều nhà lại có thêm tiền mua ti vi, xe máy lắm đây!”.

Xã Viễn Sơn có 471 hộ dân với 3.373 nhân khẩu. Không biết cây quế có mặt ở đây từ bao giờ nhưng ở đây vẫn còn lưu giữ được những cây quế hàng trăm năm tuổi.

Trải qua nhiều thế hệ, người Dao xã Viễn Sơn vẫn coi quế là cây trồng chủ lực và là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân. Quế được trồng trong vườn nhà, trên đồi cao, dọc theo các triền núi, dọc các con suối... Vào vụ thu hoạch, làng trên, xóm dưới lại rộn ràng, nhà nhà lên đồi bóc quế. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng người dân Viễn Sơn vẫn quyết tâm bám trụ với cây quế và đầu tư mở rộng diện tích.

Nhiều năm trở về trước, giá quế rớt thê thảm, có lúc 3kg quế không đổi lấy được 1kg gạo. Có mùa vụ, người dân bóc quế bán không đủ tiền đầu tư chăm sóc. Ấy vậy mà người Dao ở Viễn Sơn vẫn không bỏ quế. Bằng chứng quế vẫn là cây trồng chủ lực được đưa vào nghị quyết đại hội Đảng bộ xã trong nhiều nhiệm kỳ bởi với người Viễn Sơn quế không chỉ là cây nuôi sống con người mà còn là cây rừng bảo vệ thiên nhiên, gắn bó với đồng bào như máu thịt. Ở đây, mỗi khi dựng vợ, gả chồng, quế là của hồi môn không thể thiếu của bố mẹ dành cho con để làm vốn, tạo kế sinh nhai. Chẳng thể mà, mỗi cặp vợ chồng khi kết hôn đều lên đồi trồng từ 500 - 1.000 cây quế. Nhà nào sinh con đẻ cái cũng trồng từ 100 - 200 cây quế. Nhà nào cũng trồng quế, hộ ít nhất cũng có vườn quế vài chục cây, đặc biệt, có hộ có từ 50 - 60ha quế.

Hiện nay, Viễn Sơn có trên 15.000ha quế. Đặc biệt, từ khi có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên, thị trường ổn định, giá quế tăng cao từ 2 - 3 lần so với những năm trước. Đồng chí Bàn Phúc Hín - Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn cho biết: “Hàng năm, người dân Viễn Sơn thu hoạch được hơn 400 tấn quế khô và các sản phẩm liên quan đến quế, thu về cho bà con gần chục tỷ đồng”. Hộ gia đình ông Bàn Tà Chu ở thôn Đồng Lụa là hộ trồng quế lâu năm cho biết: “Từ quế, gia đình tôi có thu nhập ổn định, mua sắm được nhiều đồ đạc, tiện nghi trong gia đình”.

Đi đôi với việc khuyến khích người dân trồng quế, xã Viễn Sơn cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn cây giống. Để bảo tồn giống quế, xã quy hoạch diện tích 4ha những cây quế có đường kính từ 30cm, cao từ 15m trở lên và 30 cây trội làm giống. Hiện nay, nhà nào ở Viễn Sơn khi khai thác quế cũng để lại 5 - 10 cây quế để duy trì giống quế Viễn Sơn, không sử dụng giống ngoài.

Đồng chí Bàn Phúc Hín cho biết thêm: “Để lưu giữ, phát triển giống quế đặc sản này, xã đã thực hiện tốt công tác duy trì bảo tồn cây giống, bảo tồn nguồn gen quế địa phương, chống pha tạp giống quế; bảo tồn các nương quế phục vụ du lịch, vùng sinh thái tại địa phương. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm quế theo quy trình kỹ thuật. Vì vậy, quế Viễn Sơn luôn có chất lượng tốt nhất”.

Theo YBĐT

Tin liên quan