Bạn đang ở đây

Các doanh nghiệp cần tích cực tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất

31/08/2011 16:06:41
Công ty cổ phần khoáng sản Viglacera là một trong số 43 đơn vị sản xuất nguyên liệu gốm sứ, thủy tinh trong cả nước phải giảm sản lượng tiêu thụ do ảnh hưởng của tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Các bạn hàng giảm sản lượng tiêu thụ nên sản phẩm tiêu thụ chỉ còn 30% so với trước đây.
 
Từ tháng 10/2008, để giảm chi phí sản xuất, mỗi ngày công ty chỉ tiến hành sản xuất một ca vào giờ thấp điểm; số cán bộ văn phòng giảm từ gần 50 xuống 20 người; 105 công nhân của công ty thay nhau lao động thủ công để đảm bảo thu nhập. Hai tháng đầu năm công ty tiêu thụ trên 4.000 tấn sản phẩm.
 
Kiểm tra tình hình sản xuất Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Xuân Lộc chia sẻ những khó khăn của công ty và cho rằng đã có cách làm hay trong giải quyết vấn đề vận tải. Đồng chí cho rằng công ty cần tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, sớm làm việc với các ngân hàng để được hưởng sự hỗ trợ lãi suất, đồng thời có giải pháp hợp lý khi giá điện tăng.
 
Kiểm tra tình hình sản xuất tại Nhà máy giấy Yên Bình của Công ty cổ phần nông lâm sản thực phẩm Yên Bái, đồng chí Hoàng Xuân Lộc được biết do giá bán sản phẩm chỉ bằng 60% so với trước đây nên gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, nhưng nhà máy đã có nhiều cố gắng cải tiến dây chuyền để tháng 1 và tháng 2 sản xuất đạt kế hoạch đề ra.
 
Đồng chí yêu cầu nhà máy phải quan tâm hơn đến việc thu mua nguyên liệu. Nguyên liệu cho chế biến giấy ở Yên Bái dồi dào, nhưng quan trọng nhất là cách mua thế nào. Có thể mua tại nhà máy, nhưng có thể đến mua trực tiếp ở địa phương, cần có cơ chế khuyến khích đối với người bán nguyên liệu cho nhà máy.
 
Tỉnh có cơ chế hỗ trợ lãi suất, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm và sẽ có thể hỗ trợ giá mua nguyên liệu cho nhà máy, tuy nhiên nhà máy và công ty cần có sáng kiến cải tiến kỹ thuật để năng lượng tiêu thụ ít, giảm mức khấu hao vì sản xuất của nhà máy là lâu dài nhằm duy trì được sản xuất, người lao động có việc làm, có thu nhập.
 
Cơ sở sản xuất gỗ ván ép của Công ty TNHH Hùng Linh tại xã Phú Thịnh huyện Yên Bình là nơi đã tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị từ gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện và giải quyết việc làm cho gần 100 lao động địa phương với thu nhập từ 1,3 triệu đến 1,7 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi tháng xuất khẩu 7 - 8 công, tương đương đương khoảng 360 mét khối ván ép.
 
Thăm cơ sở sản xuất, đồng chí Hoàng Xuân Lộc cho rằng doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và khai thác được tiềm năng thế mạnh của kinh tế rừng. Bên cạnh việc mở rộng để phát triển sản xuất, công ty cần đầu tư thiết kế, quy hoạch hệ thống cho bài bản; làm sao để các công đoạn từ cắt bóc, sấy ép, đóng sản phẩm hình thành dây chuyền sản xuất có quy mô, tăng năng suất lao động.
 
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Xuân Lộc cũng đã kiểm tra tình hình sản xuất của hai Công ty xi măng của tỉnh. Đồng chí bày tỏ vui mừng bởi từ sau tết đến nay, dây chuyền sản xuất xi măng hai công ty đều đi vào sản xuất ổn định, đạt và vượt công suất. Hai tháng qua, Công ty cổ phần xi măng và khoáng sản Yên Bái đã tiêu thụ khoảng 40.000 tấn xi măng, 7.000 tấn bột đá CaCO3 các loại. Đồng chí Hoàng Xuân Lộc đánh giá cao sự cố gắng của công ty đã và đang vượt qua những khó khăn về nguồn vốn để sản xuất hiệu quả, đặc biệt là ý thức tiết kiệm nguyên liệu trong sản xuất bột đá thông qua việc tận thu nguồn phế liệu trong hoạt động sản xuất đá trắng ở địa phương khác.
 
Mặc dù thị trường mới chỉ tiêu thụ bằng 60%, nhưng trong tháng 2 dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần xi măng Yên Bình đã hoạt động đạt 100% công suất, trong tháng cho ra lò 65.000 tấn clanhke, tiêu thụ 34 ngàn tấn sản phẩm. Tại đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: mặc dù đã có những bạn hàng tiêu thụ với số lượng lớn nhưng công ty cần có phương án tiêu thụ với những hợp đồng nơi sản lượng thấp hơn. Xi măng là một sản phẩm lớn trong sản xuất công nghiệp nên tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ nhưng công ty cũng phải tích cực trong việc tiếp cận các nhà thầu, chủ đầu tư, các đơn vị xây lắp để có thêm thị trường tiêu thụ ổn định trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
 
Đồng chí Hoàng Xuân Lộc cũng đã xem xét tình hình sản xuất của Công ty TNHH Yên Phú tại thị trấn Yên Bình và kiểm tra địa điểm quy hoạch Cụm công nghiệp Thịnh Hưng ở xã Thịnh Hưng huyện Yên Bình rộng 25 ha. Đây sẽ là nơi tập trung một số doanh nghiệp chế biến khoáng sản, gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng và doanh nghiệp sửa chữa cơ khí vào hoạt động trong thời gian tới.
 
Quang Tuấn

Tin liên quan