Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (Đoàn số 03) do Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chủ trì đã thực hiện kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân 2021 tại tỉnh Yên Bái.
Tích cực hành động vì an toàn thực phẩm
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021, trong 2 ngày 27 và 28/1, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (Đoàn số 03) do Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chủ trì đã thực hiện kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩmtrong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân 2021 tại tỉnh Yên Bái.
Hoạt động kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021.
Báo cáo với Đoàn số 03, ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái, Phó Trưởng ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm (ATTP) Yên Bái cho biết, Yên Bái là một tỉnh miền núi, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn nhất là các địa bàn huyện vùng cao. Tỉnh gồm 9 huyện, thị xã, thành phố, với 173 xã phường, thị trấn, dân số trên 821.000 người.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 8.890 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 1.453 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm, 2.513 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1.893 cơ sở dịch vụ ăn uống, 458 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng trong nhà thuốc, 39 cơ sở nước uống đóng bình, đóng chai, nước đá dùng liền, 17 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 1.094 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, 700 cơ sở sản xuất rượu thủ công...
Các cơ sở sản xuất chủ yếu là các loại hình sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Các sản phẩm chế biến từ thịt như giò chả, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy… hầu hết làm từ phương thức sản xuất, chế biến thủ công, truyền thống, thiết bị đơn giản. Bên cạnh đó, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn tồn tại một số tập tục lạc hậu. Trên địa bàn tỉnh hiện có 723 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng chưa có cơ sở giết mổ tập trung.
Trước tình hình đó, công tác bảo đảm ATTP đã được tỉnh Yên Bái triển khai sâu rộng đến các cấp, ngành. Hiện hệ thống tổ chức cơ quan chuyên môn quản lý ATTP của tỉnh đã được phân cấp quản lý theo quy định của Luật ATTP và các Nghị định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được thực hiện một cách tích cực, giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng; công tác thanh tra, kiểm tra nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND các cấp, sự tham gia của các ban, ngành có liên quan, nhất là đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương trong xử lý và khắc phục các sự cố về ATTP.
Đáng chú ý, tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng, tham mưu đẩy mạnh quy hoạch và hỗ trợ các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản thực phẩm an toàn; hướng dẫn các cơ sở sản xuất áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, hỗ trợ thúc đẩy áp dụng rộng rãi Viet GAP, GMP, OCOP, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và các mô hình sản xuất an toàn khác trong sản xuất; ứng dụng rộng rãi công nghệ 4.0 vào truy xuất nguồn gốc điện tử và xúc tiến thương mại tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh.
“Do tình hình dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương cũng như sự quan tâm sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND của các cấp, các ngành nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã dần đi vào ổn định, công tác bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm được duy trì và ngày một tốt hơn”, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo ATTP tỉnh nhấn mạnh.
Báo cáo thêm với Đoàn số 03 về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái cũng cho hay, giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 30 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, trong năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức triển khai 18 lớp tập huấn cho 800 học viên ở các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức thẩm định, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về ATTP nông, lâm, thủy sản đối với 199 cơ sở; thẩm định và cấp 58 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 58 cơ sở đạt yêu cầu theo quy định và tổ chức ký cam kết đối với 26 cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản, nhỏ lẻ.
Siết chặt quản lý ATTP dịp trước, trong và sau Tết
Để tăng cường công tác bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và mùa Lễ hội năm 2021, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Công văn số 56/UBND-VX, ngày 11/1/2021 yêu cầu các ngành thành viên Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Liên Hiệp - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái chia sẻ, trong tháng 1/2021, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, xử lý 8 vụ vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Hàng hóa vi phạm chủ yếu liên quan đến hàng hóa nhập khẩu không rõ nguồn gốc, hàng hóa hết hạn sử dụng.
Trong những ngày cận, trong và sau Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa kinh doanh, tiêu thụ sẽ tăng cao, do đó, Cục sẽ tập trung kiểm tra hạn sử dụng và chất lượng của loại hàng thực phẩm. Song song đó, chỉ đạo các Đội quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng lậu, hàng hết hạn sử dụng, kém chất lượng, hàng không đảm bảo ATTP và các hành vi gian lận khác. Ngoài ra, chỉ đạo các đội phân công chức trực Tết 24/24 và theo dõi tình hình thị trường để tổng hợp báo cáo theo quy định.
Riêng công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực lưu thông thực phẩm do ngành Công Thương tỉnh thực hiện, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái - thành viên đoàn kiểm tra đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm tra 24 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 cơ sở, với tổng số tiền trên 45 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là hàng không có tem nhãn mác, không có tem nhãn phụ…
Còn về phía ngành nông nghiệp, thực hiện chương trình kiểm tra, thẩm định, giám sát, hậu kiểm về ATTP nông lâm thủy sản trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kiểm tra, thẩm định được 24 cơ sở, phát hiện 5 cơ sở có hành vi vi phạm. Ngoài ra, Sở đã cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP và kiểm tra được 22 cơ sở kinh doanh thực phẩm, xử lý vi phạm 6 cơ sở.
Đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Yên Bái trong việc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, trưởng Đoàn số 03 nhận xét, việc chỉ đạo về ATTP đã được thống nhất từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho đến các sở, ngành của tỉnh. Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP cấp tỉnh đã được thành lập từ rất sớm sau khi có chỉ đạo của Trung ương và đã tổ chức chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ đối với tuyến huyện cho đến tuyến xã ở tất cả các lĩnh vực: Công Thương, Nông nghiệp, Y tế.
Dự báo, dịp Tết nguyên đán Tân Sửu và dịp lễ hội mùa xuân 2021, hàng hóa thực phẩm dồi dào, phong phú, do vậy, trưởng Đoàn số 03 đề nghị, Ban Chỉ đạo ATTP Yên Bái cần tăng cường, siết chặt công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, bảo đảm một mùa lễ hội lành mạnh, vui tươi cho bà con.
Để thực hiện mục tiêu đó, ông Nguyễn Việt Tấn đề nghị, Ban chỉ đạo ATTP tỉnh Yên Bái tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý về ATTP.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; đồng thời, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP bị xử lý theo quy định.
Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, việc đảm bảo ATTP là yêu cầu bức thiết. Vấn đề đặt ra chính là sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, đặc biệt là tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm ATTP. Song song với hoạt động tích cực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng phải trang bị những kiến thức ATTP để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình khi tết đến, xuân về.
Nguồn: Phòng QLCNNL