Bạn đang ở đây

Yên Bái thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

25/11/2022 08:18:05

YênBái - Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều hoạt động giúp doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số (CĐS). Từ đó, nhiều DN đã thay đổi công nghệ, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình thông minh, hiện đại, giúp nâng cao năng suất, kiểm soát được quá trình, các chỉ số quản trị hàng ngày, hàng giờ.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được doanh nghiệp công nghệ số giới thiệu, trải nghiệm các nền tảng số, sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được doanh nghiệp công nghệ số giới thiệu, trải nghiệm các nền tảng số, sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số.

Công ty cổ phần Khoáng sản, bao bì và Nhựa Vinavico chuyên sản xuất các sản phẩm bao bì PP, bột đá CaCO3, hạt nhựa phụ gia cung cấp trong nước và xuất khẩu. Bắt nhịp với xu thế, song song với đầu tư vào hệ thống công nghệ dây chuyền sản xuất, Công ty đẩy mạnh việc ứng dụng nền tảng số trong quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh (SXKD) mang lại nhiều kết quả tích cực. 

Theo đó, phần mềm kế toán Misa giúp Công ty quản lý, điều hành online từ xa giữa văn phòng tại Hà Nội và nhà máy tại Yên Bái; quản trị tài chính tức thời, giúp cho nhân viên kế toán tiết kiệm thời gian, làm việc chính xác và hiệu quả; quản lý kho, số liệu tại nhà máy mọi lúc mọi nơi; kết nối với cơ quan thuế, ngân hàng, hóa đơn điện tử, chữ ký số, phần mềm bán hàng… tạo thành hệ sinh thái xử lý dữ liệu nhanh, tiện lợi. 

Nền tảng quản trị Base hỗ trợ số hóa tờ trình, quản lý công việc trong phòng, ban quản lý hệ thống thông tin nội bộ; từ đó, giao việc, đánh giá và lưu trữ kết quả công việc của cá nhân, phòng, ban, dự án. Công ty cũng tận dụng các website, trang thương mại điện tử (TMĐT) quốc tế để quảng cáo thương hiệu và kinh doanh. Nhờ đó, Công ty có cơ hội kết nối tới các DN quốc tế, mở rộng thương hiệu và gia tăng doanh thu cho Công ty. 

Rõ ràng, việc ứng dụng các nền tảng công nghệ số mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN. Nhiều năm qua, bên cạnh những DN quan tâm triển khai thực hiện CĐS, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều DN chưa nhìn nhận được tầm quan trọng của CĐS để xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp về nguồn nhân lực và tài chính. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 2.600 DN; trong đó, 1.350 DN hoạt động thường xuyên, 585 hợp tác xã, 6.244 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 573 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, khí đốt. Để phục vụ nhu cầu của DN và người dân, tỉnh đã tập trung phát triển chính quyền điện tử, hạ tầng chính quyền số trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet. 

Theo đó, tỉnh đã đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả Trung tâm Tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh, Trung tâm Giám sát an ninh không gian mạng tỉnh, Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước tại 408 điểm; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh..., đặc biệt là Cổng dịch vụ công của tỉnh. 

Hiện nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp 1.854 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1,2,3,4; trong đó, có gần 600 dịch vụ công mức độ trực tuyến 3, 4 nhằm phục vụ DN và công dân tham gia giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. 

Cùng đó, tỉnh cũng có nhiều hỗ trợ để phát triển kinh tế số DN như: tập huấn, đào tạo; hỗ trợ 13 DN nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS phục vụ SXKD với kinh phí trên 870 triệu đồng; ký cam kết với các DN công nghệ số về việc hỗ trợ DN Yên Bái trong việc ứng dụng các nền tảng, giải pháp công nghệ số vào hoạt động SXKD; hỗ trợ 1.250 DN đăng ký thành viên và mở gian hàng trên các sàn TMĐT; hỗ trợ 1.150 DN xây dựng website TMĐT hoặc tham gia giao diện thành viên trên các sàn TMĐT; đưa 450 sản phẩm lên sàn TMĐT, bước đầu các đơn vị bán ra trên 6.200 đơn hàng, doanh thu đạt trên 2,2 tỷ đồng... 

Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, 100% các DN trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phương thức kinh doanh thông qua hoạt động điện tử và trang bị hoàn thiện hạ tầng cho TMĐT; 95% DN sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động SXKD; 45% có trang thông tin điện tử hoặc tham gia giao diện thành viên trên các sàn TMĐT để giới thiệu thông tin và quảng bá sản phẩm của DN; 43% DN ứng dụng các phần mềm, giải pháp tiện ích trong hoạt động quản lý SXKD.

CĐS là một hành trình không có điểm dừng, DN phải không ngừng cập nhật, đổi mới, cải tiến và chấp nhận cái mới để bắt kịp xu hướng thời đại. Do đó, lãnh đạo DN cần có tư duy đột phá, chiến lược dài hạn cho quá trình CĐS trong mọi hoạt động của DN, bao gồm cả nhận thức, kỹ năng và công nghệ. 

Nguồn: Báo Yên Bái

Tin liên quan