Là địa phương có tiềm năng khoáng sản dồi dào, đặc biệt là đá trắng, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản, góp phần tăng giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.
Hoạt động khai thác đá tại Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam trên địa bàn huyện Lục Yên |
Thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TU ngày 24/2/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả thân thiện với môi trường, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về khai thác, sử dụng khoáng sản được tăng cường thực hiện với nội dung, hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về khai thác khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp từ thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng đến cấp phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có 109 mỏ được cấp giấy phép khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh còn hiệu lực của 78 tổ chức doanh nghiệp. Cụ thể, đá làm vật liệu xây dựng thông thường 23 mỏ, than 02 mỏ, quặng đồng 02 mỏ, quặng sắt 11 mỏ, chì kẽm 06 mỏ, felaspat 02 mỏ, đất hiếm 01 mỏ, đá vôi trắng 35 mỏ, thạch anh 02 mỏ, graphit 01 mỏ…
Những năm qua, cơ cấu nội ngành khai thác, chế biến khoáng sản đã có bước chuyển tích cực sang đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, tiết kiệm tài nguyên. Hầu hết doanh nghiệp khai thác mỏ đã đầu tư nhà máy chế biến hoặc nhà máy tuyển làm giàu quặng. Chuyển dịch nội ngành tích cực góp phần giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến. Toàn tỉnh đã thu hút được 22 dự án khai thác, chế biến với tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng; điền hình về quy mô như Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nghiền thạch anh Thanh Sơn, công suất 93.600 tấn/năm của Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến khoáng sản Thanh Sơn.
Công tác thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Các nhiệm vụ khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản; quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cũng như việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản cũng đã được tăng cường thực hiện có hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường được tăng cường đã giúp phát hiện, uốn nắn, xử lý kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, giúp công tác quản lý về tài nguyên và môi trường từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đến nay, các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cơ bản chấp hành nghĩa vụ với Nhà nước, đóng góp tích cực cho ngân sách. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn có nơi, có lúc còn chưa thực sự chặt chẽ. Ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, doanh nghiệp chưa cao. Một số tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng cam kết môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; chưa chú trọng đầu tư cho chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Số ít đơn vị khai thác khoáng sản chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định…
Để siết chặt công tác quản lý trong lĩnh vực khoáng sản, đảm bảo sự phát triển bền vững, thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục tăng cường hơn nữa việc phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý khoáng sản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về khai thác, quản lý, sử dụng khoáng sản đến tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động này; phát huy vai trò giám sát, thông tin, phản ánh của người dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong khai thác, chế biến khoáng sản cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm với cộng đồng nơi khai thác, đóng góp nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng kinh tế - xã hội, nghiêm túc thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác.
Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp thu, khắc phục triệt để các tồn tại đã chỉ ra trong các cuộc thanh tra, kiểm tra, làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước; thường xuyên trao đổi, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để được giải đáp, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo đúng quy định.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách hành chính, đồng hành hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp".
"Cùng đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh mở rộng sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại, sản xuất đến sản phẩm cuối cùng để nâng cao giá trị gia tăng, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đặc biệt, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, dịch vụ nổ mìn phải tuân thủ đúng thiết kế khai thác mỏ, thiết kế xây dựng; chỉ được phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại đúng vị trí cấp phép; áp dụng các biện pháp nổ mìn tiên tiến, sử dụng các loại vật liệu nổ công nghiệp ít gây tiếng ồn và khói bụi để không ảnh hưởng đến môi trường” là điều mà ông Quang đặc biệt nhấn mạnh.
Theo Báo Yên Bái